Có nhiều điều cần xem lại, đừng để giữa lúc này lại mất thêm nhiều nhân viên y tế.
KỶ LUẬT, THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ
Có nhiều điều cần xem lại, đừng để giữa lúc này lại mất thêm nhiều nhân viên y tế.
Ngày 4/9/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 7330/BYT-KCB, chấn chỉnh công tác nhân sự, yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhân viên y tế nào bỏ việc hoặc vi phạm các qui định về đạo đức nghề nghiệp.
Đây là một công văn rất đau xót, phản ánh thực trạng cách đối xử với nhân viên y tế trong phòng chống dịch. Có lẽ tình hình nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc nhiều lắm, nên Bộ Y tế mới phải làm một cái công văn như thế này, vào đúng lúc dịch đang căng thẳng, và rất nhiều nhân viên y tế đang căng mình ra giữa vòng vây của dịch bệnh.
Tôi nhớ có xem một cái clip, cách đây vài tuần. Người quay clip nói bác sĩ trốn hết rồi, người chết không được đưa đi, người bệnh không được chăm sóc. Cũng có thể điều đó là thật. Ngay cả chỗ chúng tôi, nghỉ dài ngày quá nhân viên cũng rơi rụng dần, mặc dù chúng tôi cố gắng trả một ít phụ cấp.
Tất nhiên, công văn nói trên không nói những trường hợp nghỉ việc như ở chỗ chúng tôi. Họ nhắm đến những người được phân công làm công tác chống dịch ở tuyến đầu. Tôi không trực tiếp làm việc trong các bệnh viện dã chiến, hay các bệnh viện chuyên điều trị người nhiễm virus Vũ Hán. Nhưng qua những bài viết, các hoạt động thiện nguyện xoay quanh các khu vực đó, và từ một vài người bạn đang làm việc tại những nơi đó, tôi thấy, có nhiều điều cần xem lại, đừng để giữa lúc này lại mất thêm nhiều nhân viên y tế.
Đầu tiên nhất, hệ thống y tế đã không được bảo vệ trong cơn bùng phát dịch vừa qua. Hàng loạt bệnh viện bị phong tỏa. Thậm chí, chỉ cần 1 bệnh nhân đến khám, và sau đó phát hiện nhiễm, là phong tỏa luôn cả bệnh viện. Ngoại trừ những cái tên lớn, còn lại, cách hành xử của cơ quan quản lí cứ như họ là tội phạm. Cách hành xử như vậy làm cho nhân viên y tế không thể còn nhiệt huyết để làm việc nữa.
Việc phân biệt đối xử giữa y tế công và y tế tư, giữa bệnh viện và phòng khám đa khoa, đặc biệt là đối với các phòng khám tư nhân của một số Sở Y tế, điển hình là Sở Y tế TPHCM, không chỉ gây bất bình cho nhiều nhân viên y tế tư nhân, mà còn cho rất nhiều nhân viên y tế công.
Trong khi đó thì khi nhân viên y tế được đưa ra tuyến đầu, chính quyền đã quan tâm đến họ đúng mức chưa?
Tôi hết sức ngạc nhiên khi một số bếp ăn từ thiện nói với tôi, hoặc đăng công khai trên facebook, rằng họ nấu ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến. Tôi cũng đã nhận được xác nhận việc này ở một vài nhân viên công tác xã hội của một số bệnh viện. Vậy ra nhà nước không lo cho họ, hoặc lo như thế nào, mà để các tổ chức từ thiện phải đứng ra lo bữa ăn cho họ. Chính quyền đã biến nhân viên y tế tuyến đầu thành người phải đi nhận bữa ăn từ thiện, no đói nhờ vào lòng tử tế của người khác.
Phong trào tặng các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị người nhiễm virus Vũ Hán, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh nhiễm virus Vũ Hán rất rầm rộ. Điều này chứng tỏ, các bệnh viện thiếu thốn những thứ bảo đảm sự an toàn cho nhân viên y tế. Tại sao nhà nước không lo những thứ này cho nhân viên y tế, mà phải để sự an nguy của họ phụ thuộc vào lòng từ tâm của bá tánh?
Phong trào quyên góp những thiết bị y tế rẻ tiền, như thiết bị đo SpO2, hoặc đắt tiền hơn như máy thở không xâm nhập… cũng rất rầm rộ. Tôi còn phát hiện, các bệnh viện dã chiến còn thiếu cả bình oxy, mask thở, cũng lại phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhóm từ thiện. Những trang thiết bị phục vụ làm việc rất tối thiểu mà cũng không có, phải nhờ từ thiện giúp đỡ, thì có thể làm việc được hay không?
Nhiều bác sĩ tham gia chống dịch và điều trị bệnh nặng không phải chuyên ngành hồi sức hay nhiễm. Để có thể làm việc độc lập, ít nhất họ cũng phải có khoảng 6, 7 năm trong chuyên ngành. Bây giờ, các bác sĩ không thuộc chuyên ngành đó phải độc lập xử lí những ca rất khó, ngay cả đối với những bác sĩ đầu ngành hồi sức cấp cứu. Các vị có hiểu một người bác sĩ sẽ phản ứng như thế nào khi thấy mình bất lực chưa?
Bs. Võ Xuân Sơn