19. Đức Mẹ Phù Hộ
Nếu bạn có cơ hội đến thăm Vương cung thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ ở thành phố Turin, miền bắc nước Ý, thì ở phía sau nhà thờ, bạn sẽ nhìn thấy một bức tranh mô tả giấc mơ nổi tiếng của người xây dựng vương cung thánh đường, thánh Gioan Bosco.
Ở giữa bức tranh là một con tàu lớn đang chiến đấu một trận chiến ác liệt trên biển. Con tàu bị bao vây bởi một hạm đội lớn của kẻ thù đang nỗ lực bắn phá nó bằng đạn đại bác và bom cháy; nó húc các mũi nhọn sắc bén của chúng vào mạn tàu.
Một người đàn ông mặc đồ trắng đứng ở mũi tàu cố gắng hướng dẫn nó vào bờ an toàn. Cách một khoảng bằng chiều rộng của con tàu là hai cột cao mà tàu phải đi qua để vào bờ. Trên đỉnh của một trong hai cây cột là hình ảnh của Mẹ Maria với dòng chữ “Phù hộ các giáo hữu” được viết bên dưới; trên đầu của cột kia là hình bánh thánh màu trắng, với dòng chữ “Ơn cứu độ của người tín hữu” bên dưới. Mỗi khi một tàu địch thành công trong việc tạo ra một vết nứt ở mạn tàu, một cơn gió nhẹ thổi đến từ các cột trụ vá lại lỗ thủng. Vào một lúc nọ, theo lời kể của giấc mơ, thuyền trưởng mặc áo trắng bị thương và chết, những người trong tàu của kẻ thù reo hò và vui mừng.
Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, mọi người trên con tàu bầu một thuyền trưởng mới, cũng mặc đồ trắng, đứng dậy ngay để tiếp tục hướng dẫn con tàu đến nơi an toàn. Cuộc chiến tiếp tục diễn ra ác liệt, nhưng thuyền trưởng mới thành công bẻ lái con tàu giữa hai trụ, đưa nó vào cảng. Ngay sau khi nó được neo vào hai cột, tất cả các tàu địch đã bỏ chạy, va vào nhau và vỡ ra từng mảnh.
Đột nhiên, mặt nước tĩnh lặng, và một sự bình yên bao trùm trên biển. Cũng trong bức tranh này là những hình ảnh khác giúp chúng ta suy niệm về lễ trọng kính Đức Mẹ Mân Côi. Thánh Gioan Bosco, một vị thánh nhiều giấc mơ trong cuộc đời của mình, đã nhìn thấy cảnh tượng được mô tả trong bức tranh này vào một đêm tháng Năm năm 1862.
Ngài hiểu ngọn cờ là hình ảnh của Giáo hội, thuyền trưởng mặc áo trắng là biểu tượng của Đức Thánh Cha, và những con tàu của kẻ thù là Satan đang đánh phá và bách hại Giáo hội. Hai cây cột và những hình ảnh đặt trên đó tiêu biểu cho sự bảo vệ và giúp đỡ mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cung cấp cho Giáo hội lữ hành trên dương thế. Trong khi trình bày cách giải thích này, người ta cũng có thể đưa ra nhiều so sánh giữa những hình ảnh này với kinh nghiệm riêng của mỗi người khi tiến về phía trước trong cuộc hành hương về quê trời. (Cha David Rider; do cha Tony Kayala trích dẫn.
20. Mẹ là mẹ của con
Năm 1929, chỉ 17 ngày trước sinh nhật thứ 9 của mình, cậu bé Karol Wojtyla – vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai – từ trường học về nhà vào buổi tối. Cậu đã quen với việc nhìn thấy cha mình – một người lính mạnh mẽ trong quân đội Ba Lan – quỳ gối cầu nguyện trên sàn gỗ cứng trong phòng khách nhà họ.
Tuy nhiên ngày hôm đó, khi Karol nhìn thấy cha mình cầu nguyện, cậu thấy đầu gối cha mình ướt đẫm trong một vũng nước mắt. “Có chuyện gì vậy, Papa?” Giáo hoàng tương lai hỏi cha mình. “Karol à, mẹ của con vừa mới mất rồi!” là câu trả lời của cha cậu.
Quá bất ngờ, và không biết phải làm gì, cậu bé tám tuổi chạy ra khỏi nhà, vội đến nhà thờ giáo xứ ở Wadowice, cách căn hộ Wojtyla chưa đầy nửa dãy nhà. Cậu bước vào nhà thờ và gần như theo bản năng, chạy lên lối giữa đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ, và với chính giọt nước mắt của mình, cầu nguyện với Ngài: “Lạy Mẹ Chúa Giêsu, con không biết tại sao Chúa bắt mẹ con về nhà Cha vào thời điểm này. Nhưng con biết một điều: Bây giờ Mẹ là mẹ của con!”
Đức Thánh Cha, ngài đã phó dâng cho Đức Mẹ trước sinh nhật thứ chín, tiếp tục dâng mình cho Đức Mẹ luôn mãi. Khẩu hiệu của ngài, “Totus Tuus,” xuất phát từ lời cầu nguyện dâng mình cho Đức Mẹ của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, người đã cầu nguyện mỗi ngày: “Hỡi Maria! Con là tất cả của Mẹ, và tất cả những gì con có đều là của Mẹ. Con hoàn toàn đón Mẹ vào nhà của con. Hỡi Maria! xin ban cho con trái tim của Mẹ,” để con có thể yêu mến Chúa hơn. (Theo cha Roger J. Landry)
21. Khác biệt thật sự
Một cậu bé đánh giày miệt mài làm công việc của mình ở Nhà ga Trung tâm Thành phố New York. Khi cậu chà mạnh đôi giày sáng bóng của một người đàn ông sang trọng, tượng ảnh Đức Mẹ bằng bạc đeo trên cổ cậu lắc qua lắc lại.
Người đàn ông tò mò hỏi: “Con trai, cái vòng bạc quanh cổ con là gì vậy?”- Đó là ảnh của mẹ Chúa Giêsu,” cậu bé trả lời. Người đàn ông hỏi tiếp: “Tại sao lại là ảnh của bà ấy?” Cậu bé nói: “Bà ấy cũng không khác gì mẹ của ông ạ.” “Có thể vậy đấy, nhưng thật sự có một sự khác biệt lớn giữa Con của bà và cháu.”
* Lòng sùng kính của cậu bé đối với Mẹ Maria có thể là lời nhắc nhở tôi: Mẹ Maria đóng vai trò gì trong đời sống của tôi? Mẹ đã giúp tôi lớn lên trong đời sống thiêng liêng thế nào? (Theo cha Mark Link, trong Vision 2000).
22. Ai lại không có mẹ
Đức ông Tonne kể câu chuyện về một linh mục ở một thành phố nhỏ tiểu bang Alabama, nơi hầu hết là những người theo đạo Tin lành Baptít. Mùa Giáng Sinh năm ấy, vị linh mục quyết định thiết kế một máng cỏ Chúa Hài Đồng ở quảng trường thành phố.
Vị linh mục cùng với một số giáo dân đại diện giáo xứ đi đến một số doanh nghiệp và gia đình giàu có để quyên góp kinh phí. Khi họ đến gặp một biên tập viên giàu có của tờ báo địa phương, vị linh mục giải thích về công việc đầy ý nghĩa của mình: “Nhiều người, nhất là các trẻ em sẽ được truyền cảm hứng để nhìn thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ, thánh Giuse và các con vật dễ thương ngay tại trung tâm thị trấn.” Biên tập viên đồng ý giúp đỡ, nhưng với điều kiện không được đặt tượng Maria trong máng cỏ. Bởi vì “nó sẽ tôn vinh cộng đoàn Công giáo của các bạn”.
Vị linh mục nói: “Hãy nói cho tôi biết làm thế nào một người con sinh ra mà không lại không có mẹ, thì tôi sẽ đồng ý để tượng Maria ra ngoài”. Người biên tập tờ báo không trả lời được, và Mẹ Maria với Chúa Con nổi bật ở quảng trường thành phố mùa Giáng Sinh ấy.
23. Biểu tượng của niềm tin
Knute K. Rockne không chỉ là cầu thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử thể thao của Đại học Notre Dame; anh còn là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp của Rockne đã kết thúc quá sớm và bi thảm.
Chiếc máy bay mà anh đi vào ngày 31 tháng 3 năm 1931, đã bị rơi ở vùng nông thôn gần Bazaar, Kansas. Thật mau chóng, các nhà chức trách vội vã đến hiện trường nơi chiếc máy bay bị cháy rụi nằm đó. Họ truy tìm danh tính của các nạn nhân, nhưng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thi thể của những người bị cháy sém. Nhưng họ không gặp vấn đề gì khi nhận ra huấn luyện viên nổi tiếng Rockne. Anh ta là người có một chuỗi Mân Côi vẫn còn cuốn quanh bàn tay.
* Cha Robert F. McNamara đọc câu chuyện này nói: “Tôi tin chắc rằng cả cái chết và sự sống…không thể tách anh ấy ra khỏi lòng yêu mến Đức Mẹ.”
24. Một số người tiêu biểu
Người ta thấy Mẹ Têrêsa luôn đọc kinh Mân Côi ngay cả những lúc bận việc nhất. Ông Daniel O’Connell, một chính trị gia được mệnh danh là “Người cha của dân tộc Ireland” đã đọc kinh Mân Côi trong phòng riêng của mình trước mỗi phiên họp của quốc hội, và không có gì lạ khi Ireland được gọi là “Xứ sở của Kinh Mân Côi”.
Người nổi tiếng phát động đọc Kinh Mân Côi, Fr. Peyton, thách thức chúng ta: “Dành ra mười phút để lần chuỗi Mân Côi ở nhà, bạn sẽ biến ngôi nhà của bạn thành thiên đàng bình an.” Nhà khoa học vĩ đại, William Ampere – khám phá ra điện năng-, khi về già đã truyền cảm hứng và cải đạo cho Frederick Osanam (người sáng lập Hội thánh Vinh Sơn Phaolô), bằng cách đọc Kinh Mân Côi hàng ngày tại một hang động.
Những lời cuối cùng của nhà bác học Louis Pasteur với y tá của mình trước khi ông qua đời cách xa nhà mình là: “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi.”
25. Lòng sùng kính Đức Mẹ
Tạp chí Life ước tính rằng lời cầu nguyện “Kính mừng Maria” được đọc khoảng hai tỷ lần mỗi ngày; và mỗi năm có từ năm đến mười triệu người hành hương đến Đền Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico. Nhiều tín hữu cũng thường đi hành hương đến các địa điểm của Đức Mẹ ở nhiều nơi khác trên thế giới. Đức Maria được cầu nguyện như là đấng bênh vực, che chở, và trợ giúp.
Ngay cả trong lĩnh vực thể thao cũng đề cập đến sự can thiệp của Đức Mẹ: đường chuyền cứu nguy cuối cùng của một đội bóng đang thua cuộc từng được gọi là “đường chuyền kinh Kính mừng”.
Đức Maria cũng được những tín đồ Hồi giáo tôn kính. Được biết, khi nhà tiên tri Muhammad dọn sạch các tượng thần ra khỏi Kaaba ở Mecca, ông chỉ cho phép duy nhất một bức bích họa của Đức Mẹ đồng trinh Maria ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng được ở lại. Trong Kinh Qur’an, Mẹ Maria được mô tả là người được gửi đến với danh hiệu “lòng thương xót cho thế giới.”
26. Biểu tượng sống động
Có một câu chuyện rất ý nghĩa kể về một chuyến tàu lửa, trong chuyến hành trình dài và tẻ nhạt. Một số người lớn tuổi của một viện dưỡng lão muốn đi đến một điểm nghỉ dưỡng, vào thời gian nghỉ hè.
Tại một nhà ga, một người mẹ trẻ với một cô gái nhỏ bước vào tàu. Đứa trẻ mỉm cười với tất cả những khuôn mặt nhăn nhó, ưu tư, cau có xung quanh mình và bắt đầu chạy lăng xăng từ lòng người này sang lòng khác nói chuyện, hét lên vui vẻ và vỗ nhẹ vào tay mọi người.
Ngay lập tức, bầu không khí ảm đạm và im lặng ngột ngạt trong đoàn tàu được thay đổi thành một niềm vui và hạnh phúc.
* Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế giới vô vọng, không có niềm vui và tội lỗi này thành một nơi vui tươi và hạnh phúc.
27. Chuyện vui
Cô Thanh Lan là giáo lí viên dạy lớp giáo lí lớp sữa đức tin ngày Chúa nhật. Cô vừa giải thích xong về lễ Đức Mẹ Mân Côi cho các em trong lớp học của mình. “Bây giờ,” cô ấy nói, “những ai muốn lên Thiên đàng để nhìn thấy Đức Mẹ thì giơ tay.” Tất cả bọn trẻ đều giơ tay ngoại trừ cô bé Hân ngồi ở hàng ghế đầu. Cô Thanh Lan hỏi: “Em không muốn lên Thiên đàng sao, Hân?” Hân rưng rưng nước mắt nói: “Em không thể. Mẹ em bảo em phải về thẳng nhà ngay sau giờ học giáo lí!”.
Một ngày nọ, Chúa Giêsu đi dạo quanh Thiên đàng và bất chợt nhận thấy có một số người đang lẩn trốn tại các con đường quanh công viên, những người này đã được xét là không được vào Thiên đàng. Ngài vội tìm thánh Phêrô ở cổng và nói với ông: “Phêrô, anh đã được giao nhiệm vụ của mình mà không chu toàn; anh đưa sai người vào Thiên đàng.” Phêrô than van với Chúa: “Xin đừng trách con, Chúa ơi”. “Con từ chối họ giống như Chúa đã truyền lệnh. Nhưng họ lại đi vòng ra phía sau, và Mẹ của Chúa đã mở cửa cho họ vào! Và con thực sự là ‘bó tay chấm com luôn!’”
28. Mẹ Têrêsa và tràng chuỗi mầu nhiệm
Trên một chuyến máy bay quốc tế, một thương gia trẻ tên là Jim Caiso ngồi kề bên Mẹ Têrêsa và một Nữ Tu khác. Jim Caiso nhận ra ngay khuôn mặt của người Nữ Tu thường được báo chí nhắc đến. Khi những người khách cuối cùng đã yên vị trên máy bay thì Jim thấy hai người Nữ Tu từ từ rút một tràng chuỗi ra khỏi áo và lâm râm cầu kinh. Tuy không phải là một người Công Giáo sùng đạo nhưng Jim cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi cách cầu kinh của hai người Nữ Tu.
Khi máy bay đã lên khá cao, Mẹ Têrêsa quay nhìn người thanh niên và hỏi: “Anh có thường lần chuỗi không ?” Anh trả lời: “Thưa không ạ”.
Anh vừa trả lời thì Mẹ cầm tay anh, trao cho anh tràng chuỗi Mai Khôi rồi mỉm cười nói: “Vậy thì anh hãy bắt đầu lần chuỗi từ hôm nay nhé…”
Ra khỏi phi trường, Jim vẫn còn cầm trên tay tràng chuỗi của Mẹ Têrêsa Calcutta. Về tới nhà, anh kể lại cho vợ nghe cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và kết luận: “Anh có cảm tưởng như mình đã gặp một Nữ Tu đích thực của Chúa”.
Chín tháng sau, vợ chồng Jim đến thăm một người bạn thân lâu năm. Chị này bác sĩ cho biết đã bị ung thư tử cung giai đoạn cuối, nhiều phần nguy tử. Nghe thế, Jim đưa tay vào túi quần, rút ra tràng chuỗi Mai Khôi của Mẹ Têrêsa Calcutta và trao cho chị ấy. Anh nói: “Chị cầm lấy chuỗi này nhé, chị sẽ được cứu giúp…” Mặc dù không phải là người Công Giáo, chị bạn này vẫn mở rộng bàn tay ra và trân trọng đón nhận món quà quý giá ấy.
Một năm sau gặp lại vợ chồng Jim, người bạn vui vẻ cho biết chị đã mang trong mình tràng chuỗi suốt năm qua và giờ đây trao lại cho Jim để may ra có thể còn giúp đỡ cho một người khác nữa.
Đúng thời gian đó, người chị vợ của Jim đang bị khủng hoảng sau cuộc ly dị, bà cũng muốn được mượn tràng chuỗi của Jim. Sau này bà kể lại rằng: “Hằng đêm, tôi đeo chuỗi vào người. Tôi rất cô đơn và sợ hãi, nhưng khi mang chuỗi vào người, tôi cảm thấy như đang cầm lấy một bàn tay thân yêu…”
Tràng chuỗi mầu nhiệm ấy không mấy chốc đã được trao từ tay người này đến người khác. Mỗi khi gặp khủng hoảng hay bệnh tật, người ta thường gọi điện thoại đến Jim để mượn cho bằng được tràng chuỗi ấy.
Jim suy nghĩ: phải chăng tràng chuỗi có một sức mạnh lạ lùng, hay đúng hơn, sức mạnh tinh thần được canh tân nơi tất cả những ai mượn tràng chuỗi ấy. Jim chỉ biết rằng, hễ có ai ngỏ ý mượn tràng chuỗi, anh luôn đáp trả một cách vui vẻ, và lần nào anh cũng căn dặn: “Khi nào không cần nữa cho tôi xin lại. Có thể sẽ có người khác cần đến”.
Cuộc sống của Jim cũng thay đổi kể từ cuộc gặp gỡ đó với Mẹ Têrêsa Calcutta. Khi Jim nhớ lại rằng: Mẹ Têrêsa mang tất cả hành lý của Mẹ trong một túi xách tay nhỏ, anh cũng cảm thấy được thôi thúc để làm cho cuộc sống của anh được đơn giản hơn.
Jim nói: “Tôi luôn cố gắng nhớ rằng: điều quan trọng trong cuộc sống không phải là tiền bạc, danh vọng mà chính là Tình Yêu chúng ta dành cho người khác…”
THỨ HAI -
Lời Chúa
TRUYỆN KỂ
1.
THỨ BA - CON NGƯỜI ĐẾN ĐỂ CỨU CHỮA
Lời Chúa: Lc 9, 51-56
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người.
Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?”
Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: “Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta." Và các Ngài đi tới một làng khác.
TRUYỆN KỂ
1. Tấm lòng nhân ái tuyệt vời.
Nhiều năm về trước – một ủy viên chấp hành khá cao tuổi của một tập đoàn dầu lửa Rochefeller ở Mỹ - đã đưa ra một quyết định sai lầm làm công ty thiệt hại hơn hai triệu đôla. John D. Rochefeller lúc đó là người đứng đầu công ty.
Bedford được Rochefeller mời lên văn phòng. Bedford đến rất đúng giờ và sẵn sàng để nghe những lời chỉ trích có thể nặng nề của Rochefeller.
Khi Bedford bước vào phòng, ông vua dầu hỏa đang ngồi cạnh bàn, chăm chú viết bằng bút chì lên một tờ giấy. Bedford đứng yên lặng, không muốn phá ngang. Sau vài phút, Rochefeller ngẩng lên.
- A, anh đấy à, Bedford – Rochefeller nói rất chậm rải – Anh đã nghe tin những tổn thất của công ty chúng ta rồi chứ?
Bedford đáp rằng tôi đã biết rồi.
- Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, - Rochefeller nói,- Và trước khi nói chuyện với anh, tôi đã ghi ra đây vài dòng.
Sau này, Bedford kể lại cuộc nói chuyện của ông với Rochefeller như sau: Tôi thấy rõ dòng đầu tiên của tờ giấy mà ông chủ đã “ghi vài dòng” là “những ưu điểm cùa Bedford." Sau đó là một loạt những đức tính của tôi, kèm theo là miêu tả vắn tắt rằng tôi đã giúp công ty, đưa ra quyết định đúng đắn được ba lần, giúp công ty kiếm được gấp nhiều lần số tiền tổn thất lần này.
Bedford không bao giờ quên bài học ấy. Ông đã ghi khắc những điều đó trong lòng và đem ra áp dụng trong những ngày làm việc còn lại của ông.
2. Để bớt đổ vỡ
Một Cha sở già kia có nhiều kinh nghiệm thường khuyên các đôi tân hôn như sau: “Khi các con thấy trong nhà sắp xảy ra cãi vã, các con hãy nói với nhau: “Để sáng mai rồi hãy gây gỗ." Sáng hôm sau các con sẽ thấy rằng việc hôm qua thật là nhỏ nhoi không đáng gây gỗ chút nào.
"Khi các con sắp có chuyện cãi vã, chúng con hãy ngậm hoài một ngụm nước lạnh cho đến khi ngụm nước nóng lên. Rồi cứ tiếp tục ngậm ngụm nước khác. Làm như thế các con sẽ bớt được những xô xát đổ vỡ trong gia đình.
3. Chạy ba vòng
Ở Tây Tạng xưa kia có một người tên là Ái Địa Ba, mỗi khi tức giận tranh chấp với người khác, anh đều chạy về nhà với tốc độ rất nhanh, chạy xung quanh ngôi nhà và mảnh đất của mình ba vòng, sau đó ngồi xuống bờ ruộng thở dốc.
Ái Địa Ba làm việc vô cùng siêng năng. Nhà của anh ta càng ngày càng to, đất đai của anh ta càng ngày càng rộng lớn, nhưng cho dù nhà có to và đất có rộng bao nhiêu đi nữa, thì nhưng khi tức giận với một người nào đó, anh vẫn chạy quanh nhà và mảnh đất của mình ba vòng.
Tại sao Ái Địa Ba mỗi lần tức giận đều chạy quanh nhà và mảnh đất ba vòng? Tất cả những người quen biết anh đều cảm thấy nghi hoặc, nhưng cho dù hỏi gì, anh đều không muốn giải thích.
Cho đến một ngày nọ, Ái Địa Ba đã trở thành một ông cụ rất già, ngôi nhà và mảnh đất của ông bây giờ cũng đã quá rộng lớn, khi tức giận, ông vẫn chống gậy vất vả đi xung quanh ngôi nhà và mảnh đất của mình, sau khi hoàn thành ba vòng một cách khó khăn, mặt trời cũng đã lặn xuống núi, Ái Địa Ba một mình ngồi trên bờ ruộng thở dốc, cháu ông đến bên cạnh nài nỉ:
- Ông ơi, tuổi ông đã cao, những người hàng xóm quanh đây cũng không có ai có đất đai rộng lớn bằng ông, ông không thể giống như lúc trước được, mỗi khi tức giận đều chạy quanh mảnh đất! Ồng có thể nói cho cháu biết bí mật này không, tại sao mỗi khi tức giận ông đều chạy quanh mảnh đất ba vòng?
Trước sự nài nỉ của đứa cháu, Ái Địa Ba cuối cùng cũng phải nói ra bí mật trong lòng mình suốt nhiều năm nay:
- Khi trẻ, mỗi khi ông cãi cọ, tranh luận, tức giận một ai đó ông đều chạy ba vòng quanh mảnh đất của mình, vừa chạy vừa suy nghĩ, ngôi nhà của mình nhỏ như vậy, đất đai của mình nhỏ như vậy, mình làm gì có thời gian và tư cách để tức giận mọi người. Khi nghĩ đến đây, bao nhiều tức giận đều tan biến hết, ông dành tất cả thời gian nỗ lực làm việc.
Đứa cháu hỏi:
- Ông à, vậy bây giờ ông đã lớn tuổi rồi, cũng đã trở thành một người giàu có, tại sao ông vẫn còn chạy như thế?
Ái Địa Ba cười nói:
- Phải. Bây giờ, tuy ta đã già nhưng nhiều khi vẫn có thể tức giận, khi tức giận thì chạy ba vòng, vừa chạy vừa suy nghĩ, nhà của ta thật to, đất đai của ta thật rộng lớn, ta hà tất tính toán với người khác làm gì cho mệt? Nghĩ đến đây, bao nhiêu tức giận đều tan biến cả.
4. Lý do người Samari không đón tiếp Chúa
Sở dĩ dân Samari không đón tiếp Đức Giêsu và các môn đệ, cũng có nghĩa là họ không muốn theo Đức Giêsu đi dâng Lễ ở Giêrusalem, vì mối thù truyền kiếp khai mào từ thời lưu đày bên Babylon:
- Năm 721 trước Công nguyên, vua Assur bắt dân Israel ở Samari đi lưu đày, và cho dân ngoại đến Samari sinh sống. Những người Do Thái còn lại, họ đã xây Đền Thờ kính Chúa ở núi Garizim trong miền Samari. Như thế là chống lại truyền thống cha ông họ xưa nay vẫn tôn thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem! Lúc đó đền thờ Giêrusalem vẫn còn, mãi đến 134 năm sau, tức là vào năm 587 trước Công nguyên, đền thờ Giêrusalem mới bị phá (x Is 40-55).
- Năm 539 trước Công nguyên, những người Do Thái lưu đày từ Babylon được vua Cyros cho họ hồi hương tái thiết Đền Thờ Giêrusalem (x Is 45), thì lại bị dân ở Samari gây khó dễ, vì họ chỉ muốn mọi người thờ Chúa ở Garizim.
- Năm 200 trước Công nguyên, những người thờ Chúa ở Giêrusalem lại kéo đến Garizim đập phá Đền Thờ của người Do Thái ở Samari!
Đó là lý do khi những người Do Thái ở Samari thấy Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài muốn ghé lại Samari, rồi mới tiếp tục lên Giêrusalem dự Lễ, thì dân vùng này không đón tiếp!
5. Ăn miếng trả miếng
Một cô gái lên tàu, nhìn thấy chỗ của mình đã bị một chàng trai ngồi, cô gái kiểm tra lại vé của mình thêm một lần nữa, rất lễ phép nói với chàng trai:
- Thưa anh, anh đã ngồi nhầm vị trí rồi ạ!
Chàng trai giơ tờ vé ra :
Nhìn kỹ đi, đây là chỗ của tôi, cô mù à!
Cô gái nhìn kỹ tờ vé của chàng trai, im lặng không nói, lặng lẽ đứng bên cạnh chàng trai.
Một lát sau đoàn tàu bắt đầu từ từ rời ga, cô gái cúi đầu nhẹ nhàng nói với chàng trai
- Thưa anh, ghế anh ngồi không sai, nhưng anh ngồi nhầm tàu rồi ạ!
6. Thế giới cần chứng nhân
Một tư tế đạo Bà la môn nói với một vị thừa sai Kitô giáo ở Ấn độ rằng: “Nếu như các Kitô hữu giống như cuốn Kinh thánh của Ngài, thì Ngài có thể chinh phục Ấn độ trong năm năm.” Nói khác đi, nếu chúng ta sống những điều Kinh thánh dạy, chúng ta sẽ hoán cải người Ấn một cách nhanh chóng. Đó là chứng từ mà Thiên Chúa nói đến trong bài đọc hôm nay. Đó cũng là chứng từ khiến người ta phải nói với chúng ta “Chúng tôi muốn biết nhiều hơn về Thiên Chúa của các bạn.”
Bài đọc hôm nay mời gọi tôi xin được sửa chữa bất cứ gì ngăn cản tôi là người khác đến với tôi: “Chúng tôi muốn biết nhiều hơn về Thiên Chúa của bạn.”
Có hai cách truyền ánh sáng, đó là ánh nến và gương phản chiếu ánh sáng đó (Edith Wharton).
7. Nóng giận là làm nô lệ
Phản ứng nóng nảy của Giacôbê và Gioan trong bài đọc hôm nay, chứng tỏ các ông chưa quán triệt lời này của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng Thầy vì thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).
Có bao giờ tôi đã đáp trả cách bực tức khi bị người khác xử tệ chưa? Lúc này, tôi giải quyết cách xử tệ đó ra sao?
Khi chúng ta ghét bỏ kẻ thù, chúng ta cho họ được quyền trên chúng ta: quyền trên giấc ngủ, quyền trên sức khỏe và quyền trên sự bình an của tâm trí chúng ta. Chắc hẳn kẻ thù sẽ nhảy mừng nếu họ biết rằng sự thù ghét đang giết dần giết mòn chúng ta, nhưng chẳng hề làm thương tổn họ.
8. Giận mất khôn
Một con rắn bò vào một cửa hàng bán đồ làm mộc và bò đến góc nhà. Khi bò ngang qua một cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa làm bị thương. Lập tức, nó quay lại và cắn cái cưa. Càng cắn, nó lại càng bị thương ở miệng.
Sau đó, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nghĩ rằng cái cưa đang tấn công mình, nó quyết định quấn lấy cái cưa với ý định làm cho cái cưa ngạt thở với toàn bộ sức mạnh của mình. Thật không may, con rắn cuối cùng bị chết bởi một cái cưa vô tri vô giác.
Đôi khi, chúng ta phản ứng với sự giận dữ với ý định sẽ làm tổn thương những người đã đối xử tệ với mình nhưng thực ra chúng ta đã làm tổn thương chính bản thân mình.
Trong cuộc sống, có những lúc tốt hơn là mặc kệ sự việc có tồi tệ ra sao, là con người đừng nghĩ đến thù hận và sự đáp trả. Bởi vì hậu quả khi đã xảy ra là không thể đảo ngược và thảm khốc. Tốt hơn là luôn ứng xử với họ bằng thái độ ôn hoà, và tình yêu thương nhân hậu mặc dù phải nỗ lực rất nhiều...!
Hãy làm chủ cảm xúc của mình, đừng để bản thân chỉ vì một tình huống, chỉ một câu nói của người khác mà làm hỏng tâm tình, hỏng việc của mình. Một phút nóng giận, ân hận cả đời.
9. Mãnh hổ và chó điên
Một con hổ nhìn thấy một con chó điên, nó vội vã tránh ra thật xa. Hổ con nói với bố: "Bố ơi, bố dám đấu với sư tử, dám tranh hùng với báo săn, vậy mà lại phải tránh một con chó điên, thật mất mặt quá!"
Hổ bố hỏi: "Theo con, đánh bại một con chó điên có vinh quang không?"
Hổ con lắc đầu.
"Để con chó điên cắn phải một nhát, có đen đủi không?"
Hổ con gật gật đầu.
"Đã như vậy, chúng ta việc gì phải động chạm đến một con chó điên? – Không phải người nào cũng có thể coi làm đối thủ của con, không nên tranh biện với những người không có tố chất, cứ mỉm cười một cái rồi tránh thật xa, đừng để họ cắn được con.
Điều này nhất định con phải nhìn cho thấu đáo, bởi lẽ trong thực tế cuộc sống này, vẫn có rất nhiều người đang đấu với chó điên mà không ý thức được vấn đề."
Tôi cũng thế nếu tôi dị ứng với đức mến được thánh Phalô trình bày hết sức rõ ràng: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,4-7)
10. Tự sát vì dục vọng
Người Eskimo ở bắc cực nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy bộ da chúng làm y phục.
Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem dang ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ lặp lại động tác đó nhiều lần cho đến khi con dao được bọc quanh bằng khối máu đông, lớn như quả xoài.
Đợi đến khi trời tối, thợ săn đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói khát máu sẽ nhanh chóng phát hiện mùi máu tươi và sẽ chạy đến đua nhau liếm tới tấp vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi của bầy sói bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của chính mình chảy ra mà không hay biết. Càng liếm hăng, lưỡi chúng càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng… kết thúc cuộc đời lũ sói tham ăn.
11. Chiến lược nhu mì
“Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem!”.
Sau nội chiến, miền Nam Hoa Kỳ đã rơi vào thế ‘bên thua cuộc’; đột nhiên, Abraham Lincoln muốn được đàm phán. Điều này khiến cho nhiều tướng lãnh bất bình. Một người giận dữ, đập bàn nói, “Quân địch nhất định phải bị tiêu diệt!”. Tổng thống ôn hoà lên tiếng, “Kẻ địch bị tiêu diệt khi họ trở thành bạn của chúng ta!” Cuộc chiến kết thúc với câu nói bất hủ của ông, “Trong nội chiến, không có người thắng!”.
“Trong nội chiến, không có người thắng!”. Sẽ rất thú vị khi Tin Mừng hôm nay được đọc dưới nhãn quan của một nhà quân sự. Như vị tướng tài, Chúa Giêsu chỉ huy trận mạc cuối cùng, trận Giêrusalem! Tuy nhiên, chiến lược của Ngài không giống bất cứ ai, một chiến lược mà Ngài cương quyết áp dụng, ‘chiến lược nhu mì’, chiến lược yêu thương!
THỨ TƯ - ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA GIÊSU
Lời Chúa: Lc 9, 57-62
Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy." Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu."
Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta." Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã." Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa."
Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã." Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa."
TRUYỆN KỂ
1. Ðiều kiện theo Chúa
Một linh sư Ấn đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông, có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quí nhất như của lễ ra mắt. Vị linh sư mở mắt ra, nhưng ông không để lộ một chút thích thú nào; không cần nhìn kỹ vào món quà quí giá ấy, vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống dòng sông.
Tiếc của, người đàn ông giầu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc, nhưng mất một ngày mà ông không tài nào tìm lại được. Chiều đến, mệt mỏi, chán nản, người đàn ông đến vị linh sư xin chỉ rõ nơi đã ném viên ngọc quí. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném xuống dòng sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó, ngươi hãy lặn xuống mà tìm lại."
Chúa Giêsu cũng đòi hỏi môn đệ Ngài một thái độ từ bỏ và dứt khoát như thế. Thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu là một hành trình lên Giêrusalem mà đích điểm là cái chết trên thập giá.
2. Đường đến hạnh phúc
Theo truyện thần thoại của Hy Lạp, Hercule là một vị thần, một lần đứng giữa ngã ba đường và tự hỏi xem mình nên đi về đâu. Có hai người chỉ cho ông.
Một người nói: “Hãy theo tôi, đây là con đường thoải mái, hạnh phúc và lối đi dễ dàng."
Người thứ hai nói: “Đây là con đường cố gắng, nỗ lực, khó khăn. Tuy là đường khó khăn, nhưng đưa tới hạnh phúc."
Hercule đã chọn con đường khó khăn và quả thực ông khôn ngoan, ông đã thành công.
3. Phải dứt khoát từ bỏ.
Một nhà buôn ở Francfurt muốn tìm một em bé trai để lo việc giao hàng. Có một người anh trưởng trong một gia đình gồm 07 người anh em 16 tuổi đến xin việc. Nhân viên tiếp tân ở phòng khách gật đầu nói: ”Cậu không có nhiều may mắn lắm đâu. Trước cậu đã có 52 người đến xin việc rồi. Tuy nhiên, cậu có thể thử thời vận."
Nhân viên này dẫn cậu vào phòng ông chủ. Ông chủ tiếp chuyện thân mật với ứng viên, đặt nhiều câu hỏi với chàng trai.
- Mời cậu một điếu.
- Cám ơn ông, nhưng cháu không hút thuốc.
- Thế nào? Cậu không hút thuốc ư? Nhưng anh bạn của tôi ơi, để làm một người lớn, cần phải biết hút thuốc. Đừng rồ dại nữa!
- Không. Cháu cám ơn bác. Cho đến nay cháu vẫn không hút thuốc và cháu cũng không muốn bắt đầu.
Thế rồi ông chủ chìa tay ra cho anh.
- Tôi nhận cậu vào làm việc. Cậu là người thứ 53 đến gặp tôi xin việc, nhưng cậu lại là người đầu tiên không nhận điếu thuốc. Cậu thích hợp với tôi.
Và ném điếu thuốc đi, ông nói thêm: - Tôi cũng vậy, tôi không hút thuốc.
Sau đó, chàng trai được biết rằng người làm công trước đã bị sa thải vì anh ta hút thuốc quá nhiều và đã thâm hụt thụt quỹ để mua thuốc.
4. Cả nhà đi tu
Hai vợ chồng nhà báo người Hà Lan tên là Val Der Meer de Walcheren đã cùng xin chịu Bí tích Thánh tẩy vào năm 1911 để gia nhập Giáo Hội Công giáo. Sau đó, ông bà đã lần lượt khuyên các con cùng theo đạo, rồi lại cùng lần lượt theo đuổi ơn gọi Tận Hiến của các dòng tu. Người con trai lớn sau này trở thành một linh mục dòng Biển đức Nam (Bénédictin), người con gái kế làm nữ tu trong đan viện Biển đức nữ (Bénédictine).
Năm 1933, nhờ lòng khao khát tuyệt đối và ý chí tận hiến cho Chúa, Tòa Thánh đã chấp thuận đơn xin của hai ông bà để được phép chia tay nhau trong lòng mến đích thật. Ông xin được vào dòng Biển đức nam, nơi người con trai linh mục vừa sớm lìa đời, còn bà thì xin vào dòng Biển đức nữ chung với người con gái.
Trong thời kỳ tập tu, Bề Trên cả hai dòng chỉ định cho ông bà phải tiếp tục thường xuyên thư từ cho nhau. Sau hai năm, cả hai ông bà vẫn đầy thiện chí, sẵn sàng hy sinh dâng mình cho Chúa. Thế nhưng, Bề Trên của hai bên đều nhận thấy mối duyên tình của ông bà còn quá khăng khít, nên đã khuyên cả hai trở về với đời sống gia đình. Ông bà vâng lời trở về, tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau, chan hòa lòng yêu thương bác ái đối với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ.
Đến năm 1954 thì bà Val Der Meer de Walcheren qua đời. Nối lại ý hướng từ 20 năm về trước, cụ ông 74 tuổi đã xin trở lại tu viện. Và vào ngày 22.12.1956, cụ được thụ phong linh mục tại nhà nguyện tu viện Đức Mẹ nơi người con gái của cụ vẫn đang sống cuộc đời đan tu gương mẫu đã hơn 40 năm qua.
5. Một bước thay đổi cuộc đời
Vào một ngày đẹp trời, ở một thôn nhỏ trên cao nguyên hẻo lánh, bỗng xuất hiện một chiếc xe con bóng nhoáng. Đây là chuyện hiếm thấy đối với một thôn nhỏ chưa từng nghe thấy tiếng động cơ ôtô. Hầu hết những người dân trong thôn đều chạy ra khỏi nhà, xúm quanh chiếc xe để xem có chuyện gì lạ xảy ra.
Khi cánh cửa xe được mở ra, có vài người bước xuống. Một người đàn ông trung niên đầu cắt trọc, mặc một bộ quần áo rằn ri cất tiếng hỏi:
- Có ai muốn đóng phim không? Ai muốn đóng phim thì lại đây đăng ký.
Tuy mỗi người dân trong thôn đều đã xem phim, nhưng đóng phim như thế nào thì họ biết rất ít. Tại sao lại đến nơi hẻo lánh này quay phim chứ? Đóng phim là đóng như thế nào? Rất nhiều người đều hỏi những người xung quanh hoặc tự lẩm bẩm một mình.
Người đàn ông trung niên ấy hỏi lại mấy lần, nhưng không có ai lên tiếng. Lúc đó, một cô bé khoảng mười ba tuổi bước lên trước một bước và nói: - Cháu muốn đóng phim.
Đó là một cô gái bình thường với đôi mắt nhỏ, một mí, cặp má đỏ au nhưng ánh mắt và gương mặt của cô toát lên vẻ hiền hậu và quả cảm của những đứa trẻ vùng sơn cước.
Người đàn ông trung niên hỏi cô: - Cháu có biết hát không?
Cô gái trả lời gãy gọn, dứt khoát: - Có biết.
- Vậy cháu hãy hát một bài cho chúng tôi nghe đi!
- Hát thì hát? - Cô bé không hề tỏ ra sợ sệt, cô vừa hát vừa nhảy – Đất nước chúng ta là một vườn hoa, những bông hoa trong vườn hoa thật đẹp.
Những người dân trong thôn không nhịn được cười, bởi vì giọng hát của cô thật khó nghe, không những sai nhạc, mà đến giữa chừng cô còn quên mất lời bài hát.
Nào ngờ, người đàn ông trung niên giơ tay chỉ vào cô: - Được rồi, chúng tôi chọn cháu.
Người đàn ông trung niên ấy chính là nhà đạo diễn điện ảnh lừng danh Trương Nghệ Mưu, còn cô gái dũng cảm bước về phía trước một bước ấy là Ngụy Mẫn Chi, nữ diễn viên chính trong bộ phim “Một người cũng không thể thiếu."
Tuy Ngụy Mẫn Chi chỉ bước lên phía trước một bước, nhưng bước chân ấy đã thay đổi cuộc đời của cô.
6. Chọn là chọn
Trong thần thoại Hy Lạp có kể truyện về thần Orpheus bị đày xuống trần, được các thần tặng cho cây đàn bảy dây. Tiếng đàn làm nước ngừng chảy, đá vỡ ra, thú dữ biến thành chiên…
Orpheus cưới được cô vợ rất xinh đẹp tên là Eurydice, ngày kia nàng bị rắn cắn chết, hồn nàng xuống âm phủ! Orpheus thương nhớ vợ nên đem đàn xuống âm phủ gảy để đưa hồn vợ về. Các thần căn dặn Orpheus: Phải đi sau nàng mà gảy đàn, và các thần cũng dặn dò nàng: Khi nghe tiếng đàn thì cứ đi thẳng đừng ngó lui đằng sau. Nhưng đi được một đoạn, nàng ngó lại xem chồng có theo nàng về không, thế là hồn nàng bị chết muôn đời! Orpheus mãi mãi mất vợ!
Thánh Clémenté đã áp dụng truyện này vào việc Tông Đồ:
- Orpheus là Chúa Giêsu.
- Đàn bảy dây: Bầu đàn là Lời Chúa, bảy dây là bảy Bí tích sẽ biến tội ra ơn, dữ ra lành, chết ra sống.
- Eurydice bị rắn cắn: con người bị quỷ làm hại
- Chàng đem đàn đến cứu vợ, nhưng vì nàng không nghe lời căn dặn đã quay lại, nên chàng mất vợ: Chúa Giêsu ban Lời và lập Bí tích để cứu ta, nhưng ta không dứt khoát theo Chúa. Chúa khóc vì ta bị diệt (x Ga 11,35 ; Lc 19,41).
7. Thầy Giêsu và tôi
Tôi nổi giận thì Thầy lại bảo: Hãy nhịn nhục và thứ tha.
Tôi run sợ thì Thầy lại bảo: Hãy can đảm.
Tôi hoài nghi thì Thầy lại bảo: Hãy tín thác.
Tôi bồn chồn không ngơi thì Thầy lại bảo: Hãy tĩnh lặng đi.
Tôi thích đi con đường riêng mình thì Thầy lại bảo: Hãy theo Ta.
Tôi muốn lập kế hoạch riêng cho mình thì Thầy lại bảo: Hãy quên đi.
Tôi nhắm tìm của cải vật chất thì Thầy lại bảo: Hãy bỏ lại đằng sau.
Tôi muốn được bảo đảm ở đời này thì Thầy bảo: Phần Ta, Ta chẳng hứa hẹn gì đâu.
Tôi thích sống cuộc đời riêng của mình thì Thầy bảo: Hãy từ bỏ chính mình đi.
Tôi nghĩ rằng mình tốt lành thì Thầy bảo: Tốt lành thôi thì chưa đủ đâu con.
Tôi thích làm ông chủ thì Thầy bảo: Hãy quỳ xuống mà phục vụ lẫn nhau.
Tôi muốn ra lệnh cho người khác thì Thầy bảo: Thôi, hãy vâng lời đi.
Tôi đi kiếm tìm tri thức thì Thầy bảo: Hãy tin.
Tôi thích sự rõ ràng thì Thầy lại dạy tôi bằng ngụ ngôn.
Tôi thích thi ca mơ mộng thì Thầy lại nói toàn chuyện hiện thực.
Tôi yêu sự yên tĩnh của mình thì Thầy lại muốn tôi bị quấy rầy.
Tôi thích bạo lực thì Thầy lại bảo: Bình an ở cùng các con.
Tôi rút gươm ra thì Thầy bảo: Vứt nó ngay lập tức.
Tôi nghĩ chuyện trả thù thì Thầy bảo: Đưa má bên kia cho người ta đánh luôn đi con.
Tôi nói về một trật tự thì Thầy bảo: Ta đến đem gươm giáo.
Tôi căm ghét thì Thầy bảo: Thôi, hãy yêu thương cả kẻ thù nhé.
Tôi muốn gieo sự hòa hợp thì Thầy nói: Ta đem lửa xuống thế gian.
Tôi muốn làm người lớn thì Thầy nói: Hãy trở nên trẻ nhỏ.
Tôi muốn ẩn thân, Thầy bảo: Ánh sáng thì phải chiếu rọi.
Tôi đi tìm chỗ nhất trong hội đường, Thầy lại bảo: Xuống chỗ chót hết mà ngồi.
Tôi thích được quan tâm, Thầy nói: Đóng cửa lại mà cầu nguyện.
Không, tôi không thể hiểu nổi ông Thầy Giêsu này, Ông khiêu khích tôi, ông làm tôi bối rối.
Cũng giống như nhiều học trò khác, tôi rất muốn đi theo Thầy Giêsu này. Thế nhưng, khổ quá! Chắc là phải đi tìm ông thầy khác thì sẽ khá hơn, ít đòi hỏi hơn và lại có nhiều quyền lợi hơn.
Nhưng cuối cùng, tôi đã cảm nhận như anh trưởng Phêrô đã thốt lên: "Tôi không biết ai khác lại có được Lời ban Sự Sống đời đời như Thầy Giêsu của tôi." Amen.
8. Ở cùng Chúa luôn
Một cách cầu nguyện mà thánh Têrêsa Avila sử dụng, đó là chỉ đứng một cách cung kính và thinh lặng trước mặt Thiên Chúa. Khi đề nghị cách thức cầu cầu nguyện này cho người khác, thánh nữ viết: “Hãy tưởng tượng như Thiên Chúa ở bên bạn. Hãy ở cùng người bạn này càng lâu càng tốt… Bạn chẳng cần phải quan tâm đến việc trò chuyện.”
Cách thức này hiệu quả ra sao đối với tôi?
Hãy năng nghĩ đến Thiên Chúa, ngày và đêm, trong công việc và ngay cả lúc giải trí. Thiên Chúa luôn ở gần và ở với bạn, bạn đừng để Ngài một mình. Thật bất lịch sự khi để người đến thăm bạn lẻ loi một mình. (Lawrence)
9. Đừng ngoái lại sau lưng
Vào năm 1954, sau khi Roger Bannister của Anh quốc phá được kỷ lục bốn phút một dặm, thì John Landy của Úc cũng phá được kỷ lục như thế. Điều này buộc hai đấu thủ phải thực hiện một cuộc chạy đua ở Canada. Khi hai đấu thủ cố sức ở cự li cuối cùng. Landy chợt nhìn lại sau một chút để xem Bannister gần mình đến đâu. Bắt được cơ hội ngàn vàng này, Bannister đã bứt phá và vượt qua Landy để dành chiến thắng.
Đã bao giờ tâm trí tôi đặt câu hỏi hoặc do dự trong quyết định theo Chúa gần gũi hơn chưa? Khi nào? Tại sao?
Thiên Chúa không kêu gọi tôi thành công, nhưng Ngài kêu gọi tôi tin tưởng. (Mẹ Têrêsa)
10. Không chỗ tựa đầu
Nhà thơ Bàng Bá Lân đã thi vị hóa cảnh nhà dột như sau: “Bốn bề gió lạnh vào thăm, Ba gian mưa uớt biết nằm nơi nao? Dế ngâm thơ ở khe nào, Bảo cho ta biết ta vào trú mưa.” Dù vậy, có một mảnh đất, cất một mái nhà nho nhỏ vẫn là mơ uớc ngoài tầm tay của rất nhiều người, nhất là những anh chị em nhập cư ở các thành phố lớn. Quyền được có nhà ở là một quyền cơ bản của con người như con thú có hang, con chim có tổ. Đức Giêsu đã từ khước quyền lợi ấy và chia sẻ kiếp người cùng đinh nhất: chỗ tựa đầu của Ngài lúc chào đời là máng cỏ dành cho súc vật; khi rao giảng Tin Mừng là khoang thuyền của ngư dân nghèo; lúc lìa đời là thập giá của tử tội. Ngài cũng muốn có một mái nhà để “an cư lạc nghiệp” chứ! Thế nhưng, Ngài từ khước nhu cầu cơ bản ấy vì mục tiêu cao cả hơn: để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Đi đạo hay theo Chúa Giesu là chấp nhận đi theo bước chân, con đường Ngài đã đi. Vì thế, khi nào bạn sẵn sàng đón nhận những mạo hiểm, bấp bênh, giảm bớt những chỗ tựa đầu để có thể sống Lời Chúa, bạn đang thật sự là môn đệ chân truyền của Ngài.
Xem xét chỗ tựa đầu nào đang trói buộc, không cho tôi tích cực sống những giá trị của Tin Mừng (những thói quen hưởng thụ, những tiện nghi không thực sự cần thiết...) và từ bỏ để loan báo Tin Mừng cách tích cực hơn.
THỨ NĂM - SAI BẢY MƯƠI HAI NGƯỜI RAO GIẢNG
Lời Chúa: Lc 10, 1-12
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới.
Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này." Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi." Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần." Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này."
TRUYỆN KỂ
1. Tiền của và Hạnh phúc
Có một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này. Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
Nhà ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
Theo nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?
Nhà hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy lạp mà có lẽ không ai biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:
Thưa ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.
2. Tin vào Thiên Chúa
Tướng Carreau bị thương nặng, sắp chết. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm lấy thánh giá mà vợ ông đã mang vào cổ ông, nói với các bạn binh sĩ của ông:
“Các bạn hãy can đảm lên! Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của mình, các bạn đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi và ta thật vô phúc nếu khi chết, ta thấy rằng ta đã không hiểu biết, đã không thờ lạy và đã không bênh vực Chúa Giêsu."
3. Truyền giáo là việc cấp thiết
Thánh Phanxicô Xavier sinh ra tại Tây Ban Nha chỉ ít lâu sau khi tìm ra Châu Mỹ. Hồi còn là sinh viên ở trường đại học Pari, ngài nghe được lời mời gọi trở thành linh mục và sau đó ngài đã thành một nhà truyền giáo ở Ấn Độ. Một trong những lá thư của ngài từ Ấn độ vang vọng lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay. Đây là một phần của lá thư: “Nơi đây, nhiều người không trở nên kitô hữu được chỉ vì một lý do là không có ai sẳn sàng đảm nhận sứ mạng dạy dỗ cho họ về Chúa. Tôi thường nghĩ đến việc đi tới trường đại học ở Âu Châu và kêu gọi những người thợ đến thu hoạch vụ mùa ở đây (Ấn Độ).”
Tôi có thể làm gì để giúp thu hoạch vụ mùa trong đời tôi?
Lạy Chúa, con đây, Chúa muốn con làm gì? (Thánh Phanxicô Xavier)
4. Đôi tay của Chúa.
Vào cuối thế chiến thứ hai, để thu phục thiện cảm và tin tưởng của người dân trong làng vừa mới được giải phóng khỏi tay Đức Quốc xã, toán lính thuộc lực lượng đồng mình cố gắng lượm lại từng mảnh vỡ của bức tượng Chúa Giêsu đã được dựng lên ở ở quảng trường trước ngôi nhà thờ nhỏ, trung tâm sinh hoạt của làng quê miền cực nam nước Italia.
Sau nhiều ngày cố gắng, toán lính đã gắn lại được gần như toàn bức tượng của Chúa. Nhưng chỉ có đôi tay bức tượng là không thể nào hàn gắn lại được. Vì các mảnh vụn lớp thì bị bể quá nhỏ, lớp thì đã bị nát thành như bụi.
Sau nhiều giờ bàn luận và gần như sắp quyết định bỏ dở công việc, thì một người trong toán lính có sáng kiến tìm lấy hai khúc gỗ gắn vào nơi hai cánh tay bị bể nát của bức tượng, rồi viết vào đó một hàng chữ bất hủ, không những đánh động được tâm hồn những người dân trong làng, mà còn thu hút được nhiều khách du lịch đến vùng này để được tận mắt xem hàng chữ đầy ý nghĩa. Các bạn có thể đoán được hàng chữ này không? Đó là “CHÍNH BẠN LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA."
5. Mang và không mang những gì?
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lênh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành”? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con: Đã quen rồi bóng râm của tiện nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con
6. Truyền giáo cần dấn thân
Một cuộc đánh bom tự sát tại một nhà thờ Anh Giáo ở Peshawa, Pakistan đã khiến trên 80 tín hữu bị chết khi họ vừa ra khỏi nhà thờ sau khi dự lễ Chúa Nhật 22/09/2013. Lý do “đơn giản” là, đại diện nhóm Taliban tổ chức cuộc tấn công đó tuyên bố, vì sự thù địch với Kitô giáo, họ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi không còn người ngoài Hồi giáo nào trên đất Pakistan. Các Kitô hữu vẫn tiếp tục bị thù ghét dưới nhiều hình thức: từ việc bị bách hại, bị xua đuổi “từ thành này sang thành khác” (x. Mt 10,23) đến việc người ta bịt tai trước lời rao giảng. Chúa Giêsu dạy chúng ta phản ứng lại một cách nhẹ nhàng là “phủi bụi chân lại” nhưng vẫn phải kiên quyết loan báo Tin Mừng mà không sợ hãi rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần.”
Nhiều kitô hữu “ngại” nói đến hai tiếng “truyền giáo” hoặc cho rằng việc truyền giáo ngày nay là không phù hợp. Bạn nhớ, bản chất của Giáo hội là truyền giáo (AG 2). Thánh Phaolô cũng đã khuyên Timothê “hãy rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện” (2Tm 4,2).
7. Truyền giáo cần biết
Theo thống kê thì trên thế giới hiện nay có khoảng 7 tỷ người, và có khoảng 1,5 tỷ người Công giáo. Tại Việt Nam có gần 88 triệu người nhưng chỉ có khoảng hơn 6 triệu tín hữu. Một con số quá chênh lệch mà chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy cách đây hơn 2000 năm. “Cánh đồng lúa” của Chúa thì bao la trong khi “thợ gặt” lại quá ít. Chúa đã sai các môn đệ ra đi, làm “thợ gặt” cho Chúa. Những “thợ gặt” này trong khi được sai đi như vậy, phải có bổn phận làm phát sinh nhiều “thợ gặt” khác: “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người." Giáo Hội đang rất cần những thợ gặt nhiệt thành với sứ mạng rao truyền tình yêu thương của Chúa cho thế giới hôm nay.
Truyền giáo không chỉ là làm thế nào để rửa tội cho thật nhiều người. “Thợ gặt” muốn có “lúa” để “gặt” thì trước tiên phải biết gieo giống. Vì thế, bổn phận đầu tiên của “thợ gặt” là làm “những công việc tốt đẹp” như “ánh sáng chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ” nhờ đó “họ tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 5,16). Phải có những hạt giống Tin Mừng đó mới mong trổ sinh một vụ mùa bội thu những người tín hữu Chúa Kitô.
Sống trong sự thật, yêu thương cả kẻ thù, tha thứ cho kẻ thù ghét mình, đó là những hạt giống Tin Mừng mà “thợ gặt” Chúa Kitô phải gieo vào trong cuộc sống hằng ngày.
8. Hành trang tông đồ
Người đi đường cần phải mang theo bao bị, túi xách. Đi càng lâu càng xa, bao bị càng lớn, va li càng to. Vậy mà Đức Giê-su lại căn dặn người môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng không túi tiền giắt lưng, cũng chẳng bao bị, túi xách, va li. Lỡ hết tiền dọc đường chẳng lẽ ngửa tay xin? Không có đồ dùng cá nhân thì lấy gì lo cho những nhu cầu tối thiểu? Cần phải hiểu đúng lời Đức Giê-su: Ngài muốn hành trang người tông đồ phải là hành trang gọn nhẹ, đơn giản hết sức. Đúng hơn nữa, hành trang ấy phải là lòng yêu mến Thiên Chúa, tâm tình nhiệt thành đối với các linh hồn, nhất là đối với những người chưa biết Đức Ki-tô, chưa nghe biết Tin Mừng Nước Trời. Chính lòng yêu mến Chúa và công cuộc Nước Trời mới là hành trang cho sinh hoạt mỗi ngày của những ai muốn làm tông đồ.
Hãy ghi nhớ lời Gandhi: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.” Bạn sẽ làm gì để lửa yêu mến các linh hồn làm tan chảy sự dửng dưng của bạn đối với công cuộc truyền giáo và sau đó làm tan chảy các tâm hồn khác?
9. Thiên đàng ở đâu
Trong tác phẩm Nhà Giả Kim, Paulo Coelho đã kể về cậu bé chăn chiên nằm mơ thấy kho báu. Thế là cậu bán hết đàn chiên, thu góp hành trang để đến xứ Ai Cập xa xôi. Nhờ đi ra, cậu đã học được nhiều điều về thế giới, về bản thân, và rốt cuộc cậu tìm được kho báu ngay đúng chỗ trước đây cậu đã nằm mơ. Song bài học lớn nhất là cậu biết đặt niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên-sức mạnh luôn thúc đẩy và nâng đỡ cho những ai luôn khát khao truy tìm chân lý.
Câu chuyện của Paulo Coelho có thể cho chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về Tin Mừng hôm nay. Các môn đệ cũng được sai đi với hai bàn tay trắng, phải đối diện với khó khăn như chiên giữa bầy sói. Thế nhưng, nhờ ra đi hành động cho Chân Lý, các ông đã vượt qua sợ hãi để tìm được niềm vui. Niềm vui không phải bởi việc đã làm, nhưng vì nhận ra được giá trị của sự từ bỏ, sức mạnh nội tại của lòng tin và trên hết là cảm nghiệm Thầy luôn kề bên: Thiên Chúa ở cùng các ông và Bình An của Người lan tỏa nơi các ông.
Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Giáo Hội nói chung và từng Ki-tô hữu nói riêng cần phải ‘ra đi’ đến những vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng. Bạn nghĩ gì khi nhiều gia đình trẻ của Giáo Hội Hàn Quốc sẵn sàng đến những vùng xa lạ và nghèo khổ để sống làm chứng cho Tin Mừng? Bạn có nghĩ và tin rằng: phải đi ra, bạn mới được biến đổi và tìm được hạnh phúc của mình ngay ở đời này không?
THỨ SÁU - LẮNG NGHE VÀ SÁM HỐI
Lời Chúa: Lc 10, 13-16
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. "
Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy."
TRUYỆN KỂ
1. Tin vào Thiên Chúa
Tướng Carreau bị thương nặng, sắp chết. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm lấy thánh giá mà vợ ông đã mang vào cổ ông, nói với các bạn binh sĩ của ông:
“Các bạn hãy can đảm lên! Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của mình, các bạn đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi và ta thật vô phúc nếu khi chết, ta thấy rằng ta đã không hiểu biết, đã không thờ lạy và đã không bênh vực Chúa Giêsu."
2. Hai triết gia Jacques Maritain và Raissa.
Jacques Maritain và Raissa là hai triết gia của nước Pháp vào đầu thế kỷ này. Hồi còn trẻ, hai người đã hết lòng yêu thương nhau. Nhưng rồi sự vô tín ngưỡng đã đưa họ đến vực thẳm của thất vọng. Cuộc sống càng ngày càng trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa. Rồi một hôm kia, hai người dắt nhau đến một công viên ở Paris và thề thốt với nhau rằng, nếu trong vòng 12 tháng mà không tìm ra được một ý nghĩa nào cho cuộc sống thì cả hai sẽ cùng tự vẫn.
Rất may là sau 12 tháng họ đã tìm ra cho cuộc sống một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy là tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
Sau đó cho đến cuối đời, họ đã giành tất cả cuộc sống của họ để làm chứng cho tình yêu và ân sủng họ đã nhận được.
Trong tác phẩm có tựa đề “Thủ lãnh của thế gian”, bà Raissa đã viết như sau: “Ma quỉ đã tung ra một mạng lưới ảo tưởng trên chúng ta. Mạng lưới này tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt. Nó làm cho chúng ta yêu thích giây phút chóng qua hơn cuộc sống vĩnh cửu. Nó khuyến dụ chúng ta chạy theo sự vô định hơn chân lý. Nó bảo ta rằng, ta chỉ có thể yêu mến tạo vật bằng cách thờ lạy chúng mà thôi”.
3. Gieronimo – môn đệ Chúa Kitô
Chàng Giêrônimô rất say mê những tác phẩm bằng tiếng La Tinh của Cicéron, lúc nào trên tay chàng cũng mang cuốn sách này, trước khi ngủ chàng phải đọc mấy trang cho đến khi rơi vào giấc ngủ. Lần kia, chàng nằm mơ thấy mình bị điệu đến trước Tòa Chúa để chịu xét xử. Chàng phải run lên vì thấy Chúa ngồi trên Ngai uy quyền, bên phải Chúa là các Thiên thần cầm roi; bên trái Chúa là bầy Satan cùng xiềng xích, gươm giáo, gậy gộc. Chúa lên tiếng hỏi:
- Ngươi là môn đệ của ai? Nếu thành thật thì án giảm, ngoan cố mà nói dối, thì sẽ bị đòn và trao cho quỷ lôi xuống Hỏa ngục!
- Dạ, con là môn đệ của Chúa.
- Không đúng, Thiên thần đâu cho tên này một trận đòn.
Sau trận đòn thứ nhất, Chúa lại cho Giêrônimô đứng dậy, hỏi
- Ngươi là môn đệ của ai? Nếu còn ngoan cố nói dối, thì đòn sẽ gia tăng.
- Dạ, con là môn đệ của Chúa Giêsu ạ.
- Không phải, vẫn nói dối, Thiên thần đâu gia tăng đánh đòn cho Ta.
Sau trận đòn thứ hai, Chúa lại cho Giêrônimô đứng dậy,và hỏi
- Này Giêrônimô, nếu quá tam ba lần nói dối, thì Ta sẽ giao cho quỷ lôi ngươi đi. Ngươi là môn đệ của ai?
Nghe được quỷ sẽ lôi đi, Giêrônimô quá sợ, chàng suy nghĩ một lát, rồi thưa
- Dạ, con là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô ạ.
- Quá láo, ngươi không phải là môn đệ của Ta, ngươi là môn đệ của Cicéron. Quỷ đâu lôi nó xuống Hỏa ngục!
Vì quá sợ hãi làm chàng bừng tỉnh, nắn tay chân thấy mình còn sống, mừng quá vì đó chỉ là giấc mơ, chứ nếu là thật thì hết đường cứu thoát! Chàng quỳ ngay xuống tạ ơn Chúa!
Từ bấy giờ Giêrônimô dẹp bỏ tất cả các tác phẩm do tay người đời viết, chỉ ôm lấy cuốn Kinh Thánh vào rừng ăn chay cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa. Thời gian sau chàng trở về xin vào Dòng tu, và được làm Linh mục, và chính Linh mục Giêrônimô đã dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh, gọi là Bản Phổ Thông (Vulgata), được Hội Thánh dùng đọc trong Phụng Vụ. Ngài đã viết nhiều tác phẩm chú giải Kinh Thánh gọi là cuốn Kinh Thánh Bảy Cột, ngài giảng dạy rất xuất sắc. Trong cơn bệnh nguy tử, rất nhiều tín hữu đứng vây quanh khóc nức nở, vì biết sắp mất một thầy dạy Đức Tin tuyệt vời! Ngài quay mặt nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến và nói: “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.” Nói đoạn, ngài trút hơi thở!
4. Ngại thú tội
Trong cuốn “Hương rượu mới”, Keith Miller nói rằng như một tín hữu Tin lành, ông ngại thú tội với bất cứ ai. Ông tin rằng việc thú tội chỉ nên diễn ra giữa Thiên Chúa và ông. Tuy nhiên, Keith nhận thấy rằng cho dù Thiên Chúa có tha thứ cho ông, ông vẫn không thể tha thứ cho mình được. Ông bị dày vò nhiều tháng trời. Thế rồi một hôm, ông và một người bạn cùng cầu nguyện. Ông viết: “Trong khi cầu nguyện, tôi thú tội lớn tiếng với Thiên Chúa trước mặt người bạn, và sau đó không lâu, tôi đã chấp nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.”
Một tội lỗi hay một hành động nào đối với Thiên Chúa và tha nhân vẫn còn dày vò tôi? Tôi có thể làm gì được?
Khi ta trung thực với người khác, điều đó đảm bảo tôi trung thực với Thiên Chúa và với chính mình.
5. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Một thi sĩ vô danh viết những vần thơ cho những ai thắc mắc về sự khôn ngoan của Tiên Chúa: “Bạn là kẻ không làm chuyển động được một vì sao, không tạo dựng được một ngọn núi, không đưa ra mẫu của một bông tuyết, không hiểu được mầu nhiệm sinh hạ, không thể thay đổi được vũ trụ, không thể tạo ra được một mầm chồi hoặc cho mưa rơi hay nắng ấm, không vẽ nên được ánh hoàng hôn hoặc làm cho bình minh ló rạng, không tạo nên được dù chỉ một phép lạ. Hỡi con người yếu đuối, làm sao bạn dám nghi ngờ Đấng duy nhất có thể làm được những điều đó.”
Phải chăng đôi khi tôi thắc mắc về sự khôn ngoan của Thiên Chúa? Tại sao? làm thế nào tôi giải quyết được thắc mắc đó?
Nếu công trình của Thiên Chúa dễ hiểu đối với lý trí con người, thì chúng chẳng còn tuyệt vời và chẳng có gì đáng nói nữa (Thomas Kempis)
6. Một người sống đức tin
Một giáo viên bắt đầu lớp học bằng cách nói về Chúa Giêsu. Cô nói: “Hôm nay, cô muốn kể cho các em về một người mà ai trong các em cũng muốn gặp. Người này yêu thương các em hơn cả những bạn thân nhất của các em. Người này tử tế hơn cả những người tử tế nhất mà các em biết. Người này tha thứ cho các em, dù các em thường hay phạm lỗi đến đâu đi nữa.” Trong khi tiếp tục, cô giáo chú ý đến một cậu bé ở cuối lớp càng lúc càng trở nên phấn khích. Đột nhiên, không còn kiềm chế được nữa, cậu hồi hợp thốt lên: “Em biết rõ người mà cô đang nói tới, ông ta sống ở khu phố chúng ta.”
Cuộc sống của tôi phản ánh cuộc sống của Chúa Giêsu về phương diện nào? Và không phản ánh ở phương diện nào?
Xin hãy tỏ sáng và ở lại trong con, để mỗi tâm hồn mà con tiếp tục cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong con (Henry Newman)
7. Tội cố chấp
Tục ngữ Ả Rập nói rằng: tội cố chấp có năm ngón tay, nó dùng hai ngón bịt mắt chúng ta, để chúng ta không thấy được tội lỗi xấu xa chừng nào. Nó sợ nếu chúng ta biết tội lỗi xúc phạm đến Chúa nặng nề thế nào, thì chúng ta không dám phạm.
Nó dùng hai ngón khác bịt tai chúng ta, để chúng ta không còn nghe thấy tiếng Chúa mà ăn năn sám hối. Nó làm như vậy để giữ chúng ta ở trong tình trạng tội lỗi lâu ngày, lòng chúng ta trở nên chai đá, và chúng ta không muốn thống hối nữa.
Nó dùng ngón cuối cùng bịt miệng chúng ta, để chúng ta không đọc lời thống hối, không phàn nàn hối hận vì tội lỗi đã phạm
THỨ BẢY -
Lời Chúa
TRUYỆN KỂ
1.