LỜI CHÚA TUẦN 4 MÙA CHAY
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

CHÚA NHẬT - Năm A – Năm B – Năm C
NGÀY THƯỜNG – Thứ Hai - Thứ Ba - Thứ Tư - Thứ Năm - Thứ Sáu - Thứ Bảy
CNMC 4A - Sự sáng thế gian
PHÚC ÂM: Ga 9, 1-41 (bài dài)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian.” Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai) Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Đúng hắn!" Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn.” Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây.” Họ hỏi anh: "Làm thế nào mắt anh được sáng?" Anh ta nói: "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy.” Họ lại hỏi: "Ngài ở đâu?" Anh thưa: "Tôi không biết.”
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt.” Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat.” Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Đó là một tiên tri.”
Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: "Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?" Cha mẹ y thưa rằng: "Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy.” Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: "Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”
Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi.” Anh ta trả lời: "Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy.” Họ hỏi anh: "Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?" Anh thưa: "Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?" Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: "Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến.” Anh đáp: "Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.” Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh.” Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: "Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù.” Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: "Thế ra chúng tôi mù cả ư?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói 'Chúng tôi xem thấy', nên tội các ngươi vẫn còn.” Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài ngắn này: Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38
Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa" (chữ Silôe có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.
Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Đúng hắn.” Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn.” Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây.”
Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt.” Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat.” Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Đó là một Tiên tri.” Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh.” Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Đó là lời Chúa.
TRUYỆN KỂ
1. Hãy biết mình
Có hai vợ chồng đi tham quan một cửa hàng trưng bày tranh thêu lụa. Vừa bước tới cửa bà vợ đã chăm chú nhìn vào bên trong một hồi lâu rồi nhận xét: “Tranh gì đâu mà xấu vậy? Thêu người đàn bà chẳng giống ai!”
Ông chồng vội bịt miệng bà và nói: “Không phải tranh đâu, đó là gương đấy. Đó là hình ảnh của bà được phản chiếu qua gương đấy! Chớ nhận xét hồ đồ!” Người đàn bà quá xấu hổ đành bỏ ra về.
Đó cũng là cảnh mù loà đáng thương của nhiều người trong chúng ta. Khi chúng ta phê bình chỉ trích người khác đang khi chính chúng ta vẫn còn đó đầy những lỗi lầm. Khi chúng ta chê bai anh em đang khi chúng ta vẫn còn đó những khuyết điểm và thói hư tật xấu. Chúng ta thường cắt nghĩa tốt về mình nhưng lại quá hà khắc về lối sống của tha nhân. Chúng ta thường mù loà về bản thân mình nhưng lại thích soi mói anh em.
2. Có nhiều hình thức mù quáng gây ra hậu quả rất tai hại:
Mù quáng vì tham lam
Sách Các Vua có thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, vì tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, đã dàn dựng một vụ án quy kết Na-vốt tội nguyền rủa Thiên Chúa và nguyền rủa đức vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết. Lòng tham lam đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven ra mù quáng đến độ đang tâm giết hại một ông lão nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta. (sách các vua I, chương 21)
Mù quáng vì ghen tị
Sách Samuel ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đavít, nhưng khi Đavít hạ được tên tướng giặc khổng lồ là Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Israel và quay trở về trong chiến thắng, “thì phụ nữ từ hết mọi thành của Israel kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đavít hàng vạn.” Khi nghe lời đó, vua Sa-un uất lên vì ghen tị. Lòng ghen tị làm cho vua đâm ra mù quáng, đổi lòng yêu thương ra thù ghét và truy lùng Đavít khắp nơi quyết giết cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy. (Samuen I, chương 18)
Mù quáng vì dục tình
Về sau, khi vua Sa-un qua đời, Đavít được lên làm vua. Đavít lại đâm ra mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va. Dục vọng đã làm cho vua mù quáng đến độ lập mưu giết chồng bà là Uria để chính thức cưới bà nầy làm vợ. (Samuen II, chương 11)
3. Không thấy được tội mình
Ông Dale Carnegie, (1888-1955) một nhà văn và nhà thuyết trình danh tiếng người Mỹ, viết nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, cho rằng:
“Tôi phải mất 33 năm trời để khám phá ra sự thật này là cho dù người ta có mắc phải những lầm lỗi nặng nề đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi, có đến 99 lần người ta chẳng trách mình gì cả,[1]” như thể mình vô tội.
4. Ánh sáng từ trái tim
Một cụ già trong một làng quê một hôm đặt câu hỏi cho các thanh niên: “Làm sao biết được trời còn tối hay đã sáng?” Một người trả lời:
– Khi ở tận chân trời có con trâu với con bò mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.
– Chưa đúng hẳn!
Một người khác:
– Khi ở mãi chân trời có cây dừa với cây chuối mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.
– Chưa đúng hẳn!
– Vậy cụ dạy thế nào ạ?
– Khi có một người đến với chúng ta, bất kể tuổi tác, màu da, tiếng nói, tôn giáo, học vấn, tính tình, quá khứ… mà chúng ta nhận ra đó là một người anh em, thì trời đã sáng; nếu không thì trời còn tối. Chúa Giêsu chữa một người mù từ khi mới sinh và cho biết Chúa là ánh sáng chiếu soi trần gian.
5. Tâm và thân
Một vị Nhật hoàng sau khi làm việc căng thẳng muốn thư giãn, nên xin các quan tìm cho một người biết nói đùa. Người ta dẫn đến cho ông một thiền sư.
Nhật hoàng:
– Ta muốn nhà ngươi nói đùa cho ta nghe.
– Tâu bệ hạ, xin bệ hạ nói trước để hạ thần nói đùa theo.
– Ta thấy nhà ngươi giống y hệt một con lợn!
– Tâu bệ hạ, còn hạ thần thì thấy bệ hạ giống y hệt Đức Phật!
– Tại sao ta bảo nhà ngươi là con lợn mà nhà ngươi lại bảo ta là Đức Phật?
– Tâu bệ hạ, dễ hiểu lắm ạ: ai có tâm của Phật thì nhìn vào đâu cũng thấy Đức Phật; còn ai có tâm của lợn thì nhìn vào đâu cũng thấy lợn!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trái tim của Chúa, để con nhận thấy mọi người đều là anh em, và nhận thấy mọi anh em đều là hiện thân của Chúa.
6. Không chịu mở mắt ra
Trong công việc mục vụ thăm viếng, tôi có dịp đến thăm một bà già bị mù từ lúc bẩm sinh. Qua tâm sự tôi biết được sự khao khát lớn nhất của bà là được nhìn thấy ánh sáng để đi đọc kinh, xem lễ và làm việc dễ dàng hơn.
Nhưng điều làm tôi nể phục là bà không bao giờ bỏ một lễ Missa nào, cho dù là trời mưa gió đường khó đi , hay lễ sớm trời tối. Bà vẫn đi dự lễ với cây gậy tre, bà mò mẫm từng bước một thật cực khổ. Bà cũng thuộc được rất nhiều câu Kinh Thánh và các kinh đọc hàng ngày….
Nhưng ngược lại, có rất nhiều người sáng mắt gần đó tôi không bao giờ thấy đi dự lễ Missa hàng ngày, mà chỉ thấy có mỗi ngày Chúa Nhật, khi được hỏi nguyên do tại sao, thì họ trả lời là do trời tối đi không được. Do đó tôi mới đi đến kết luận là nếu nhìn thấy ánh sáng thì mỗi người phải tự mình biết “mở mắt” ra để đón nhận ánh sáng.
Bà già mù tôi viếng thăm, tuy không thấy gì bên ngoài, cặp mắt bà đã bị hư từ lúc mới sinh, cũng giống như anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay. Hay nói đúng hơn cả hai chỉ bị mù con mắt thân xác, nhưng con mắt tâm hồn họ không mù. Họ đang chờ đợi một ánh sáng xuất hiện, chỉ cần một cơ hội là họ nhận ra, họ bước theo ngay.
Trong suốt bài Tin Mừng là một hành trình của người mù, anh tiến vào ánh sáng đức tin một cách tiệm tiến. Tuy anh chỉ là người thụ ơn và đến lúc sáng mắt vẫn chưa biết người chữa mình là Ánh Sáng Thế Gian. Việc lành bệnh đối anh chỉ là điều không tưởng, nhưng đó lại là sự thật anh đã sáng mắt, mà anh chỉ biết mình được sáng mắt là nhờ ông Giêsu nào đó đã lấy bùn thoa vào mắt và anh vâng lời đi rửa và đã nhìn thấy.
7. Ai mù? Ai sáng?
Trong tập truyện có tựa đề: “Một trăm lẻ một giai thoại về Thiền”, tác giả Xen-da-ki có ghi lại câu chuyện sau đây:
Thời xa xưa, mỗi lần ra khỏi nhà trong đêm tối, người Nhật Bản thường dùng những chiếc lồng đèn. Một đêm kia, một người mù đến thăm một người bạn. Lúc ra về thấy người mù đi hai tay không người bạn mới lấy một chiếc lồng đèn trao cho anh ta. Nhưng người mù từ chối và hỏi:
– Đối với một người mù như tôi thì cầm chiếc lồng đèn để làm gì? Bóng đêm hay ánh sáng đối với tôi đều như nhau cả.
Người bạn trả lời:
– Tôi vẫn biết rằng anh không cần lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không cầm trong tay thì kẻ khác sẽ không thấy anh và như vậy có thể sẽ đụng vào anh.
Nghe thế, người mù đành cầm lấy lồng đèn ra về. Đi được một đoạn đường, người mù bị một kẻ đi đường tông vào mình. Không tự chế được, người mù quát tháo inh ỏi:
– Bộ đui sao? Không thầy chiếc lồng đèn tôi đang cầm đây sao?
Người kia bình tĩnh phân trần:
– Này ông bạn, ông bạn đang cầm lồng đèn. Nhưng ngọn đèn bên trong đã tắt rồi.
Thế là người mù cầm đèn cũng không thấy đường. Còn người sáng mắt lại không thấy đèn của người mù. Vậy ai mới thật là người mù?
8. Cửa sổ tâm hồn
Chuyện kể rằng, có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: “Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con.”
Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Thomas thành Cantorbery để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện kết thúc: “Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con.”
Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.
9. Ánh sáng
Khi William Montague Dyke được 10 tuổi, cậu đã bị mù mắt trong một tai nạn. Mặc dù bị tàn tật, William đã tốt nghiệp đại học ở Anh Quốc với bằng danh dự ưu hạng. Khi còn ở nhà trường, anh đã yêu người con gái của một sĩ quan cao cấp của hải quân hoàng gia Anh, và họ đã hứa hôn với nhau. Không lâu trước đám cưới, William đã được giải phẫu với hy vọng có thể phục hồi lại thị giác, nếu cuộc giải phẫu thành công. Còn nếu thất bại, anh sẽ bị mù suốt đời. William đã muốn giữ nguyên những giải băng trên mặt cho đến ngày lễ cưới. Nếu cuộc giải phẫu thành công, anh muốn rằng người đầu tiên nhìn thấy sẽ là cô dâu.
Ngày đám cưới đã đến. Rất nhiều quan khách được mời, gồm cả hoàng gia, các thành phần trong nội các chính phủ, và nhiều vị thân hào nhân sĩ nổi tiếng trong xã hội. Tất cả đã qui tụ nhau lại để chứng kiến những lời đoan hứa của đôi tân hôn. Cha của chú rể, William Hart Dyke và ông bác sĩ giải phẫu mắt đứng bên cạnh chú rể với đôi mắt vẫn còn bị băng kín. Tiếng kèn trumpet từ chiếc đàn organ trỗi lên bắt đầu cho từng bước chân hồi hộp của cô dâu từ từ tiến bước trên nền vải trắng dẫn lên bàn thờ. Ngay khi cô dâu tới bàn thờ, bác sĩ giải phẫu lấy từ trong túi áo ra một cái kéo để cắt những miếng băng bịt mắt của William. Sự im lặng căng thẳng bao trùm lấy nguyện đường. Cả cộng đoàn nín thở chờ đợi xem William có thể nhìn thấy cô dâu đang đứng trước mặt chú rể hay không. Khi vừa đứng đối diện với cô dâu, những lời nói mừng rỡ của William vang lên khắp giáo đường: “Em đẹp hơn anh tưởng tượng nhiều!”
Tác giả đã kết luận câu chuyện bằng những hàng chữ như sau: “Một ngày nào đó những miếng băng che phủ con mắt của chúng ta sẽ được lấy đi. Khi chúng ta đối diện với Chúa Giêsu Kitô và nhìn thấy khuôn mặt của Ngài lần đầu tiên, vinh quang sáng ngời của Ngài sẽ chiếu sáng rực rỡ và huy hoàng hơn bất cứ cái gì chúng ta đã từng tưởng tượng ra trong cuộc đời này.”
10. Anh vẫn còn mù
Có một người kia, sinh ra đã bị mù, anh sống trong một gian phòng, bởi vì không nhìn thấy gì nên anh phủ nhận tất cả những gì những người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin, vì tôi có thấy đâu nào.”
Một vị lương y thấy vậy thì thương hại anh, ông đi tìm một thứ linh dược chữa cho anh được sáng mắt, anh sung sướng quá, tự phụ nói: “Giờ đây tôi đã thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.”
Nhưng có người nói với anh: “Bạn ơi, bạn mới chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi. Như thế có là bao, ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú hằng hà sa số, còn biết bao vật khác mà bạn chưa thấy, bạn đừng tự phụ như vậy.”
Anh tỏ vẻ không tin, lại còn nói mạnh hơn: “Làm gì có được những cái đó, những gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi.”
Một vị y sĩ khác lên tận núi cao, gặp được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác, đem về giúp cho anh được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn. Bây giờ anh thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên không trung. Mừng quá và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm, anh nói với mọi người: “Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy, chẳng biết, đâu còn ai hơn tôi được nữa.”
Thấy anh ta tự phụ như vậy, một hiền nhân nói với anh: “Cậu ơi, cậu vừa hết mù, nhưng cậu cũng vẫn chưa biết gì cả. Tại sao cậu lại quá tự phụ như thế? Với chừng mực và giới hạn của tầm mắt, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà mắt cậu không làm sao thấy được. Cậu có thấy được những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không kể hết như cát ở bãi biển, cậu có thấy không? Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: “Tôi thấy cả, tôi biết cả rồi.” Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.”
11. Mù loà và mù quáng
Ngày xưa ở Ấn Độ, có một vị vua muốn tìm trò tiêu khiển, bèn nảy ra ý tưởng như sau: Vua cho quân lính đi lùng kiếm năm người mù bẩm sinh chưa hề biết con voi là gì để đưa về triều làm trò tiêu khiển. Rồi vua cho đưa đến một con voi khổng lồ và bảo năm anh mù:
Các ngươi chưa hề biết voi là gì thì hôm nay Trẫm sẽ cho các ngươi được biết. Các ngươi hãy tiến lại sờ voi rồi mô tả cho Trẫm và quần thần quanh đây biết hình hài con voi ra sao. Ai mô tả đúng nhất sẽ được trọng thưởng.
Sau một hồi sờ voi, anh thứ nhất tâu:
– Tâu bệ hạ! Con voi giống y như cột nhà! Đó là người sờ trúng chân voi.
Anh thứ hai thưa:
– Voi giống như cái quạt lớn. Đó là người sờ trúng tai voi.
– Voi giống như một khúc rễ cây ngoằn ngoèo! (đó là mô tả của anh sờ trúng vòi voi).
– Voi giống như một tảng đá lớn, tròn tròn! (đó là phát biểu của người sờ trúng bụng voi)
Anh thứ năm cho rằng bốn anh kia đều sai bét, và phần thưởng chắc chắn thuộc về mình. Anh đắc chí tâu:
– Lâu nay hạ thần tưởng rằng voi là con vật to ghê lắm. Nào ngờ giờ đây chính tay hạ thần sờ thấy voi chỉ giống như cái chổi cùn! (vì anh sờ trúng đuôi voi).
Anh nào cũng hăng say và quyết liệt bênh vực ý kiến của mình, cho rằng duy chỉ có mình là đúng và những người khác đều sai. Họ tranh cãi nhau kịch liệt. Người nầy chê trách người khác là ngu, là mù, là dốt nát! Rốt cuộc, chẳng ai chịu thua ai, cả năm người nổi khùng lên, xông vào đấm đá nhau hung tợn, máu mồm máu mũi trào ra thảm hại…
Trong khi đó nhà vua và triều thần ôm bụng cười ngặt nghẽo! Cười cho sự mù quáng đáng thương.
Cả năm anh mù nầy đều thuộc diện mù loà bẩm sinh, nhưng đồng thời cũng là những người mù quáng nặng nề.
12. Bây giờ tôi đã thấy
Vào thập niên 1960, John Howard Griffin ngụy trang thành một người da đen đi chơi vòng quanh miền Nam. Ông muốn trực tiếp cảm nghiệm được sự kiện phải làm người da đen trong những năm ầm ĩ về vấn đề chủng tộc này. Griffin mô tả lại cảm nghiệm của mình trong một cuốn sách nhan đề Black Like Me (đen như tôi). Cuốn sách này về sau được dựng thành phim.
Tuy nhiên còn một khía cạnh khác trong cuộc đời của John Howard Griffin mà rất ít người biết đến: trong thế chiến thứ hai, John đã bị mù trong một vụ nổ máy bay suốt 12 năm sau đó, ông không trông thấy gì cả.
Một hôm, trong khi bước xuống con phố cạnh nhà bố mẹ ông ở Texas, thình lình John bỗng thấy được “cát đỏ” (red sand) trước mắt ông. Thị giác của ông đã phục hồi trở lại mà chẳng hề báo trước. Về sau, một bác sĩ chuyên khoa mắt cắt nghĩa cho ông là vết máu tụ thần kinh thị giác do vụ nổ gây ra được khai thông, vì thế thị giác ông phục hồi trở lại. Khi bình luận về kinh nghiệm này, Griffin đã kể lại cho một phóng viên báo chí như sau:
“Quí bạn không cảm nghiệm được những gì mà một ông bố cảm nghiệm khi nhìn thấy con cái mình lần đầu tiên đâu. Cả bố với con đều tuyệt vời hơn tôi nghĩ rất nhiều”
Giai đoạn bi đát trong đời Griffin giúp anh ta đánh giá sâu sắc hơn câu chuyện của bài Phúc âm hôm nay, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cảm giác người mù từ lúc mới sinh khi anh ta được Chúa Giêsu chữa lành thật kỳ kiệu như thế nào.
13. Nếm trải Giêsu
Người ta kể câu chuyện về một cha xứ già ở nông thôn lắng nghe một giáo sư chủng viện đưa ra vấn nạn về những vấn đề cốt lõi của đức tin.
Khi giáo sư kết thúc bài giảng của mình, cha xứ lớn tuổi đứng dậy, lấy một quả táo từ túi đựng đồ ăn trưa của mình bắt đầu ăn rồi nói: “Thưa giáo sư, tôi chưa đọc những sách mà ngài đã trích dẫn.” Rồi ngài cắn một miếng táo nữa. “Thưa giáo sư, tôi không biết nhiều về những nhà tư tưởng vĩ đại mà ngài đã đề cập,” rồi ngài cắn thêm một miếng táo nữa. “Thưa giáo sư, tôi thừa nhận là tôi chưa nghiên cứu Kinh Thánh như cách của ngài”, khi ngài ăn xong quả táo.
“Tôi chỉ đang thắc mắc, quả táo mà tôi vừa ăn này chua hay ngọt đây?" Cha xứ già trả lời cho vị giáo sư: “Với tất cả sự tôn trọng, thưa ngài, tôi chỉ tự hỏi liệu ngài đã bao giờ nếm trải Chúa Giêsu của tôi chưa?”
* Người mù được sáng mắt trong bài Tin Mừng hôm nay nói: “Dù phương pháp chữa trị có được khoa học chấp thuận hay không, trước đây tôi bị mù, nhưng bây giờ tôi thấy được.” Các bạn tranh luận và giải thích tất cả những gì bạn muốn, nhưng với tôi như vậy là quá đủ. (Tiến sĩ J. Howard Olds)
14. Ánh sáng dẫn đường
ĐHY Henry Newman là giáo sư tại Đại học Oxford. Khi còn là một linh mục Anh giáo, cùng với các học giả khác, ngài đã khởi đầu phong trào Oxford. Năm ba mươi hai tuổi, sức khỏe yếu, ngài tạm ngừng viết lách và sang châu Âu dưỡng bệnh. Nhưng thật không may, ngài lại mắc phải một cơn sốt nặng. Ngài muốn trở về Anh, nhưng không có phương tiện đi lại. Khi ngài chờ đợi, cuộc sống của ngài trở nên cô đơn và tẻ nhạt; ngài đã trải qua sự tuyệt vọng lớn về thể chất và tinh thần. Sau đó, ngài đã viết một bài thánh ca hay để cầu xin Chúa ban ánh sáng: “Hỡi Ánh Sáng nhân từ, giữa bóng tối bao trùm, xin hãy dẫn dắt con; Đêm tối, và con lại xa nhà; Xin dẫn con đi tiếp
* Trong lúc bối rối và đau khổ, Newman đã cầu nguyện Thiên Chúa là Ánh Sáng dẫn dắt ngài từ bóng tối đến ánh sáng, từ hoang mang đến xác tín, và từ bệnh tật đến khỏe mạnh. Chúa đã nghe lời cầu nguyện của ngài và dẫn ngài về nhà an toàn. Năm 1845, ngài cải đạo sang Công giáo. [John Rose in John’s Sunday Homilies; được trích dẫn bởi Fr. Botelho.]
15. Mù quáng
Có một câu chuyện Sufi kể về một người Hồi giáo cưỡi ngựa quyết tâm giết kẻ thù mà anh ta đang truy đuổi. Giữa cuộc rượt đuổi, tiếng gọi cầu nguyện vang lên từ một nhà thờ Hồi giáo. Ngay lập tức, người Hồi giáo xuống ngựa, trải chiếu và cầu nguyện những lời cầu nguyện đã định sẵn nhanh nhất có thể, sau đó quay trở lại ngựa và tiếp tục cuộc rượt đuổi.
* Anh ta đã đáp ứng các yêu cầu của luật pháp nhưng lại mù quáng trước những gì luật pháp thực sự yêu cầu: đó là sự thay lòng đổi dạ.
16. Mù lòa
Người ta kể câu chuyện về một người đàn ông một hôm đến thăm lớp học dành cho trẻ em khiếm thị. Băn khoăn với những gì mình nhìn thấy, người đàn ông nhận xét một cách thiếu tế nhị trước sự có mặt của chúng: “Sẽ rất kinh khủng khi sống mà không có mắt.”
Một bé gái nhanh nhảu đáp: “Chả bằng có hai mắt còn sáng mà không thấy.”
* Có mù lòa về thể lý, và có một dạng mù lòa khác, còn bi đát hơn, ảnh hưởng đến tinh thần. Cả hai hình thức đui mù đều có mặt trong bài Tin Mừng hôm nay. (Linh mục Johnny Dean).
17. Thấy lại
Trong Thế chiến II, John Howard Griffin bị mù trong một vụ nổ máy bay. Trong 12 năm tiếp theo, anh không thể nhìn thấy gì. Sau đó, một ngày nọ, anh đang đi bộ trên một con phố gần nhà của cha mẹ anh ở Texas. Đột nhiên anh bắt đầu nhìn thấy “cát đỏ” trước mắt mình. Không có dấu hiệu báo trước, thị giác của anh trở lại. Sau đó, một chuyên gia về mắt đã giải thích với anh rằng sự tắc nghẽn máu đến dây thần kinh thị giác do vụ nổ đã mở ra, khiến thị lực của anh quay trở lại. Nhận xét về trải nghiệm này, Griffin nói với một phóng viên tờ báo: “Bạn không biết lần đầu tiên một người cha nhìn thấy con cái của mình là như thế nào. Cả hai đều đẹp hơn tôi tưởng rất nhiều.” (Gerard Fuller in Stories for all Seasons).
* Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy biết bao cảnh vật tươi đẹp. Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân sự sáng này.
18. Xác chết chảy máu
Một lần kia, có một người đàn ông trong bệnh viện tâm thần, và một trong những vấn đề của anh ta là anh tin rằng mình đã chết. Bác sĩ tâm lý đã thử mọi mánh khóe theo lý thuyết, nhưng không gì có thể thay đổi tâm trí của anh ta.
Cuối cùng, bác sĩ tâm thần nghĩ, và ông cho đây là một bước đột phá rực rỡ. Ông khiến người đàn ông đồng ý rằng một xác chết là vô hồn, và do đó, không có máu lưu thông, nó không thể chảy máu. Sau khi đã chấp nhận rõ ràng sự thật đơn giản đó, bác sĩ tâm thần bắt đầu đi thẳng vào vấn đề. Ông ta lấy một cái ghim, cầm lấy ngón tay của người đàn ông và chích một cái đủ mạnh để lấy máu. Ông ta bóp ngón tay cho đến khi máu chảy ra rõ ràng, rồi nói với người bệnh: “Bây giờ bạn có nhìn thấy gì không? Đó là máu. Bạn đang chảy máu.”
Người đàn ông nhìn vết máu với vẻ hoài nghi băn khoăn, rồi anh ta quay sang bác sĩ tâm lý với vẻ kinh ngạc, và nói: “Chà, bạn biết gì không! Xác chết chảy máu!”
* Người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng không khác gì bệnh nhân tâm thần này. (Kinh Thánh IE).
19. Định kiến
Khi mới vào nghề, Clarence Darrow trẻ tuổi bào chữa cho một thân chủ trước một luật sư lớn tuổi hơn, giàu kinh nghiệm hơn, người đã mỉa mai Darrow là “gã thanh niên không có râu.”
Darrow bác bỏ: “Đối thủ xứng đáng của tôi dường như hạ thấp tôi vì tôi không có râu. Tôi xin trả lời bằng một câu chuyện: Vua Tây Ban Nha có lần phái một nhà quý tộc trẻ tuổi đến triều đình của một quốc vương láng giềng, người này đã chế nhạo rằng: “Vua Tây Ban Nha thiếu đàn ông hay sao mà lại cử một cậu bé không râu cho ta sao? Vị đại sứ trẻ tuổi trả lời: “Thưa ngài, nếu Đức Vua của tôi cho rằng ngài đánh đồng trí tuệ với bộ râu, thì ông ấy đã gửi một con dê rồi.” Clarence Darrow đã thắng kiện!
* Định kiến thường làm chúng ta mù quáng. (Bennet Cerf).
20. Mù thiêng liêng
Một phụ nữ sáu mươi tuổi sống ở một thị trấn miền Trung cuối cùng được gia đình thuyết phục đi khám bác sĩ nhãn khoa. Bà ta chưa bao giờ đeo kính trong đời. Bác sĩ đã kiểm tra kỹ lưỡng cho bà và yêu cầu ba ngày sau bà quay lại khi ông đã chuẩn bị sẵn kính cho bà. Ông lắp kính và yêu cầu bà nhìn ra ngoài cửa sổ.
Rất vui mừng, bà thốt lên: “Tại sao, tôi có thể nhìn thấy tháp chuông của nhà thờ chúng ta, và nó cách đó ba dãy nhà.” Bác sĩ hỏi: “Ý bà là bà chưa bao giờ có thể nhìn thấy gác chuông đó ở khoảng cách ngắn như vậy?” Bà ấy tuyên bố: “Rất may là không; Tôi chưa bao giờ biết mình có thể nhìn xa đến thế.”
Chuyên gia về mắt nói: “Thưa bà, bà đã bị mù trong nhiều năm rồi.”
* Tương tự như vậy, nhiều người không thể nhìn thấy sự thật mà Chúa đã cho chúng ta biết…(Đức ông Arthur Tonne)
21. Định kiến
Vào cuối những năm 1700, người quản lý của một khách sạn lớn ở Baltimore đã từ chối cho một người đàn ông ăn mặc như nông dân vào trọ. Ông ta đuổi người nông dân đi vì ông ta nghĩ vẻ ngoài tồi tàn của anh chàng này sẽ làm mất uy tín của khách sạn nổi tiếng của ông.
Người nông dân cầm chiếc túi của mình và bỏ đi mà không nói thêm một lời nào với bất kỳ ai. Cuối buổi tối hôm đó, chủ khách sạn phát hiện ra rằng ông ta đã từ chối không ai khác chính là Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Thomas Jefferson!
Ngay lập tức, người quản lý đã gửi một bức thư xin lỗi đến nhà yêu nước nổi tiếng này, yêu cầu ông quay lại và làm thượng khách trong khách sạn của mình.
Jefferson trả lời bằng cách nói với người đưa tin như sau: “Hãy nói với ông ấy rằng tôi đã đặt trước một phòng. Tôi đánh giá cao ý định tốt của ông ấy, nhưng nếu ông ấy không có chỗ cho một nông dân Mỹ bình thường, thì ông ấy không có chỗ cho Phó Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.” [Brian Cavanaugh in The Sower’s Seeds; được trích dẫn bởi Fr. Botelho.]
22. Viết thư
Trong cuốn sách sâu sắc và thú vị của mình, Illustrissimi Albino Luciani (Giáo hoàng Gioan Phaolô I), đã viết một loạt thư cho những nhân vật lịch sử và hư cấu như Mark Twain, Pinocchio, Thợ cắt tóc Figaro, Hippocrates, Guglielmo Marconi và Chúa Giêsu.
Thư từ của Luciani với những nhân vật nổi tiếng này cho thấy tư cách trước hết của ngài là một mục tử. Ghi nhớ câu châm ngôn cổ xưa của Kitô giáo, “per verbum ad Verbum”, ngài tin rằng một tín hữu có thể tiếp cận Lời Thiên Chúa thông qua việc nghiên cứu văn học.
Với văn phong bình dân, thân thiện của mỗi bức thư, Luciani đã khuyên dạy một số khía cạnh của luân lý Kitô giáo. Vị giáo hoàng qua đời trong vòng năm tuần sau cuộc bầu cử ngày 26 tháng 8 năm 1978, đã viết trong bức thư gửi cho Đavít, vua của Israel: “Sách Thánh trình bày những khía cạnh khác nhau trong tính cách của ngài: nhà thơ và nhạc sĩ, sĩ quan tài giỏi, một vị vua khôn ngoan… Than ôi! không phải lúc nào ngài cũng hạnh phúc, vì đôi khi ngài phải liên lụy với phụ nữ và những âm mưu trong hậu cung với hậu quả là những bi kịch gia đình.
"Tuy nhiên, ngài là bạn của Chúa, nhờ lòng đạo đức cao cả của ngài, điều này đã giúp ngài nhận thức được sự tầm thường bé nhỏ của mình trước mặt Chúa." (Illustrissimi, Letters from Pope John Paul I, Little, Brown and Co., Boston: 1978).
* Sự tầm thường của Đavít cũng được ghi lại trong bài đọc được trích từ sách 1 Samuel. Là con trai út của Giesê, bị bỏ lại ở nhà để chăn bầy gia súc, tuy nhiên Đavít lại là người được Thiên Chúa chọn làm vua vì “Ngài nhìn thấu lòng người” (c. 7), Ngài xét đoán con người theo một tiêu chuẩn khác. Sự thiếu kinh nghiệm của Đavít tuổi trẻ dường như đối với cha, các anh và thậm chí cả Samuel là một trở ngại ngăn cản việc ông lên ngôi, nhưng tất cả đã không ngăn cản kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. (Tài liệu cha Sanchez).
A
TRUYỆN KỂ
A
THỨ BA
Lời Chúa: Ga 5, 1-3a. 5-16
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa "Chiên", có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm.
Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: "Anh muốn được lành bệnh không?" Người đó thưa: "Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi.” Chúa Giêsu nói: "Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về.” Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: "Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng.” Anh ta trả lời: "Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: "Vác chõng mà đi.” Họ hỏi: "Ai là người đã bảo anh "Vác chõng mà đi?" Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.
Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: "Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước.” Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.
Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.
TRUYỆN KỂ
1. Cái chết của một thiên thần
Cuốn phim Mỹ với tựa đề: “Cái chết của một thiên thần” mang một ý nghĩa sâu sắc. Tại một vùng quê hẻo lánh bên Nam Mỹ, nơi mà lòng đạo đức bình dân thường pha trộn những mê tín dị đoan, một thanh niên nọ đã ngụy tạo ra một phép lạ thu hút được rất nhiều người. Anh lén rạch da lấy máu mình và cho vào tượng Thánh giá mà chỉ anh mới biết cách tháo ráp. Mỗi lần anh ôm Thánh giá vào lòng thì máu từ mão gai của tượng chảy ra. Dân chúng từ khắp nơi, nhất là những kẻ tàn tật, mù lòa đổ vào để chứng kiến phép lạ. Đoàn người làm thành một đám rước Thánh giá lên trên một ngọn đồi, tại đó người thanh niên quỳ cầu nguyện bên cạnh Thánh giá và máu lại chảy ra từ mão gai trên đầu Chúa.
Trong khi phép lạ ngụy tạo này diễn ra mỗi ngày, thì một đám người bất lương muốn lợi dụng cơ hội để làm tiền. Họ biết chắc đây chỉ là một sự lừa bịp, nhưng họ chưa khám phá được bí quyết của người thanh niên. Sau một thời gian theo dõi, họ đã bắt giữ người thanh niên và tra khảo anh khai ra bí mật ấy.
Không chịu nổi cuộc tra tấn, người thanh niên đành thú nhận sự thật và đó cũng là lúc khởi đầu của những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc đời anh. Trước đám đông đang chuẩn bị cuộc rước, người thanh niên tháo gỡ tượng Chúa Giêsu khỏi Thánh giá và cho mọi người thấy sự lường gạt của anh từ bao năm qua. Với tất cả lòng thành tâm thống hối, anh vác Thánh giá tiến lên đồi. Đám người bất lương bắn xối xả vào người anh, anh ngã gục, nhưng đoàn người lại tiếp tục vác Thánh giá lên đồi, nhiều người tàn tật, mù lòa bỗng cảm thấy được chữa lành.
2. Nơi hội ngộ
Tu hội Nữ tử Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta chuyên phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật, đặc biệt là những người đang hấp hối nằm trên các hè phố.
Trước đây có một vị sư Phật giáo nói với Mẹ Têrêsa: “Tôi biết và yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi ghét Giáo hội của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở nên nơi hội ngộ để chúng tôi có thể gặp gỡ Giáo hội của Đức Kitô.”
Nhưng sau một năm làm việc cùng với Mẹ Têrêsa, vị sư đó đã chứng thực việc làm của Mẹ và sẵn sàng dành cho Mẹ một ngôi nhà trong khuôn viên chùa để làm bệnh xá miễn phí.
3. Hết bị trói buộc
Thầy Andrew – một nhà truyền giáo Hà Lan, được mệnh danh là “tên buôn lậu của Thiên Chúa”, vì thầy buôn lậu Kinh Thánh vào những nước cấm phổ biến Thánh Kinh.
Ngày kia, thầy mua được một con khỉ. Không bao lâu, thầy nhận thấy con khỉ rất khó chịu khi chú bị chạm vào phần thắt lưng. Sau khi xem xét thật kỹ, thầy khám phá ra một vết sưng vòng quanh hông chú khỉ. Hóa ra là khi còn bé, chú khỉ đã bị người ta dùng một sợi dây kẽm buộc quanh hông, và cho tới nay sợi dây này vẫn còn nằm trong thân xác chú. Càng lớn lên thì sợi thép đó lặn sâu vào da thịt chú.
Chiều hôm ấy, thầy Andrew cẩn thận tháo sợi dây kẽm đó ra bằng cách: thầy cào sạch vùng lông chung quanh sợi dây, rồi cẩn thận cắt sợi dây và kéo ra khỏi da thịt con vật. Suốt thời gian này, chú khỉ kiên nhẫn nằm yên chịu đau, mắt chú nhắm nghiền lại. Ngay khi sợi kẽm được lấy ra, chú khỉ mừng rỡ nhảy lui nhảy tới rồi ôm chặt vai thầy Andrew. Thế là chú khỉ được tự do thoải mái, không còn bực bội khó chịu như trước nữa. Không thể diễn tả nổi chú khỉ hạnh phúc biết bao.
Người bại liệt trong Tin Mừng cũng vui mừng khi được Đức Giêsu tha tội và chữa khỏi bệnh bại liệt. Anh không còn bị tội lỗi và bệnh hoạn trói buộc nữa.
5. Cái giá vô giá của đức tin
Tạp chí Tiếng Vang Lộ-Đức (Écho de Lourdes) thuật lại một câu chuyện có thật như sau:
Một người vô thần nọ có đứa con gái yêu quý bị bệnh bại liệt mà các bác sĩ đều đã bó tay, không tài nào cứu chữa được nữa. Ông nghe những người quen biết đồn rằng, Đức Mẹ ở Lộ-Đức nước Pháp, có thể chữa lành cho cô bé.
Cuối cùng, thì ông cũng đã chấp nhận đưa con gái đến Lộ-Đức, nhưng không quên tuyên bố với những người bạn cả Công giáo lẫn vô thần rằng: “Nếu tôi thấy con gái tôi được chữa khỏi, nếu tôi thấy tỏ tường nó chỗi dậy và đi lại được, tôi sẽ tin rằng, Thiên Chúa hiện hữu.”
Khi đến Lộ-Đức, ông chen vào giữa đám đông những bệnh nhân đang vây quanh chiếc giếng mà Đức Mẹ thường làm phép lạ và đưa con gái lại gần đó. Khi gặp được cha Bailly, một Linh Mục thường trực phụ trách tại địa điểm hành hương ở đây, ông đã nói với cha về tất cả những nỗi niềm còn bán tín bán nghi của ông và những gì mà người ta đồn đại về phép lạ.
Rồi đúng lúc em bé được đưa xuống chiếc giếng cạn để nhúng ướt toàn thân trong nước, cha Bailly đã lớn tiếng nói với mọi người đang có mặt:
- Có ai trong các vị hiện diện ở đây bằng lòng tận hiến chính mình làm hy tế cho Thiên Chúa nhân lành để cầu nguyện cho một người vô thần không? Có ai không? Chỉ cần một người thôi, bằng lòng cam chịu cơn bệnh nan y cho tới chết để cho cô bé này được lành và để cho người cha vô thần này được trở lại đạo. Có ai không?
Mọi người yên lặng... Mấy phút trôi qua... Chợt có một nữ bệnh nhân trung niên chống nạng hai bên nách, khó nhọc lắm mới bước ra khỏi được đám đông rồi nói nhỏ nhẹ thật khiêm tốn:
- Vâng, có con, con xin tự nguyện!
Ngay lúc ấy, cô bé bệnh tật liền được khỏi và tự mình bước ra khỏi miệng giếng. Người cha vô thần vội quỳ xụp xuống và bằng một giọng thổn thức đầy cảm xúc ông đã thốt lên:
- Lạy Chúa, xin Chúa tha tội cho con, con tin rồi!
Một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào Thiên Đàng, một đức tin lớn sẽ đưa Thiên Đàng vào linh hồn bạn.
6. Anh tin Lời Chúa đứng dậy... tức khắc anh khỏi bệnh.
Las Dasir là một thanh niên rất tốt. Thế nhưng, anh thấy mình quá yếu đuối trước những cơn cám dỗ. Mặc dầu đã hết sức cố gắng nhưng anh vẫn sa ngã. Anh đã dốc lòng chừa cũng cả trăm lần rồi thế mà anh vẫn cảm thấy như bất lực. Nhiều lúc anh cảm thấy như hoàn toàn tuyệt vọng. Để chứng tỏ cho mọi người biết anh là một người có thiện chí, anh đã tự quyết định ra hình phạt cho mình: cứ mỗi lần phạm tội, anh sẽ nhổ đi mười sợi tóc trên đầu. Và chừng nào trên đầu không còn tóc nữa, thì hình phạt cuối cùng sẽ là tự kết thúc cuộc đời. Chỉ một tháng sau, đầu của Dasir đã gần như bị trọc, và anh tự hứa với mình sẽ nhất quyết thi hành hình phạt, rồi sau một tháng nữa thì đầu của anh hoàn toàn bị trọc không còn một sợi tóc nào nữa.
Nhìn vào gương, thấy không còn sợi tóc nào trên đầu, Dasir tuyệt vọng nói thầm: “Ngày kết thúc cuộc đời tôi đã đến, tôi không còn cách nào hơn để giữ mình cho khỏi sa ngã phạm tội. Tốt hơn là phải tự kết liễu cuộc đời của tôi.” Nói là làm. Anh đưa tay vào ngăn kéo rút khẩu súng lục đã để sẵn trong đó ra để chuẩn bị kết thúc cuộc đời của mình. Thế nhưng, khi vừa đưa súng lên, kê nòng vào đúng thái dương và định bóp cò thì thình lình anh thấy một thiên thần hiện ra. Sự xuất hiện của thiên thần làm cho anh phải bỏ súng xuống. Thiên thần trao cho anh một gói quà và nói:
- Las Dasir này, đừng kết liễu đời mình như vậy. Thiên Chúa sai tôi đến đem cho anh món quà này. Anh hãy mở ra xem đi.
Anh cầm lấy, mở ra và vô cùng ngạc nhiên khi nhìn vào những gì đặt ở trong chiếc hộp: đó là một bộ tóc giả. Nhìn bộ tóc giả đó anh đã hiểu ngay được ý của Thiên Chúa muốn cho anh phải làm gì.
7. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm.
Hai con ếch lộn đầu vào một bình kem. Chúng quẫy đạp xuống cả giờ cố gắng để leo lên thành bình kim loại. Cuối cùng, một con bỏ cuộc và chìm xuống, còn con kia tiếp tục quẫy đạp, rồi đột nhiên nó thấy mình ngồi an toàn trên một tảng kem bơ. Đó cũng là sự kiên trì của bệnh nhân trong bài Tin mừng hôm nay.
Điều gì ngăn cản tôi kiên nhẫn cố gắng?
THỨ TƯ
Lời Chúa: Ga 5, 17-30
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy.” Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Ðiều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục.
Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử.
Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy.
Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Ðấng đã sai Ta.”
TRUYỆN KỂ
1. Không thể làm gì tự mình
Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa, mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ. Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình, người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.
2. Công Việc Của Cha.
Một họa sĩ chuyên vẽ chân dung nọ di chuyển đến một thành phố nhỏ với hy vọng tìm được nhiều khách hàng.
Vừa đến trước cửa thành, ông gặp ngay một người say rượu. Hai bên trao đổi với nhau và người say rượu đồng ý cho người họa sĩ vẽ chân dung của mình. Dù say túy lúy, gương mặt hốc hác, quần áo xốc xếch, người say rượu vẫn còn có thể ngồi yên để nhà họa sĩ làm việc. So với những khách hàng khác, thì đây là bức chân dung mà nhà họa sĩ phải tốn nhiều thời giờ nhất để vẽ.
Đứng ngắm tác phẩm vừa được hoàn thành, người say rượu không thể cầm được sự ngạc nhiên: thay cho gương mặt chán đời của mình, anh thấy trong vức chân dung một nụ cười tươi tỉnh lạc quan; thay cho cách ăn mặc cẩu thả của mình, anh thấy mình được khoác lên một bộ quần áo lộng lẫy.
Nhìn vào bức chân dung một lúc, anh lắc đầu và nói: “Người trong hình không phải là tôi.”
Nhà nghệ sĩ trả lời một cách khéo léo vì đã biết nhìn xuyên qua bề ngoài để thấy vẻ đẹp nội tâm: “Thưa ông, đây là con người mà ông phải đạt đến.”
Mùa chay là mùa của thanh luyện, của hoán cải. Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về: trở về với Chúa, với anh em, với bản thân. Tựu trung tội lỗi là một chối bỏ Thiên Chúa, khước từ anh em, đánh mất bản thân.
3. Để được sống đời đời.
Một lần kia, thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?”
Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành.
Riêng thánh Đaminh Saviô điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi.”
Sở dĩ như vậy là vì Đaminh Saviô luôn nhận ra thánh ý Chúa trong từng giây phút và đánh giá mọi sự dưới khía cạnh đời đời.
Đó cũng là thái độ để nêu gương cho các môn đệ: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa.”
4. Tác giả Đường hy vọng đã khuyến khích những người con tinh thần của mình như sau: “Hãy nhìn mọi sự với con mắt của Thiên Chúa, con sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác. Sự điên dại trước mặt loài người là sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.
Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn, là khờ dại trước mặt người đời nhưng lại cao trọng trước mặt Thiên Chúa.
Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật. Thành công con cám ơn Chúa, thất bại con cũng cám ơn Chúa. Hãy vui tươi vì chính khi thất bại là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay vì ý riêng.
Vui vẻ can đảm lúc thất bại khó khăn hơn là lúc may mắn, hạng anh hùng này con đếm được trên đầu ngón tay.”
5. Tin tưởng phó thác.
Có một gia đình nọ sống giũa đồng không mông quạnh. Vào một đêm kia, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội vã chạy ra ngoài sân và đứng bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tổ ấm gia đình họ.
Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu đứa bé nhất. Thì ra cậu bé cũng chạy ra với mọi người, nhưng chưa tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá nên lại chảy trở lên lầu. Trong lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé năm tuổi, vì lửa bao vây tứ phía, bỗng cửa sổ trên lầu mở toang, và cậu bé kêu khóc inh ỏi. Cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói:
- Con nhảy xuống đây!
Cậu bé nhìn xuống dưới chỉ thấy khói mù và lửa cháy, nhưng nghe tiếng cha kêu, liền trả lời:
- Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!
Người cha trả lời giọng cương quyết:
- Cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi.
Và cậu bé leo lên cửa sổ, liều nhảy xuống, rơi vào vòng tay yêu thương vạm vỡ của cha mình một cách an toàn.
6. Vâng phục là tự do chọn điều Chúa muốn
Một thiếu niên đi xem đấu bóng với Cha sở, nói với Cha rằng anh không thích vâng phục. Anh nói: “Thưa Cha, con rất ghét ai bảo thế này, thế nọ. Không có tự do trong việc này.”
Cha sở không nói một lới. Liền sau đó, họ gặp một biển chỉ đường hướng đi đến sân chơi. Cha sở làm như không thấy, cậu bé la lên:
“Chúng ta đi sai đường! Thưa Cha, Cha không thấy dấu đàng kia à!”
Cha sở bình tĩnh trả lời: “Cha thấy chứ, nhưng Cha nghĩ đường này xem ra tốt hơn, và Cha ghét bị ai chỉ bảo đi đường này, đường kia bởi một biển chỉ đường cũ kĩ. Nó không cho Cha tự do hành động.”
Cậu bé nhận ra bài học, và họ vòng trở lại đi vào hướng sân chơi
7. Làm việc là cộng tác với Chúa
Một hoàng đế nọ cỡi ngựa vào rừng săn bắn. Khi đi ngang qua ngọn đồi gần bìa rừng, ông trông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang cặm cụi đào lỗ trồng cây, Hoàng đế liền thắng ngựa và lớn tiếng bảo cụ già:
- Chắc hẳn là ngươi không mong đợi được ăn trái của cây ngươi đang trồng hôm nay chứ!
Cụ già thản nhiên đáp:
- Hạ thần không bao giờ thất vọng về điều đó; bao lâu hạ thần còn được Thượng Đế ban cho sinh lực, bấy lâu vẫn tiếp tục hy vọng và chu toàn bổn phận của hạ thần.
Hoàng đế tò mò hỏi thêm:
-Thế ngươi năm nay bao nhiêu tuổi?
Cụ già đáp:
-Tâu Hoàng Thượng, năm nay hạ thần vừa tròn một trăm tuổi, biết đâu Thượng Đế còn cho hạ thần sống thêm một ít năm nữa để hưởng dùng trái cây này. Dù sao, mỗi khi trồng cây, hạ thần không làm gì hơn là tiếp tục công trình sáng tạo của Thượng Đế, Đấng đã truyền cho trái đất trổ sinh hoa trái phong phú.
Thán phục lòng tin của cụ già chất phác đơn thành, hoàng đế nói tiếp:
- Nếu ngươi còn thọ tới ngày cây vả này trổ hoa kết trái, ngươi hãy cho ta biết.
Ít năm sau, quả thực cây vả đã bắt đầu nở hoa, rồi kết trái đầy cành. Đợi tới ngày trái vả chín ngọt, cụ già hái đầy một giỏ, rồi lên đường tới đền vua. Tới cổng, lính canh từ chối không cho cụ già nghèo hèn vào chầu, nhưng cụ già nài nỉ phân trần đầu đuôi câu chuyện, và rồi vì kính nể tuổi già tóc bạc, sau cùng mấy anh lính tháp tùng cụ già vào triều yết vua. Cụ già khiêm tốn cúi mình trước ngai vua và nói:
- Tâu Hoàng Thượng, hạ thần là ông già khom lưng trồng cây bên bìa rừng mà Hoàng Thượng đã gặp mấy năm trước đây. Hôm nay, hạ thần xin kính dâng Hoàng Thượng những trái chín ngọt đầu mùa của cây vả mà hạ thần đã trồng hồi năm ấy.
Nhà vua vui mừng nhận ra cụ già và rất hài lòng với món quà cụ kính dâng, nhất là với lòng trung tín và sự cần cù của cụ. Ngài vui vẻ đổi lại cho cụ già cái giỏ đầy những đồng tiền vàng và nói:
- Hỡi người trung tín và đáng kính phục, hãy trở về nhà bình an và tiếp tục cộng tác với Thượng Đế toàn năng trong cuộc sáng tạo của Người.
THỨ NĂM
Lời Chúa: Ga 5, 31-47
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật.
Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian.
Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?"
TRUYỆN KỂ
1. Để Lời Chúa tra vấn
Ngày nọ, có một nhóm người nghĩ là “Thiên Chúa đã chết” nên họ muốn cử hành lễ nghi an táng cho Người.
Họ nhờ bác phu già trông coi nghĩa trang đào sẵn cho họ một cái huyệt. Hiện diện trong buổi lễ, ngoài bác phu già, còn tất cả đều là những vị thuộc giai cấp tri thức trong xã hội: triết gia, giáo sư, văn sĩ, kỹ sư v.v…
Khi người chủ trì cất tiếng khai mạc lễ nghi an táng thì bác phu già kêu lên:
- Không thể được, vì quan tài chưa đến.
- Thiên Chúa vô hình thì cần gì đến quan tài để tẩn liệm.
Một vài người chạy lại kéo ông ra xa, nhưng vừa vùng vẫy ông vừa la lớn:
- Không, Thiên Chúa không chết! Thỉnh thoảng khi không ngủ được tôi vẫn hay ra đây ngồi và nghe tiếng tim Ngài đập. Nếu không tin, tối nay quí vị hãy tụ họp lại đây, quí vị sẽ thấy.
Động tính hiếu kỳ, họ bỏ dở buổi lễ và hẹn nhau ban tối sẽ quay trở lại. Tối hôm ấy, tiếng ồn ào bên ngoài vọng lại khiến cho họ không thể phân biệt đâu là tiếng đập của quả tim Thiên Chúa đâu là tiếng của những thứ khác. Sau đó họ dời điểm tụ họp đến một vùng quê. Thế nhưng, vắng tiếng động của thành phố thì lại có tiếng của côn trùng. Sau cùng, họ quyết định gặp lại nhau một đêm khác trong sa mạc. Giữa bầu khí tĩnh mịch của sa mạc về đêm, mọi người đều cảm thấy mình được cất khỏi những gánh nặng lo toan, cũng không bị chi phối bởi một tiếng động nào.
Trở về với cõi lòng, họ chăm chú lắng nghe. Tâm hồn họ như hòa nhập với không trung bát ngát. Ngồi thinh lặng nhưng họ cảm thấy gần nhau. Bỗng một người la to:
-Tôi đã nghe thấy!
Và, nhiều người khác phụ họa:
- Có, tôi cũng đã nghe.
Một người khác nữa phân tích:
- Âm thanh của nó giống như âm thanh của mỗi lần tôi cố gắng trở nên hoàn thiện.
Họ đã tin lời nói của bác phu già, và nhất là đã tìm lại được niềm tin nơi Thiên Chúa.
2. Tin vào Con của Người
Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác.
Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện:
“Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm.”
Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp. Tò mò, một người hỏi:
“Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt trăng ra sao?”
“Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp tục tỏa sáng.”
3. Nghe cho biết và vâng theo ý Chúa Cha
Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh ta một la bàn. Dù vậy anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh ta có mang theo la bàn không. Anh bảo có.
-Tại sao anh không dùng nó?
-Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam. Nhưng không được. Nó luôn lắc qua và chỉ hướng Bắc.
Nhiều người mong Thánh kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh kinh muốn họ đi.
4. Biết tìm ý Chúa hơn ý mình
Có lần nhà văn Mart Twain nói: “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu.”
Muốn đọc Sách thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho Lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.
5. Đọc Thánh Kinh với trái tim
Tại một làng thuộc vùng Lorraine, miền Đông Bắc nước Pháp, có một nông dân không có niềm tin, một hôm gặp ông thầy giáo làng đang đi dạo mát, ông ta tiến lại trước mặt ông thầy này và gây sự bằng một giọng đầy khiêu khích:
- Hôm qua, thầy đã dạy cho bọn trẻ trong làng những điều hay quá: “Nếu ai đánh ngươi má bên mặt, thì hãy chìa luôn cả má trái cho nó”(Mt 5,39).
- Lời đó đâu phải là do tôi - Thầy giáo đáp - đó là điều Chúa nói trong Tin Mừng chứ!
Thầy giáo vừa dứt lời thì người nông dân kia bất ngờ tát cho thầy hai cái, vì từ lâu anh đã có nhiều điều tức khí với thầy giáo làng.
Cách đó không xa, ông chủ tịch xã đang đi với nhân viên, nhìn thấy cảnh đó, liền nói với một anh nhân viên:
- Joseph, anh lại đó xem, hai người đang tranh chấp với nhau chuyện gì vậy?
Lúc Joseph vừa đến gần hai người, thì cũng chính là lúc thầy giáo làng giơ tay giáng trả hai cái tát nẩy lửa vào mặt người nông dân, kèm theo lời trích dẫn của Kinh Thánh:
“Cũng có lời chép: Ngươi lấy đấu nào mà đong cho anh em, thì cũng sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Một đấu được lắc, được dằn sẽ đổ xuống trên lưng ngươi.” (Lc 6,38).
Joseph vội vàng trở lại báo cho ông chủ tịch:
- Thưa ông, chẳng có chuyện gì đáng kể. Họ đang tranh nhau chú giải Kinh Thánh!
Vâng, nếu chúng ta đọc Kinh Thánh với một tà ý thì Kinh Thánh sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta đọc với một sự thành tâm thì Lời Chúa sẽ trở thành luơng thực, thành ánh sáng cho cuộc đời của ta.
6. Con có muốn theo Ta không? Một tu sĩ hằng cầu nguyện thiết tha đêm ngày với Chúa: “Lạy Chúa, con chỉ ước được nhìn thấy Chúa”, mãi lâu sau Chúa mới chiều ý thầy: Thầy tận mắt nhìn thấy Ngài vô cùng sáng láng vinh hiển, đang lúc thầy ngây ngất chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa, Chúa lên tiếng hỏi:
- - Con có muốn theo Cha không?
-
- - Dạ nếu được, thì còn gì sung sướng hơn.
-
Thầy theo Chúa đi một quãng xa, Ngài nói:
- - Cha khát nước quá, con kiếm đâu được nước?
-
- - Dạ con đi ngay.
-
Sau một ngày thầy đi tìm nước mà chưa thấy dòng suối nào hay con sông nào, nhưng thầy vẫn kiên nhẫn, ba ngày sau thầy gặp được một dòng nước trong vắt, thầy vui mừng múc nước vào bình để đưa về hầu Chúa. Đang lúc đó, một thiếu nữ rất xinh đẹp trong vùng cùng tới chỗ thầy để lấy nước, nàng bị trượt chân té, thầy vội đỡ nàng dậy và hai người bắt chuyện…. lát sau cô nàng mời thầy về nhà dùng bữa, thầy quá sung sướng nên ngỏ lời với cha mẹ cô xin cưới cô làm vợ. Ba năm sau, có dịp thầy đưa vợ con đi dạo, gặp thấy Chúa Giêsu đang ngồi bên vệ đường chờ thầy cho uống nước, thấy thế ông hối hận đến xin lỗi Chúa. Chúa trả lời:
- - Cha đã chờ con quá lâu, tưởng chết khát, may có người lạc đạo xứ Samari đưa nước cho Cha uống (x Ga 4). Còn con, con đã kiếm được vợ đẹp hấp dẫn hơn Cha, thì con cứ trung thành với người con yêu cho đến chết!
THỨ SÁU
Lời Chúa: Ga 7, 1-2. 10. 25-30
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu.”
Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta.” Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
TRUYỆN KỂ
1. Âm mưu giết Chúa
Ma quỉ luôn muốn thống trị thế giới. Nó khuất phục kẻ ác để tăng thêm quân số. Và tiêu diệt người lành để giảm bớt chướng ngại.
Lý do đầu tiên là kẻ lành cản trở kẻ dữ làm điều ác: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.”
Lý do thứ hai là vì đời sống của kẻ lành phê phán lối sống của kẻ dữ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,…lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.”
Lý do thứ ba là vì người lành thuộc về Thiên Chúa. Còn kẻ ác thuộc về ma quỉ. “Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.”
Lý do thứ tư là vì muốn thử thách xem người lành có thật hiền lành không. “Ta hãy hạ nhục và tra tấn no, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.”
Nhiều phe nhóm toa rập với nhau để giết chết Chúa Giê-su. Tuy nhiên đó lại là ý định của Thiên Chúa. Chúa Giê-su tự nộp mình chịu chết để chuộc tội nhân loại. Vào âm phủ để chiến thắng tử thần. Chết đi để tiêu diệt cái chết.
2. Ta bởi Ngài, chính Ngài sai Ta
Năm 1958, sau khi Đức Giáo hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ một nền văn học uyên thâm và đã để lại bao nhiêu công trình lớn lao cho hậu thế, và cho Giáo hội.
Cơ Mật Viện đã bầu Đức Giáo hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Giáo hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng mập mạp, quê mùa, chất phác. Người ta bảo, đây chỉ là vị Giáo hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm của ngài.
Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy đã thu hút mọi người. Và nhất là với Công đồng Vaticanô II mà ngài đã triệu tập, Giáo hoàng Gioan XXIII đã trở thành một “siêu sao” của thời đại, vượt trội hơn các vị tiền nhiệm của mình.
3. Aristide người công chính.
Aristide là một tướng lãnh và chính trị gia nổi tiếng thanh liêm tại Hy Lạp vào thế kỷ V trước công nguyên.
Ông thanh liêm đến nỗi cả nước đã tặng cho ông một danh hiệu cao quí là “Aristide người công chính.” Nhưng ông càng được nhiều người ca tụng thì lại càng bị nhiều người ganh tị chống đối. Ông bị tướng Ténistoles âm mưu muốn triệt hạ ông. Người ta muốn cho Aristide bị kết án và bị lưu đầy trong vòng 10 năm. Bản án đã được thi hành bằng một trò chơi dân chủ quái ác.
Theo thể thức biểu quyết thông thường của người Hy Lạp thời cổ, mỗi một người công dân được phát cho một vỏ sò trên đó họ sẽ viết lên ý kiến của mình. Trong trường hợp của tướng Aristide, ai đồng ý cho ông bị lưu đầy, thì viết tên ông lên vỏ sò, và người ta sẽ đem nộp vỏ sò ấy tại một nơi công cộng giữa phố chợ.
Có một thị dân nọ không biết viết, thấy Aristide đang đứng ở một góc phố và chưa một lần biết mặt ông là ai. Thấy ông, người thị dân này đến nhờ ông viết tên của người bị kết án lên vỏ sò. Aristide viết tên của mình lên vỏ sò theo yêu cầu của người lạ mặt. Ông trao vỏ sò lại cho thị dân và hỏi ông ta:
- Tại sao ông lại bỏ phiếu ủng hộ việc lưu đầy Aristide?
Người đàn ông mới trả lời như sau:
- Tại sao tôi bỏ phiếu ủng hộ việc lưu đầy ông ta ư? Bởi vì tôi không chịu nổi sự kiện ai cũng gọi ông ta là Người Công Chính, thế thôi!
4. Cái chết mang lại hoa trái
Sáng ngày 19 tháng 3 năm 1994, tại phòng thánh nhà thờ xứ Casandi Pinsepê, gần thành Napoli miền trung nước Italia, cha Giuse Daiana đã bị sát hại bởi hai phát súng do bọn bất lương Camara bắn thẳng vào mặt đang lúc ngài sửa soạn cử hành thánh lễ kính thánh Giuse bổn mạng.
Cha Daiana là một linh mục trẻ mới ba mươi sáu tuổi. Tuy bị các băng đảng bất lương đe dọa, cha vẫn hăng say với sứ mệnh tông đồ của cha. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1991, cùng với các cha xứ khác trong vùng Casatano cha đã ký tên gia nhập vào hội quyết tâm chống lại mọi hình thức tội phạm bất lương, nhất là bọn Camara, những kẻ dã man đang gây tang tóc khắp miền đó.
Trước cái chết của cha Daiana, trong bài giảng lễ an táng, Đức Cha Lorenso Chiaradinali - Giám mục giáo phận Avesa - đã tóm tắt sứ mệnh tông đồ của Cha như sau: "Đau khổ và tin tưởng. Một cái nhìn xuống đất nơi thân xác đẫm máu của cha an nghỉ và một cái nhìn hướng thẳng lên cao nơi có Đấng đã chết trên Thập Giá, nhưng đã chiến thắng hận thù và sự chết. Môi trường tông đồ của cha đầy khó khăn vì những hình thức vô luân đồi bại, những tổ chức bất lương và những sức mạnh dã man nấp sau bóng tối. Sứ mệnh tông đồ của cha là sứ mệnh bẻ gẫy xiềng xích của tội ác để xây dựng công bằng và tình thương. Hoạt động tông đồ của cha bắt đầu từ công tác giáo dục đức tin, nỗ lực sống chứng tá Kitô, bảo vệ quyền lợi của người tha hương, nâng đỡ tinh thần, an ủi các bệnh nhân, và nhất là huấn luyện tuổi trẻ qua các sinh hoạt hướng đạo.”
Tinh thần hăng say và lòng quả cảm của cha Daiana đã cống hiến cho giới trẻ một lý tưởng cao thượng. Ngài đã biết gieo niềm vui và hy vọng nơi tâm hồn các bệnh nhân, biết chinh phục thiện cảm của giới trẻ bằng nụ cười dễ mến. Ngài cũng có tài hướng dẫn tinh thần, làm thay đổi các tâm hồn tận thâm sâu.
Với cái chết thảm thương của cha Daiana, bạo lực đã chạm tới bàn thánh. Bàn thờ của người tín hữu được dựng lên để tưởng nhớ cái chết của Chúa Kitô, Đấng đã chấp nhận chết vì tình yêu nhân loại. Cái chết của một linh mục cũng tương tự như thế. Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II đã nói về cái chết của cha Daiana như sau: "Như người công chính bị ngã gục, như tiếng kêu hùng hồn của lời tố cáo tội ác đã bị im bặt, như ngọn đèn sáng đã tắt lịm đi.”
Cha Daiana đã chết nhưng cái chết của cha đã không vô ích hay uổng phí. Ngài đã ngã xuống và được chôn vùi trong lòng đất. Thân xác của ngài chẳng khác gì hạt giống được mục nát đi để đem lại một mùa gặt phong phú hơn, mùa gặt của công lý, của an bình và của tình thương. Thật vậy, mấy hôm trước khi bị ám sát, khi trả lời cho một hướng đạo sinh đến để bày tỏ cho ngài biết về nguyện vọng muốn được theo đuổi ơn gọi linh mục, cha Daiana đã nói với anh: "Nếu thực sự con muốn trở thành linh mục, con phải luôn nhớ rằng, con sẽ phải trả giá rất đắt, nếu không thì con nên gột bỏ ước nguyện đó đi"
Và sau đó, khi đứng trước thi hài cha Daiana, cậu hướng đạo sinh ấy đã thành thật nói: "Nếu trước kia tôi còn do dự nghi ngờ thì giờ đây trước sự việc vừa xảy ra hôm nay và trước cái chết của cha Daiana tôi đã có một xác tín mới: Tôi phải trở thành linh mục.”
5. Ai nói thật không biết đến sợ hãi
Trong một xứ Đạo nọ, có thằng Tèo bản tính thích chọc ghẹo người khác lấy làm đắc thắng. Lần kia, nó thấy một bà đi chợ về ngang qua Nhà Thờ, bà có thói quen ghé vào viếng Chúa và cầu khẩn trước tượng Đức Mẹ. Tèo thấy bà chăm chú cầu nguyện, nó cũng rón rén bước vào đứng đằng sau mà bà không hay biết, đang lúc bà lẩm bẩm cầu xin khấn vái. Tèo lớn tiếng gọi giật:
- Bà kìa, bà kìa, nhìn đi, Đức Mẹ đang cười với bà đó. Đó, đó…
Bà kia quay lại hỏi:
- Đâu cậu?
- Đó đó, bà nhìn kìa, Đức Mẹ đang cười đó, ô bà thật là người có phúc.
Bà kia gật đầu:
- Ờ ờ, đúng rồi, đúng rồi, con cám ơn Mẹ.
Thế là bà chạy về loan báo tin vui ấy cho cả xứ biết, mọi người ùn ùn kéo nhau đến Nhà Thờ để được chứng kiến phép lạ! Cha Sở thấy người ta kéo đến Nhà Thờ quá đông, ngài tìm hiểu, và biết được chính thằng Tèo loan báo tin đó đầu tiên. Ngài gọi Tèo đến và tra hỏi:
- Đức Mẹ cười con nhìn thấy trước hay bà kia?
- Thưa, cả hai người cùng thấy.
Cha Sở cho gọi người đàn bà đó vào và hỏi:
- Bà thấy phép lạ trước hay thằng Tèo?
- Dạ thưa cha, thằng Tèo thấy trước nó bảo con.
Thế là cha Sở hiểu ngay rằng thằng Tèo vẫn bày trò chọc ghẹo người ta, nên ngài nói với Tèo:
- Bây giờ con theo cha vào Nhà Thờ, cha để cuốn Sách Thánh trên bàn thờ, trước mặt Chúa, có cha chứng kiến, con phải đặt tay trên Sách Thánh thề điều con đã chứng kiến là sự thật. Nếu con thề gian, Chúa sẽ phạt con chết gục ngay dưới bàn thờ!
Tèo tái mặt phải theo cha Sở ra Nhà Thờ, sau khi ngài mặc áo Các Phép, đặt cuốn Sách Thánh lên bàn thờ và đốt nến đặt hai bên, rồi ngài nói:
- Bây giờ con đặt tay lên và thề.
Tèo run rẩy thưa:
- Dạ con xin lỗi cha Sở, con nói xạo để chọc bà cụ đó thôi!
Quả thật, kẻ sợ chết là đứa nói láo!
Vậy chỉ có ai nói sự thật mà chấp nhận chết, người đó mới thực giống Chúa Giêsu Thập Giá.
THỨ BẢY
A
TRUYỆN KỂ
A