20:00 EDT Thứ sáu, 22/09/2023

Trang nhất » Chuyên mục » Suy niệm Lời Chúa

Lời Chúa tuần 5 mùa chay _ gia vị cho bài giảng

Thứ sáu - 24/03/2023 22:49
LỜI CHÚA TUẦN 5 MÙA CHAY
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT - Năm ANăm BNăm C

NGÀY THƯỜNG – Thứ Hai - Thứ Ba - Thứ Tư - Thứ Năm - Thứ Sáu -Thứ Bảy


CNMC 5A


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
 
Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh) Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt.” Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển.”
 
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa.” Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng.” Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông.” Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại.” Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông.” Lúc đó Tôma, cũng có tên là Điđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người.”
 
Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm) Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy.” Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại.” Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại.” Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.”
 
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em.” Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết.” Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Đã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem.” Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra.” Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày.” Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con.” Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi.”
 
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người. Đó là lời Chúa.
 
___________________
 
Hoặc đọc bài ngắn này: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45
 
Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt.” Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển.”
 
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa.”
 
Đến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy.” Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại.” Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại.” Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian.”
 
Người xúc động và hỏi: "Đã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem.” Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.
 
Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra.” Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày.” Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con.” Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi.”
 
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người. Đó là lời Chúa.
 
TRUYỆN KỂ
 
1. Mở cửa mộ
 
Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.
 
Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.
 
Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.
 
Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lagiarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.
 
2. Chúa mang đến điều cao trọng nhất
 
Chị ấy tuổi gần bốn mươi, có 5 người con, cháu lớn ở độ tuổi 15, gia đình được xếp vào hàng khá giả trong làng. Không may, chị bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Có lần một cụ già hàng xóm đến thăm, bất ngờ chị nắm chặt tay vị khách cao tuổi và nói trong nghẹn ngào: “Cụ đổi sự sống cho con, cụ muốn bao nhiêu tiền-vàng, con cũng sẵn sàng.”
 
Thế mới biết sự sống quí giá là chừng nào! Có tiền muôn bạc vạn cũng chẳng kéo dài cuộc sống thêm được vài giây đồng hồ, chẳng thế mà cổ nhân đã nói: “Mạng sống hơn đống vàng.” Điều mà tiền bạc không mua được thì những ai tin vào Đức Giêsu sẽ được Người ban cho: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11, 24-26)
 
3. Lazarô đang ngủ
 
Nhà văn Pháp Charles Perrault đã viết cuốn “Truyện Thần Tiên” (Contes de Fées) rất nổi tiếng. Trong cuốn sách ấy có câu chuyện sau đây:
 
Ngày xưa, có nàng công chúa xinh đẹp mắc phải lời nguyền của một bà tiên độc ác: ngày nào nàng bị mũi kim quay sợi đâm vào tay, ngày ấy nàng sẽ chết. Nhưng một bà tiên nhân hậu kia vì thương nàng công chúa, đã hóa giải lời nguyền ấy, để nàng không phải chết mà chỉ ngủ một giấc ngủ trăm năm, cho đến khi có một hoàng tử đến đánh thức nàng dậy.
 
Vua cha liền ra lệnh cấm dân trong nước không được quay sợi, để tránh cho công chúa khỏi chết. Nhưng trớ trêu thay, một hôm công chúa đi thăm một tòa lâu đài cổ. Tại đây có một bà cụ già đang ngồi quay sợi. Vì già nua, lại không đi đến đâu, nên không biết lệnh cấm của nhà vua. Vì tò mò, công chúa thử quay sợi, không may mũi kim đâm vào tay, nàng liền ngã xuống đất và chìm vào giấc ngủ mê man. Công chúa được đặt vào một căn phòng lộng lẫy trong tòa lâu đài. Rồi mọi sự chìm trong quên lãng…
 
Một trăm năm sau, có vị hoàng tử đi săn ngang qua tòa lâu đài. Nghe biết câu chuyện về nàng công chúa đang ngủ, chàng đã vào lâu đài, cầm tay công chúa để đánh thức nàng dậy. Sau đó, hai người đã kết duyên và sống bên nhau thật hạnh phúc.
 
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, khi nghe tin Lazarô, em của cô Matta và Maria, đang đau nặng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Lazarô đang ngủ, chúng ta đi đánh thức anh dậy.” Thật ra, Lazarô đã chết và Chúa muốn ám chỉ cái chết giống như một “giấc ngủ” mà chính Ngài là người đi “đánh thức” kẻ chết sống lại.
 
4. Chúa gọi Lazaro
 
Ngày kia, có bác nông dân từ thôn quê lên thăm người bạn ở thành phố. Người bạn dẫn bác nông dân đi dạo phố. Đang đi, bỗng bác nông dân dừng lại, lắng tai nghe rồi nói với bạn: “Anh có nghe gì không? Có tiếng chim hót đâu đây!” Người bạn phì cười nói với bác nông dân: “Giữa phố phường ồn ào như vậy, làm sao anh nghe được tiếng chim hót?”
 
Nhưng bác nông dân vẫn quyết tâm tìm cho ra tiếng chim hót từ đâu. Cuối cùng, bác đã dẫn người bạn đến ngôi nhà có bụi kiểng trước cửa và chỉ cho bạn thấy một chú chim nhỏ đang hót trong bụi cây. Người bạn rất phục bác nông dân thính tai. Nhưng bác ta nói: “Không phải tôi thính tai, nhưng vì tôi quen nghe và thích nghe tiếng chim hót nơi đồng quê. Còn các anh thì quen nghe và thích nghe những tiếng động khác.”
 
Để chứng tỏ điều ấy, bác nông dân lấy ra một đồng xu và ném xuống mặt đường. Tiếng leng keng của đồng xu đã khiến cho nhiều người đi đường quay lại nhìn.
 
Cúi xuống lượm đồng tiền lên, bác nông dân nói: “Giữa tiếng ồn ào của đường phố, các anh vẫn nghe thấy tiếng đồng xu, vì các anh quen nghe và thích nghe tiếng động của đồng tiền.”
 
5. Sự sống siêu nhiên
 
Thời Pháp thuộc, có ông Tổng thanh tra giáo dục Đông Dương đi săn ở Di Linh. Khi đó Di Linh còn là một khu rừng lớn với nhiều thú rừng như cọp, nai, chồn, mễn… và một ít người thuộc sắc tộc K'Ho.
 
Ông đến gần làng cùi Di Linh do cha Cassaigne (Sanh) thành lập mà không biết. Nghe tiếng súng săn nổ, cha Sanh chạy ra gặp ông tổng thanh tra, và cho ông biết là không ai được lai vãng tại khu vực này. Ông thanh tra rất khó chịu: “Ông lấy quyền nào mà ngăn cấm chúng tôi?” Nghe thế, cha Sanh dẫn ông đến làng cùi do ngài coi sóc.
 
Vị tổng thanh tra đó vốn có ác cảm với đạo. Tuy được rửa tội ngày còn nhỏ nhưng ông đã bỏ đạo từ lâu. Vừa thấy những người cùi, ông ghê sợ bỏ đi, nhưng trong cơn giận ông đã nói cho cha Sanh biết là ông có quyền giải tán làng cùi đó.
 
Mấy tuần lễ sau, cha Sanh đột nhiên nhận được một bưu kiện lớn với nhiều thuốc men và dụng cụ y tế, kèm theo một lá thư ký tên vị tổng thanh tra: “Tôi tặng cha món quà này để trả lời cho câu hỏi mà những người cùi Di Linh này luôn đặt ra trong tâm trí tôi.”
 
Bốn năm sau, ông qua đời tại Nam Vang. Trước đó, ông đã gửi một bức điện cho cha Sanh (lúc đó ngài làm giám mục Sài Gòn) để xin gặp. Khi nhận được bức điện, dù lúc đó đã 10 giờ tối, Đức Cha Sanh cũng lên xe đi thẳng một mạch qua Nam Vang. Tại đó, ngài đã giải tội và ban các phép sau hết cho ông trước khi từ giã cuộc đời.
 
Câu hỏi mà những người cùi Di Linh luôn đặt ra trong tâm trí ông không chỉ là câu hỏi về những vui buồn, sướng khổ của đời thường, mà là câu hỏi về sự sống siêu nhiên, một sự sống vượt trên cuộc sống bình thường này, một sự sống mà ai cũng thấy là cao quý vì cái giá hy sinh mà cha Sanh và các nữ tu đã bỏ ra vì nó.
 
6. Mở cửa mồ
 
Niềm tin bắt đầu cho một sự sống vượt qua mọi cái chết. Sự sống đó là điều Mẹ Têrêxa tìm kiếm khi dành cả cuộc đời chăm sóc cho những thân phận bất hạnh.
 
Đối với Mẹ Têrêxa, “Sự nghèo khó cùng cực của nhân loại là không biết Đức Kitô… Người ta đói Thiên Chúa, người ta đói tình yêu. Chúng ta có nhận thức về điều này không? Chúng ta có biết, có thấy, có mắt để nhìn đến điều này không? Chúng ta thường nhìn chằm chằm mà không dừng lại ở một điều gì cả… Dường như chúng ta hiện diện ở đây không để làm gì hơn là trôi qua thế giới này. Chúng ta phải mở mắt chúng ta ra, hãy mở mắt chúng ta ra và hãy nhìn.”
 
Sự sống thần linh là điều thánh Phaolô quan tâm: “Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em.” (Rm 3,8-9)
 
Vâng, cuộc sống của tôi là gì nếu mọi ngày suốt đời tôi chỉ là tìm kiếm những điều sẽ phải chôn lấp dưới đáy huyệt thời gian?!
 
Chúa phán: “Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi.”
 
7. Phục sinh
 
Trong kho tàng thơ của đại thi hào Virgil, có lời kể về một vị vua cổ đại, người đã dùng hình phạt một cách tàn ác bất thường theo cách ông ta thường xích một người chết vào một tên tội phạm còn sống. Người khốn khổ đáng thương không thể tách mình ra khỏi gánh nặng ghê tởm của mình. Cái xác bị trói chặt vào người anh ta, tay của nó với tay anh; mặt nó đối mặt với anh ta; toàn bộ cơ thể của người chết với cơ thể sống của anh.
 
Sau đó, anh ta bị đưa vào ngục tối để chết ngạt bởi khí thải hôi thối của xác chết bị phân hủy. Nhiều người cho rằng chính vì điều này mà Phaolô đã kêu lên: “Khốn nạn cho tôi!”
 
* Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta quay lưng lại với tội lỗi và đến với Bí tích Hòa giải để phục hồi Sự Sống của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được hưởng sự phục sinh vinh hiển mà Chúa Giêsu đã hứa với các tín hữu tại mộ Lazarô .
 
8. Không sợ chết
 
Lee Trevino đang ngồi dưới gốc cây khi bị sét đánh. Anh nhớ lại: “Nó trói chặt tay và chân tôi, giật tôi khỏi mặt đất, và giết chết tôi. Tôi biết mình đã chết. Không đau đớn. Mọi thứ chuyển sang một màu cam nhẹ nhàng và ấm áp.
 
“Tôi thấy hình ảnh mẹ tôi đã chết nhiều năm trước. Tôi nhìn thấy những người khác từ cuộc sống quá khứ của tôi. Như là một bộ phim thời sự đang diễn ra – cuộc sống của tôi trôi qua trước mắt tôi. Nhưng nó thật dễ chịu, thật tuyệt vời, tôi cảm thấy lâng lâng. Tôi nghĩ, cậu bé này chết thật vui! Đó là khi tôi tỉnh dậy trong bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng và đau đớn, tôi biết mình đã sống lại vì một lý do nào đó.”
 
Cuộc sống vĩnh cửu có nghĩa là chúng ta không phải sống trong sợ hãi trước cái chết.
 
Lee Trevino đã nói sau trải nghiệm của mình, “Không có lý do gì phải sợ chết.” [Willie: Tự truyện. Willie Nelson with Bud Shrake. (New York: Simon & Schuster, 1988), trang 218-219.]
 
9. Hiến máu
 
Một cậu bé được yêu cầu truyền máu cho người anh bị thương của mình vì cậu bé có cùng nhóm máu hiếm. Biết rằng anh mình sẽ chết nếu không có loại máu này, cậu đã đồng ý. Khi truyền máu xong, người hiến máu trẻ tuổi hỏi bác sĩ: “Vậy khi nào cháu sẽ chết?”
 
Chúng ta cảm động trước lòng dũng cảm ngây thơ của một em bé hiến máu mình cho người anh vì nghĩ rằng mình sẽ phải trả giá bằng mạng sống. Tuy nhiên, Chúa chúng ta biết chắc rằng máu cần thiết để cứu nhân loại là sự hiến máu hoàn toàn. Để cho Lazarô và chúng ta được sự sống đời đời, Chúa Giêsu đã phải đổ máu đến chết vì chúng ta theo đúng nghĩa đen.
 
Để ban sự sống cho chúng ta, Người phải hy sinh mạng sống vì chúng ta.
 
10. Đang di chuyển
 
Tôi nhớ đến câu chuyện về ba người bạn đều thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô và họ ngay lập tức được lên thiên đàng. Tất cả họ đều được đặt câu hỏi: “Khi bạn nằm trong quan tài, bạn bè và gia đình rất thương tiếc bạn, bạn muốn nghe họ nói gì trong đám tang của mình?”
 
Chàng thứ nhất nói: “Tôi muốn nghe họ nói: ‘Anh ấy là một bác sĩ tài giỏi và một người đàn ông tuyệt vời của gia đình.’” Chàng thứ hai nói: “Tôi rất muốn nghe họ nói: ‘Anh ấy là một người chồng tuyệt vời, một giáo viên tốt của trường và đã tạo ra sự khác biệt to lớn cho con cái chúng ta trong tương lai.’”
 
Người cuối cùng nói: “Tôi muốn nghe họ nói: ‘Hãy nhìn xem, anh ấy đang di chuyển!’”
 
* Lazarô đang di chuyển, bởi vì Lazarô đã được sống lại một lần nữa.
 
11. Trên thiên đàng
 
John và Jim là những cầu thủ chuyên nghiệp của câu lạc bộ Atlanta Braves, những người đã sống và hít thở bóng chày. Những người này thở, thảo luận, ăn và ngủ với bóng chày.
 
Một trong những mối quan tâm lớn của họ là liệu có bóng chày trên thiên đàng hay không. Họ yêu bóng chày đến nỗi họ không chắc mình có muốn sống vĩnh viễn trên thiên đàng trừ khi họ có thể chơi bóng chày ở đó. Họ đã thỏa thuận với nhau rằng, nếu một người chết trước sẽ gửi một tin nhắn trở lại trái đất, cho người kia biết liệu có bóng chày ở trên thiên đàng hay không.
 
Vâng, điều này đã xảy ra. John chết, và Jim rất đau buồn. Anh ấy ưu sầu trong nhiều ngày – vô cùng đau buồn trước cái chết của người bạn John. Khoảng hai tuần trôi qua, và rồi chuyện đã xảy ra. Jim bị đánh thức vào lúc nửa đêm bởi tiếng gọi tên mình: “Jim, Jim, Jim, dậy đi! Đây là John.”
 
“John, anh đang ở đâu?”
 
“Tôi đang ở thiên đàng – và tôi có một số tin tốt và tin xấu. Thật thú vị, Jim. Chúng ta có bóng chày trên thiên đàng. Thật tuyệt vời. Chúng ta có thể chơi hàng ngày và có những đội tuyệt vời, và sự cạnh tranh gay gắt, thú vị.”
 
“Thật tuyệt,” Jim nói. “Nhưng tin xấu là gì?”
 
John nói: “Chà, bạn được sắp đặt để chơi vào thứ ba tới.”
 
12. Được mở ra
 
Robert McAfee Brown là một cha tuyên úy trong Thế chiến II. Ngài đang ở trên một con tàu chở quân với 1500 lính thủy đánh bộ trên đường trở về quê hương sau khi phục vụ tại Nhật Bản. Trước sự ngạc nhiên của ngài, một nhóm người lính đã đến gặp ngài và yêu cầu ngài hướng dẫn một lớp học hỏi Kinh Thánh trong chuyến hải trình.
 
Một ngày nọ, sau khi cả nhóm nghiên cứu đoạn văn nói về việc Lazarô sống lại, một người lính đã đến gặp cha Brown và nói: “Câu chuyện đó kể về tôi!” Chàng trai trẻ đã gặp rất nhiều rắc rối trước khi nhập ngũ. Anh không thể chịu được ý nghĩ phải đối mặt với gia đình mình.
 
Câu chuyện về Lazarô đã cho anh hy vọng và can đảm để đối mặt với những hậu quả khi anh trở lại quê nhà. Anh đã được “mở ra, cởi trói.” [William Barclay, The Gospel of John, Revised Edition (Philadelphia: The Westminster Press, 1975), tr. 102-103.]
 
* Đó là những gì Chúa Kitô làm cho chúng ta. Người ban cho chúng ta sức mạnh để bắt đầu lại, để sống lại. Người bảo Lazarô: “Hỡi Lazarô, hãy ra đây!” Rồi nói với những người có mặt: “Hãy cởi bỏ khăn liệm và để anh ta đi.”
 
13. Chúa gõ cửa
 
Có một cô y tá, trước khi nghe nhịp tim của trẻ em, đã cắm ống nghe vào tai chúng và để chúng tự nghe nhịp tim của mình. Một ngày nọ, cô nhét ống nghe vào tai một cậu bé mười tuổi. Sau đó, cô đặt mặt đĩa lên trái tim cậu. Cô ấy nói: “Nghe này, cháu nghĩ đó là gì?” Thình thịch, thịch, thịch.
 
Cậu nhíu mày khó hiểu và nhìn lên như thể lạc vào điều bí ẩn của tiếng gõ đều đều lạ lùng sâu trong lồng ngực mình. Sau đó, khuôn mặt của cậu ta nở một nụ cười tuyệt vời. Cậu hỏi: “Đó có phải là Chúa Giêsu đang gõ cửa không?”
 
* Chà, có lẽ vậy. Có thể hôm nay Chúa Giêsu đang gõ cửa lòng bạn. Có thể Chúa Giêsu đang ra lệnh mở cánh cửa ngôi mộ của bạn. “Lazarô, hãy ra đây!”
 
14. Chuyện ma
 
Có bài viết về một vị thẩm phán ở Nam Tư bị điện giật khi với tay lên bật công tắc đèn khi đang đứng trong bồn tắm. Ông ta bị cứng đờ và rơi ra khỏi bồn tắm. Vợ ông gọi cho bác sĩ, người tuyên bố ông đã chết.
 
Theo quy định về sức khỏe của chính phủ, thi thể của thẩm phán ngay lập tức được đặt trong một căn hầm bên dưới một nhà nguyện tại nghĩa trang. Nửa đêm thẩm phán tỉnh lại. Ông không biết mình đang ở đâu hay chuyện gì đã xảy ra. Khi ông thực sự nhận ra mình đang ở đâu, ông chạy đến cánh cửa hầm đã đóng và bắt đầu lắc nó và hét lên để được giúp đỡ. Người bảo vệ ở đó đã vô cùng sợ hãi và bỏ chạy.
 
May mắn thay, người bảo vệ đã được giúp đỡ, đã quay lại, mở cửa cho thẩm phán mới được hồi sinh. Thẩm phán gọi điện cho vợ ông rằng ông sẽ về nhà. Chị ta hét lên và cúp điện thoại.
 
Tiếp theo, ông ta cố gắng đến nhà của một số người bạn. Họ nhìn qua ông một cái, tưởng ông là ma và đóng sầm cửa trước mặt ông. Cuối cùng, ông tìm được một người bạn chưa từng nghe tin ông đã chết. Ông thuyết phục người bạn đó làm trung gian. Dần dần, vị thẩm phán đã có thể thuyết phục bạn bè và gia đình rằng ông thực sự còn sống!
 
* Anh Lazarô từ Tin Mừng Gioan có thể cũng giống với vị thẩm phán đó.
 
15. Lái xe tang
 
Một ngày nọ có một anh chàng đi trong một chiếc taxi. Anh ta là người mới đến thành phố và muốn tìm một địa điểm ăn uống ngon, vì vậy anh ấy cúi người về phía trước, vỗ vào vai người lái xe và nói: “Này, Buddy.” Người lái xe hét lên một tiếng thất kinh và mất kiểm soát chiếc taxi. Anh ta suýt đâm vào một chiếc xe buýt, lao vào lề đường và dừng lại chỉ vài mét trước khi lao qua một cửa kính lớn và đâm vào một nhà hàng đông đúc.
 
Trong vài phút, có một sự im lặng chết người trong xe taxi. Tất cả những gì bạn có thể nghe thấy là hai trái tim đang đập như tiếng trống bass dồn dập trong một cuộc diễu hành nhanh. Tài xế cuối cùng cũng quay lại và nói: “Anh bạn, anh làm tôi sợ chết khiếp.”
 
Người hành khách mặt vẫn còn trắng như tờ giấy và dương đôi mắt to nói: “Tôi xin lỗi, tôi không biết rằng việc vỗ vào vai bạn sẽ khiến bạn sợ hãi đến vậy.”
 
Người lái xe nói: “Chà, đó không phải là lỗi của bạn. Đây là ngày đầu tiên tôi lái xe taxi. Bởi vì trong 25 năm qua, tôi chỉ lái một chiếc xe tang.” (Patricia Ridpath, Tiếng cười là liều thuốc tốt nhất, Reader’s Digest).
 
* Chỉ cần hỏi cô Maria hoặc đám đông. Nếu tôi đang tập trung vào điều gì đó thì không khó để làm tôi giật mình. Nói rằng Maria, Martha, các môn đệ và những người đưa tang tập trung tại mộ Lazarô đã sửng sốt, là nói quá nhẹ.
 
15. Carpe diem
 
Trong bộ phim Dead Poets’ Society, Robin Williams đóng vai John Keating, một giáo viên trong một trường tư thục nghiêm khắc và uy tín có tài biến đổi học sinh. Vào ngày đầu tiên của lớp văn học, Keating đưa học sinh của mình xuống sảnh trường, nơi có hộp đựng các huy chương trưng bày những hình ảnh của các lớp tốt nghiệp trước đó.
 
Keating nói: “Hãy nhìn vào những bức ảnh này, các chàng trai. Những chàng trai trẻ mà bạn nhìn thấy cũng có ngọn lửa trong mắt họ giống như bạn hôm nay vậy. Họ đã lên kế hoạch chiếm lĩnh thế giới bằng sự cuồng nhiệt và tạo nên điều gì đó tuyệt vời cho cuộc sống của họ.
 
“Đó là hơn 70 năm trước. Bây giờ tất cả họ đang bón phân cho hoa cúc. Nếu bạn chịu lắng nghe, họ có một thông điệp dành cho bạn.”
 
Khi các sinh viên nhìn chằm chằm vào những bức ảnh của lớp, Keating bắt đầu thì thầm: “Carpe Diem, Carpe Diem” (tiếng La tinh: hãy nắm bắt cơ hội, hãy nắm bắt cơ hội.)
 
* Cuộc sống là một hồng ân ở đây và bây giờ. Hãy tận hưởng nó như ý Chúa muốn và luôn sẵn sàng chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Ngài.
 
16. Hồng ân sự sống
 
Đôi khi phải mất một khoảnh khắc đau thương để đánh thức chúng ta về hồng ân sự sống. Jane Marie Thibault là giáo sư về Y học Gia đình và Cộng đồng tại Đại học Louisville. Jane được cả nước biết đến với công trình nghiên cứu về lão khoa lâm sàng. Trong cuốn sách A Deepening Love Affair, Jane viết: “Tôi bắt đầu thấy cuộc sống là một món quà khi tôi sống sót sau một vụ va chạm với một chiếc xe 18 bánh vào ngày 2 tháng 10 năm 1990.
 
“Sau khi bò ra khỏi chiếc ô tô nát bươm của mình, tôi lảo đảo quanh một cánh đồng trong một sự đê mê. Điều tôi nhớ nhất là hoàn toàn nhận thức được màu xanh của cỏ, màu xanh của bầu trời, một vài đám mây bồng bềnh trên đầu và vài chú chim hót líu lo trên cây. Tôi đã sống! Thật là một phước lành!
 
“Mọi thứ vào lúc đó thật là một hồng ân quý giá biết bao!”
 
17. Niềm tin
 
Huber Mates, một giáo viên và nhà báo, đã bị bỏ tù vào năm 1959 khi Castro cố gắng tiêu diệt Giáo hội tại Cuba. Trong một lá thư Huber lén lút gửi cho vợ con trong tù có những lời này: “Anh biết rằng mình sẽ chết trong tù. Anh rất buồn khi không gặp lại em. Nhưng anh vẫn cảm thấy bình an. Họ có kiếm, chúng ta có bài hát.”
 
Những người của biến cố Chúa Phục sinh có những bài hát để hát. Tay chơi gôn chuyên nghiệp Paul Azinger, đã nói như thế này trong khi chiến đấu với căn bệnh ung thư: “Chúng ta không ở vùng đất của người sống mà đến vùng đất của người chết. Chúng ta đang ở vùng đất của người chết đi đến vùng đất của người sống. Có một sự phục sinh cho bạn. Hãy tận hưởng cuộc sống!
 
“Trong nụ huệ có một bông hoa,/ trong hạt có một cây táo, / trong kén có một kho báu ẩn giấu,/ bướm sẽ sớm được tự do. /Trong tuyết lạnh của mùa đông/ có một mùa xuân đang chờ đợi”.
 
* Nếu sự hồi sinh vang lên khắp thiên nhiên, lẽ nào không có sự phục sinh cho tôi?
 
18. Ý nghĩa cuộc sống
 
Đại học Harvard được coi là một trong những tổ chức học thuật vĩ đại và uy tín nhất ở Mỹ và trên thế giới; học sinh của nó có điểm SAT cao nhất, trí tuệ sáng suốt nhất.
 
Cách đây vài năm, Hiệu trưởng của Đại học Harvard được hỏi: “Vấn đề lớn nhất mà ngài thấy ở trường đại học của mình là gì?”
 
Ông nói: “Sự trống rỗng! Người ta không thấy ý nghĩa hay niềm đam mê cho cuộc sống. Nhiều người cảm thấy buồn chán – không thỏa mãn.”
 
Những chức tước cao sang và bằng cấp uy tín không bảo đảm ngay cả một người có đầu óc thông minh sẽ có một cuộc sống có ý nghĩa, trừ khi họ được kết nối với Thiên Chúa hằng sống. Khi Chúa Giêsu đưa ra lời tuyên bố mạnh mẽ này: “Thầy là sự sống lại và là sự sống”, Người đã kết nối chúng ta với Thiên Chúa hằng sống, bởi vì Người là Thiên Chúa.
 
Sự tồn tại của chúng ta không được lấp đầy bởi một số kỳ vọng nhất thời, nhưng bởi quyền năng Phục sinh. Chúng ta được kêu gọi để sống.
 
19. Can đảm
 
Đại úy quân đội David Roselle bị mất bàn chân phải khi chiếc Humvee mà anh đang lái trúng phải một quả mìn chống tăng ở Iraq. Roselle được trực thăng đưa đến một bệnh viện ở Đức và sau đó đến Walter Reed, nơi ông đã cố gắng tập đi lại một cách chăm chỉ.
 
Sau khi được nghỉ phép để chung vui sự ra đời của con trai mình ở Colorado, Đại úy David Roselle đã trở lại sở chỉ huy của mình ở Iraq để hoàn thành công việc mà anh đã bắt đầu. Các quân nhân bị thương khác cũng làm như vậy. Họ đang quay trở lại để hoàn thành công việc mà họ đã khởi sự. Hình thức dũng cảm cao nhất thuộc về những người không bỏ cuộc.
 
Can đảm thực sự có nghĩa là hoàn toàn nhận thức được điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, nhưng vẫn làm điều đúng đắn.
 
* Chúa Giêsu trở lại Giêrusalem. Khi cho Lazarô sống lại từ ngôi mộ, Chúa Giêsu đã bắt đầu việc đóng đinh và chôn cất chính Người. “Từ ngày đó, họ lập mưu giết Người” (Câu 53). Khi hướng mặt về Giêrusalem, Người hướng mặt về thập giá và sự chết. Dietrich Bonhoeffer, mục sư của thế kỷ 20, người đã hy sinh mạng sống của mình để chống lại Adolph Hitler ở Đức, đã mở đầu cuốn sách của mình, Cái giá phải trả của vai trò người môn đệ, với những lời này: “Khi Chúa kêu gọi một người, Ngài bảo người ấy hãy đến và chịu chết.”
 
20. Giúp đỡ
 
Leo Buscgalia kể về một đứa trẻ tám tuổi nhà ở gần người hàng xóm lớn tuổi vừa mất vợ. Thấy ông cụ khóc, đứa bé đi tới, trèo vào lòng ông cụ và ngồi đó.
 
Sau đó, mẹ của cậu bé hỏi: “Con đã nói gì với ông Jones trong lúc ông ấy đau buồn?” Đứa bé trả lời: “Con không nói gì, con chỉ giúp ông khóc thôi.”
 
Một số điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm là giúp bạn bè của mình khóc trong nỗi buồn của họ. Mỗi khi một trái tim tan vỡ, mỗi khi một ngôi mộ được mở ra, mỗi khi một cuộc ly dị xảy ra, mỗi khi một đứa trẻ đau khổ, mỗi khi nỗi đau đến, Chúa Giêsu đều khóc.
 
Người khóc vì Người quan tâm. Khi các tòa nhà bị đánh bom, và chiến tranh không ngừng, khi sóng thần quét qua những người vô tội, Chúa Giêsu đều khóc; trái tim của Người xúc động với nỗi đau của chúng ta.
 
Nhà thờ Công giáo St. Joseph nằm đối diện ngay với địa điểm xảy ra vụ đánh bom ở Thành phố Oklahoma. Chưa đầy một năm sau ngày bi thảm đó, nhà thờ đã dựng lên một bức tượng Chúa Giêsu khóc. Khi nỗi kinh hoàng ập đến, khi sự dữ ngự trị, khi sự sai trái lên ngôi, Chúa Giêsu khóc. Chúa Giêsu vô cùng lo lắng vì sự chết vẫn đang cầm giữ chúng ta.
 
21. Giữ cái nĩa
 
Có một phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc bệnh nan y và chỉ còn sống được ba tháng nữa. Vì vậy, chị đã gặp cha xứ của mình để trao đổi về một số công việc trong di nguyện cuối cùng của chị ta. Chị nói với cha xứ những bài hát chị muốn hát trong tang lễ và những bài đọc Kinh Thánh nào chị muốn đọc. Mọi thứ đã ổn thỏa và cha xứ đang chuẩn bị ra về thì người phụ nữ trẻ chợt nhớ ra một điều rất quan trọng đối với mình.
 
Chị hào hứng nói: “Còn một điều nữa, cái này rất quan trọng; con muốn được chôn với một cái nĩa trong tay phải. Điều đó làm cha rất ngạc nhiên phải không?”
 
Người phụ nữ trẻ giải thích: “Bà con đã từng kể cho con nghe câu chuyện này và từ đó trở đi, con luôn cố gắng truyền tải thông điệp của nó đến những người con yêu thương và những người đang cần sự động viên.
 
“Trong tất cả những năm bà tham dự các bữa tiệc giao lưu và ăn tối tại nhà xứ, bà luôn nhớ rằng khi các món ăn chính đã được dọn sạch, chắc chắn ông chánh trương sẽ lưu ý mọi người: ‘Hãy giữ nĩa của bạn.’
 
“Đó là điều bà thích nhất vì bà biết rằng một cái gì đó ngon hơn đang đến… như bánh sô cô la mềm hoặc bánh táo. Một cái gì đó tuyệt vời, và có chất lượng nhất! Vì vậy, bà chỉ muốn mọi người nhìn thấy bà trong chiếc quan tài của bà với chiếc nĩa trên tay và bà muốn họ tự hỏi ‘Ủa tại sao có cái nĩa?’ Sau đó, bà muốn nói với họ: ‘Hãy giữ lấy chiếc nĩa của bạn… điều tốt nhất vẫn chưa đến.’”
 
Đôi mắt của cha xứ rưng rưng nước mắt vì vui mừng khi ngài chào tạm biệt người phụ nữ trẻ. Ngài biết rằng người phụ nữ trẻ cảm nhận Thiên đàng tốt hơn ngài. Chị ấy biết “điều gì đó tốt hơn đang đến.”
 
Tại đám tang, mọi người đi ngang qua quan tài của người phụ nữ trẻ và họ nhìn thấy chiếc váy xinh đẹp mà cô ấy đã mặc, và chiếc nĩa được đặt trên tay phải của chị. Cha xứ lặp đi lặp lại câu hỏi “Ủa tại sao có cái nĩa?” Và hết lần này đến lần khác ngài đều mỉm cười. Trong bài giảng của mình, ngài kể cho mọi người nghe về cuộc trò chuyện của ngài với người phụ nữ trẻ ngay trước khi chị qua đời.
 
Ngài cũng nói với họ về cái nĩa và ý nghĩa của nó đối với chị ấy. Cha xứ nói với mọi người rằng ngài không ngừng suy nghĩ về cái nĩa và nói với họ rằng có lẽ họ cũng nên nghĩ về nó.





CNMC 5B

A



CNMC 5C

A



THỨ HAI


Lời Chúa: Ga 8, 1-11
 
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.
 
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi.” Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.
 
Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.
 
Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai.” Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”
 

TRUYỆN KỂ
 
1. Khả năng chinh phục
 
Đức cha Bossuet là một văn hào và một nhà hùng biện Pháp đã tuyên bố: “Ai muốn tranh luận giáo lý, hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý.” Còn Đức cha Salêsiô thì lại chinh phục những người lạc giáo bằng cách đón tiếp, lắng nghe, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ.
 
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại thái độ sống đức tin của chúng ta: biết bao lần Chúa Giêsu đã thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá nhân chúng ta cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Chân lý, nhưng chúng ta đã nhìn nhận ánh sáng và chân lý Ngài đem đến với tất cả chân thành và khiêm tốn chưa? Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã viết:
 
“Đối với người kitô hữu tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Đấng bắt con kính mến, nhưng đúng hơn Ngài là Đấng con phải để cho Ngài yêu thương. Nhân loại cảm thấy mình làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lại thế nào. Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng, nhưng có thể chính cá nhân chúng ta cũng đang gặp cơn khủng hoảng đó, vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn, không chấp nhận sự thật mà Chúa mạc khải… Ta là Ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống. Đó là bí quyết của niềm hy vọng.”
 
2. Cần lòng thương xót.
 
Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:
 
- Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.
 
Hoàng đế Napoléon trả lời:
 
- Nhưng hắn ta không đáng được xót thương.
 
Bà mẹ nói:
 
- Tâu bệ hạ, nếu nó xứng đáng thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.
 
Hoàng đế Napoléon đáp:
 
- Thôi được. Ta rủ lòng thương xót nó.
 
3. Ai cũng là tội nhân
 
Một Mục Sư giảng về chiếc thang Giacóp. Cậu con trai ông rất cảm động. Mấy ngày sau, cậu nói với cha là mình vừa mơ về câu chuyện đó.
 
- Sao, con mơ thấy gì ?
 
- Con mơ thấy một chiếc thang lên tới tầng mây. Ở dưới chân thang có rất nhiều phấn, và mỗi người phải lấy phấn viết hết tất cả các tội của mình ở trên đó thì mới lên được.
 
- Hay thật! Rồi con thấy gì nữa ?
 
- Con thấy con leo lên, nhưng chưa được bao xa thì con thấy có người leo xuống.
 
- Ai vậy ?
 
- Ba chứ ai!
 
- Ba ? Thế ba leo xuống để làm gì ?
 
- Ba lấy thêm phấn! (Winnder, London)
 
4. Mỗi tội nhân đều có một tương lai
 
Victor Grignard vì được bố mẹ nuông chiều, không thích học, chỉ biết ham chơi. Lớn lên, Grignard trở thành một anh chàng tuấn tú, cuộc sống xa hoa, đi khắp nơi tán tỉnh các cô gái, trở thành kẻ chơi bời trác táng ai ai cũng biết.
 
Trong một buổi dạ hội, Grignard nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, đoan trang. Anh hí hửng đi tới trước mặt cô gái và mời cô khiêu vũ. Thật không ngờ, cô gái ấy lại trách mắng anh: “Tôi không bao giờ khiêu vũ với những kẻ chơi bời trác táng, vô công rồi nghề, hãy tránh xa tôi ra.” Câu nói ấy chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào đầu. Anh cảm thấy vô cùng xấu hổ.
 
Một người bạn thân đã bước lại, nói với Grignard: “Cô gái này chính là nữ bá tước đến từ Paris.” Grignard xin lỗi nữ bá tước.
 
Thế là Grignard quyết định bỏ nhà ra đi, thay đổi môi trường sống.
 
Grignard đến Lyon, dùng thời gian hai năm để học lại những bài học mà mình bỏ lỡ, sau đó theo học trường đại học Lyon. Dưới sự dẫn dắt của giáo sư, Grignard bắt đầu học tập và nghiên cứu.
 
Năm 1901, Grignard phát hiện thuốc thử Grignard. Năm 1912, ông được trao giải Nobel Hóa học. Về sau Grignard nhận được một bức thư. Bức thư chỉ có một câu: “Tôi mãi mãi yêu kính ngài.” Người viết bức thư ấy chính là nữ bá tước năm xưa.
 
5. Ai biết mình chẳng dám trách người
 
Vào thời Vua Henry VII của Anh, ở Luân Đôn nạn trộm cắp thật nhiều. Quan Chưởng ấn Thomas More nhận thấy vị thẩm phán già hay khiển trách những người đến khiếu nại vì bị móc túi ngoài đường, ông quan tòa già quả quyết rằng nếu mấy nạn nhân đó cẩn thận giữ túi tiền của mình thì làm sao mà mất được.
 
 Nhân một cuộc họp các thẩm phán, Thomas More bí mật cho gọi một tên móc túi chuyên nghiệp đang ở tù và dặn rằng:
 
- Ta sẽ thưởng cho nhà ngươi, nếu ngươi móc được túi tiền của ông quan tòa già kia.
 
Tên móc túi xin phép được tới nói chuyện với vị quan tòa già và đưa tay khéo léo móc được túi tiền của ông ta rồi hiên ngang về chỗ ngồi .
 
Thomas More bấy giờ mới lên tiếng xin các vị thẩm phán làm phúc bố thí cho một người nghèo ở đó. Vị nào cũng rờ túi tiền của mình. Vị quan tòa già kia giật mình vì không thấy túi tiền mình đâu nên la lớn:
 
- Bớ ăn cắp! Có tên nào ăn cắp túi tiền của tôi rồi!
 
Thomas nói:
 
- Sao ? Ông nói chúng tôi ở đây đã ăn cắp túi tiền của ông sao ?
 
Ông quan tòa mặt đỏ bừng vì giận. Bấy giờ Thomas More mới gọi tên lưu manh kia và bảo trả lại túi tiền cho đương sự. Thomas nói với vị thẩm phán già:
 
- Tôi khuyên ông hãy bớt nghiêm khắc với những người đã bị móc túi ngoài đường phố, vì chính ông cũng đã để cho người ta cuỗm mất túi tiền ngay giữa đại hội như thế!
 
6. Tình yêu có sức hoán cải
 
Tại một làng miền nam nước Ý, có luật dân làng trở thành truyền thống: ai bắt được một người phụ nữ ngọai tình khi chồng còn sống, thì dân làng sẽ báo cho chồng biết trước một ngày. Ngày hôm sau, dân làng dẫn cô vợ mất nết ấy lên một triền núi và xô xuống vực thẳm cho chết, để làm gương răn dạy các phụ nữ khác trong làng.
 
Không may cho bà Cathérine Margot đã bị dân làng bắt quả tang ngoại tình với một người làm công lúc chồng vắng nhà. Người ta đã báo tin cho anh chồng Auguste Maquet, và cứ theo luật của làng, cô vợ sẽ bị xử! Thế là anh chồng đi mua ngay một chiếc lưới rộng, đưa giăng trước dưới chân núi. Lúc dân làng xô cô vợ xuống, anh vội đỡ lấy và đưa về nhà, vì anh muốn “yêu vợ như Đức Kitô yêu Hội Thánh” (Ep 5,25), và phải nên giống Đức Giêsu “đã yêu thì yêu đến cùng” (Ga 13,1).
 
Từ ngày ấy, vợ anh luôn tỏ ra biết ơn chồng cách đặc biệt, cụ thể cô luôn làm vừa lòng chồng, hăng say làm mọi việc trong nhà, nên không cần phải mướn ai đến làm công nữa, mà công việc nhà chu đáo hơn trước.




THỨ BA


Lời Chúa: Ga 8, 21-30
 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được.”
 
Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được?”"
 
Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông.”
 
Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài.”
 
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài.” Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
 

TRUYỆN KỂ
 
1. Tin Nhận Chúa.
 
Cụ Alexis đã viết thư cho mình 35 năm trước. Đúng ngày được 60 tuổi, cụ mở thư ra đọc: “Bạn thân mến, mừng kỷ niệm 60 năm sinh nhật của bạn, kể từ hôm nay, bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới. 60 năm đã qua và kể như đời bạn đã xế chiều, dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo dai đã kém hơn trước nhiều.
 
Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn đóng góp sức lực vào phúc lợi chung. Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ cho đàn em có khả năng thể xác và tinh thần hơn bạn.
 
Nhưng không phải rút lui để tìm nhàn hạ. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của 60 năm đầy nụ cười và nước mặt của bạn cho đàn em, và bạn hãy sung sướng khi thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ Thiên Chúa được vinh danh hơn. Bạn hãy tiếp tục dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng theo sức bạn, theo tuổi bạn.
 
Bạn hãy chuộc lại những thời gian bạn đã lãng phí trong suốt 60 năm qua. Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa, hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, hãy cảm tạ Chúa và sám hối trước mặt Ngài.
 
Bạn hãy dành quãng đời còn lại để làm một việc gì cho Chúa, một việc mà giờ đây Chúa đang mời gọi bạn cộng tác. Bạn đừng quên rằng bạn đang tiến về Nhà Cha mỗi phút một gần hơn. Bạn hãy sẵn sàng thoát ly địa vị và của cải trần gian.
 
Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn. Hãy sống đẹp lòng Chúa, vui lòng gia đình và bạn bè. Hãy quyết tâm mãnh liệt, hãy thực hiện nghiêm túc, hãy kết hiệp với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ân sủng và bình an của Chúa ở cùng bạn.”
 
Thành tâm thiện chí của cụ Alexis đáng chúng ta suy nghĩ. Thực hiện thánh ý Chúa từng giây phút hiện tại là gì, nếu không phải là tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, để đừng chết trong tội lỗi.
 
2. Nếu các ông không tin
 
Đức Giêsu lại nói với họ:
 
“Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết.
 
Nơi tôi đi các ông không thể đến được.”
 
Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: Nơi tôi đi các ông không thể đến được?
 
Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.
 
Các ông thuộc về thế gian này; Còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. (Ga. 8, 21-23)
 
Một Tin mừng đầy nghịch lý đối với bản chất loài người như trong đoạn văn của Thánh lễ hôm nay.
 
Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận Người, dù không thể giải nghĩa và thực hiện được theo nhãn quan con người. Chỉ cần chúng ta đừng bỏ qua những lời yêu sách của sứ điệp Phúc âm, dù có trái nghịch với bản chất con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta bắt lý trí con người bái phục chân lý đức tin. Chỉ cần chúng ta biết cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm Đức Kitô bằng con tim trong đau khổ thập giá cũng như vinh quang phục sinh.
 
3. Tin nhận Chúa Giêsu - Tin nhận Chúa Cha
 
Vào thời thập tự viễn chinh, nhằm bảo vệ thánh địa và đảm bảo an ninh cho khách hành hương, vua Philipphê của nước Pháp đã làm một cử chỉ lạ thường. Trước mỗi lần lên đường, ông tháo gỡ triều thiên đang đội trên đầu, rồi đặt nó lên một chiếc bàn và ghi dòng chữ như sau: “Dành cho người nào xứng đáng nhất.”
 
Sau đó, ông quy tụ tất cả tướng lĩnh, các hiệp sĩ, những người hầu cận lại trước mặt ông và yêu cầu họ hãy quên ông là vua và là người chỉ huy của họ. Ông nói với mọi người rằng chiếc vương miện được dành cho người nào tỏ ra xứng đáng nhất trong cuộc chiến đấu.
 
Cuộc viễn chinh đã hoàn tất một cách vẻ vang, mọi người hát khúc khải hoàn trở về quê hương. Họ tụ tập chung quanh vương triều và một tướng lĩnh tiến lại cầm lấy triều thiên đội lên đầu của Philpphê và nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ là người xứng đáng nhất.”
 
Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa Cha.
 
4. Đừng trở thành phản chứng.
 
Trong chương trình buổi tối của một đài truyền hình Hoa kỳ, một cô gái điếm đã được mời phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên truyền hình.
 
Cô gái ấy trang điểm thật diêm dúa và tỏ ra không những bình tĩnh mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên.
 
Chợt nhìn thấy trên cổ của cô gái có đeo một  dây chuyền bằng vàng với một cây Thánh giá nhỏ, người phóng viên thay đổi đề tài để hỏi cô gái.
 
Anh ta hỏi: “Tôi thấy cô có đeo một Thánh giá nhỏ ở trên cổ. Hẳn cô là người có tôn giáo đúng không?”
 
Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm. Có lẽ đây là một vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một chút do dự, cô ta liền trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả.”
 
Người phóng viên hỏi dồn: “Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người mình như dấu chỉ của người có đạo?
 
Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi khá lâu, rồi cô trả lời với những lời lẽ thú tội: “Lúc còn nhỏ tôi có đạo. Nhưng đó là chuyện rất lâu rồi.”
 
5. Lương thực đời đời
 
Người ta hỏi ông Napoléon, vua nước Pháp: “Đời vua biến cố nào, giây phút nào làm ngài sung sướng hạnh phúc nhất?”Vua đáp: “Ngày tôi được Rước Lễ Lần Đầu.” Thế mà ngày nay nhiều người chỉ háo hức được Rước Lễ Lần Đầu, sau đó lại lạnh nhạt không muốn đến dự Lễ! Đâu còn mấy người nhớ đến hạnh phúc trong ngày trọng đại đó như vua Napoléon!
 
Ngày nay, nhiều người tự xưng là tín hữu Công Giáo, nhưng lại sống Đạo theo kiểu Do Thái giáo, chỉ vì tin “có thực mới vực được đạo”, nên dốc toàn lực đi tìm kiếm thực tại đời này, mà coi nhẹ hay không muốn thực hành Lời Chúa dạy:
 
- Của ăn nuôi sống con người không phải chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ thi hành mọi Lời Thiên Chúa phán (Mt 4, 4; Ga 4, 34).
 
6. Thập giá cứu độ
 
Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:
 
Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên Thập Giá, tôi dừng lại và đề nghị:
 
- Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi Thập Giá
 
Nhưng người ấy trả lời:
 
- Hãy để cho tôi yên. Hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi. Hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập Giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau.
 
Tôi liền hỏi người ấy:
 
- Ông muốn tôi làm gì cho ông?
 
Người ấy trả lời:
 
- Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: “Có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá.”
 
Vâng, có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá. Người đó chính là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.
 
Trong thư thứ nhất gửi cho Giáo đoàn Côrinthô, Thánh Phaolô đã nói về Thập Giá rất hay: “Thật thế, lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng tôi là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1Cr 1,18)
 
7. Tình thương cứu độ
 
Trong tuyển tập ngụ ngôn của hai anh em người Đức vào thế kỷ thứ 19, người ta đọc được câu chuyện có nội dung như sau:
 
Hai cha con nọ đã thỏa thuận ngầm với nhau là người con được tự do làm bất cứ điều gì nó muốn. Chỉ có điều là mỗi khi nó làm một hành động xấu thì nó phải đóng một cây đinh vào cánh cửa. Ngược lại, khi làm được một hành động tốt thì nó có quyền nhổ một cây đinh đi.
 
Chưa đầy một năm, cánh cửa không còn một chỗ nào trống để đóng đinh vào được nữa. Người con chợt nhận ra cuộc sống quá xuống dốc của mình. Nó mới hồi tâm và quyết định tu sửa. Không đầy một năm sau, mọi cây đinh đều lần lượt được gỡ ra khỏi cánh cửa. Ngày cây đinh cuối cùng được tháo gỡ khỏi cửa người cha sung sướng chạy đến ôm lấy đứa con của mình. Ông vui mừng đặt trên trán đứa con những nụ hôn hạnh phúc. Thế nhưng, thật là lạ lùng, không những đứa con không tỏ ra một cảm xúc vui sướng nào mà còn đẩy người cha ra và khóc òa lên. Người cha ngạc nhiên thốt lên:
 
- Tại sao con khóc? Tất cả mọi cây đinh đã được nhổ ra khỏi cánh cửa, con không cảm thấy hạnh phúc vì đã sống tốt đẹp hơn sao?
 
Đứa con thổn thức:
 
- Thưa cha đúng thế, nhưng cho dầu những cây đinh đã nhổ đi rồi, nhưng chúng vẫn còn để lại những cái lỗ trên đó.
 
Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng như thế. Chúng ta đã chạy đến tòa cáo giải. Chúng ta đã tin là Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta không thể vượt qua được những “Mặc cảm tội lỗi.” Chính những mặc cảm này nhiều khi dày vò chúng ta. Mỗi lần như thế chúng ta hãy nhớ lại tình thương của Chúa.




THỨ TƯ


Lời Chúa: Ga 8, 31-42
 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: "Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi.” Họ thưa lại Người: "Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói "Các ngươi sẽ được tự do"?”
 
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi.” Họ đáp lại: "Cha chúng tôi chính là Abraham!" Chúa Giêsu nói: "Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!" Họ lại nói: "Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!"
 
Chúa Giêsu nói: "Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến.”
 

TRUYỆN KỂ
 
1. Nô lệ và tự do
 
Người Do thái cho rằng mình tự do. Thực sự họ sống trong nô lệ. Vì họ không sống trong sự thật. Họ bị lầm lạc.
 
Họ lầm tưởng mình tự do. Nhưng họ đã phạm tội. Phạm tội là nô lệ cho tội lỗi. Sống dưới ách ma quỉ. Bị dục vọng trói buộc. Chỉ có Chúa Giê-su tự do. Vì Chúa là Đấng Thánh. Chỉ khi nào người Do thái được Chúa giải phóng khỏi tội lỗi họ mới có tự do. “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội…Vậy nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do.”
 
Họ lầm tưởng mình là con cháu Áp-ra-ham. Nhưng thực sự không phải. vì Áp-ra-ham luôn lắng nghe và tuân hành ý Chúa. Còn họ thì không: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm.”
 
Họ lầm tưởng họ là con Thiên Chúa. Nhưng không phải. Vì họ không yêu mến Chúa Giê-su là Đấng Cha sai đến: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến.”
 
Sống trong lầm lạc. Họ nô lệ cho sự lầm lạc. Họ ở ngoài Thiên Chúa. Cần phải có sự thật giải phóng họ mới được tự do. Chúa Giê-su chính là sự thật. Vì Người luôn ở trong Thiên Chúa.
 
2. Chân Lý Sẽ Giải Thoát.
 
Khi thi hành nhiệm vụ khâm sứ Tòa thánh tại Bulgari, Đức cha Roncali nhận được một bức thư của một linh mục chỉ trích ngài về mọi mặt. Đọc thư xong, Đức cha Roncali không nói một lời, lòng vẫn yêu thương vị linh mục kia. Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức Hồng Y, rồi đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan XXIII. Nhân dịp về Rôma yết kiến vị Tân Giáo Hoàng, vị linh mục cũng ghi tên đi theo phái đoàn và được đặc ân tiếp kiến riêng Giáo Hoàng. Vị linh mục đó thuật lại như sau:
 
Trong lúc đứng ở phòng khách đợi phiên vào triều yết Đức Thánh Cha, đầu óc tôi cứ nghĩ đến bức thư năm xưa và thầm nghĩ mấy chục năm qua rồi, chắc giờ đây Ngài không còn nhớ nữa đây. Đang suy nghĩ miên man thì cánh cửa mở ra, cha thư ký dẫn tôi vào. Vừa thấy tôi, Đức Thánh Cha niềm nở bắt tay và mời tôi ngồi. Ngài ân cần thăm hỏi công việc mục vụ của tôi, của Giáo phận, và nhắc đến các bạn ở Bulgari. Câu chuyện vẫn diễn ra trong bầu khí thân tình. Bỗng Đức Thánh Cha đưa tay lấy cuốn Kinh Thánh và từ từ mở ra và trong đó có bức thư của tôi, ngài dịu dàng nói: “Con đừng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là người có nhiều khuyết điểm. Cha để bức thư của con vào cuốn Kinh Thánh và hàng ngày đọc vào đó mà xét mình. Mỗi lần như thế, cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con.”
 
Tác giả tập sách Đường Hy vọng khuyên: “Lòng mến Chúa phải tuyệt đối. Chúa dạy không ai có thể làm tôi hai chủ. Con làm tôi mấy chủ? Mỗi ngày dành riêng ít phút thinh lặng để sống đời nội tâm.
 
Con chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất. Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn của các hành động của con, thì sẽ thế nào? Con chỉ có một của ăn là Thánh ý Thiên Chúa, nghĩa là con sống và lớn lên bằng ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh sống vui, ngoài ý Chúa con sẽ chết.
 
Con chỉ có giây phút đẹp nhất, đó là giây phút hiện tại. Đời con sẽ tuyệt đẹp nếu từng giây phút con tin vào Lời Chúa và thực hiện thánh ý Ngài.”
 
Ý Chúa muốn cho mỗi ngừoi chúng ta trong hiện tại là trở thành những người con thảo, hãy để lời Chúa thấm nhập và hướng dẫn cuộc sống chúng ta.
 
3. Muốn có đời sống đẹp.
 
Một sinh viên Nhật Bản đến văn phòng của một linh mục ở Boston, và nói: “Thưa cha, con đang đi tìm một đời sống đẹp, cha có thể chỉ cho con biết phải tìm ở đâu?”
 
Linh mục đáp: “Chắc anh muốn trao đổi về tôn giáo?”
 
Anh trả lời: “Thưa không, con không muốn trao đổi về lý thuyết. Việc đó con thấy nhan nhản rồi. Con cần thứ khác. Cha biết không, khi con ở ký túc xá Đại học Cambridge con ở chung phòng với một anh thợ mộc, người mà con cho là anh có đời sống rất đẹp. Anh không bao giờ nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về người khác. Sinh viên tụi con nhiều khi sống cẩu thả, chén đĩa lung tung, đồ ăn vứt bừa bãi. Thấy thế, anh không nói gì. Nhưng khi mọi người ra khỏi phòng ăn, một mình anh đi thu dọn, sắp xếp lại cho ngăn nắp.
 
Nghe thế, cha đưa cho anh cuốn Thánh Kinh và nói: “Hãy cầm lấy. Nếu anh muốn tìm một đời sống đẹp, anh hãy tìm trong đó.”
 
... Hai năm sau, người sinh viên Nhật ấy đến gặp cha cười cười nói: “Cha có nhận ra con không”? Cha nói: “Hình như tôi đã gặp anh ở đâu, nhưng không nhớ rõ.”
 
Anh đưa cuốn Thánh Kinh ra và nói: “Con đã tìm thấy đời sống đẹp. Con đã tìm thấy đời sống đó nơi Đức Kitô.”
 
4. Mình lừa mình
 
Hồi học ở Đại chủng viện, cha giáo Phụng vụ có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện có thật:
 
Một thanh niên bỏ xưng tội rước lễ nhiều năm, vào dịp Mùa Chay ngài khuyên anh ta nên dọn mình xưng tội. Anh nói:
 
- Con chẳng có tội gì.
 
Ngài hỏi anh ta có chơi gái hay không? Anh ta trả lời cách tỉnh bơ:
 
- Thưa cha, chuyện đó là chuyện bình thường.
 
Ngài nói:
 
- Anh có biết là tội lỗi điều răn thứ sáu không?
 
Anh ta cãi lại:
 
- Sao lại là tội được. Con trả tiền đàng hoàng mà!
 
5. Sự thật giải thoát
 
Tạp chí kinh tế Viễn Đông mới đây có ghi lại chuyện tự nộp mình rất đáng khâm phục của một tên cướp như sau: Một đêm nọ, vì quá mỏi mệt với cuộc sống chui lủi, tên cướp khét tiếng đã ra đầu thú.
 
Trước thái độ hồ nghi của viên công an trực, tên cướp đã chỉ vào vết sẹo để khẳng định rằng, chính mình đã từng bị lực lượng an ninh tầm nã trong mấy tháng qua. Mặc dầu làm thế nhưng viên công an vẫn tiếp tục nghi ngờ, nhất định không cho anh vào khám, còn kẻ cướp thì dứt khoát không chịu bỏ đi.
 
Phải đợi đến sáng hôm sau, các viên chức công lực mới nhận diện được người mà họ đã truy nã trong mấy tháng qua. Tên cướp cho biết, anh đã kiệt sức vì cuộc chạy trốn. Hằng đêm anh không thể ngủ yên. Dù chỉ là tiếng chó sủa, hay ngay cả tiếng gà gáy cũng làm anh phải giật mình. Bước vào phòng giam, tên cướp nhìn vào viên công an trực của đêm hôm trước với vẻ đắc thắng.
 
Muốn giải thoát con người của mình khỏi những trói buộc của lỗi lầm và khuyết điểm, thì điều cần thiết trước tiên là phải biết sự thật về mình.
 
6. Chỉ muốn bán thịt dê
 
Đời Chiến Quốc, có vua nước Sở là Chiêu Vương gặp loạn phải trốn ra nước ngoài. Lúc ấy có người hàng thịt dê tên Duyệt chạy theo.
 
Khi Chiêu Vương trở về lấy lại được lãnh thổ, nhà vua tưởng thưởng cho những người đi theo, trong đó có cả anh hàng thịt dê nữa.
 
Trong lúc ai cũng vui mừng nhận lãnh, thì anh chàng bán thịt dê lại từ chối. Anh khiêm nhường tâu với vua rằng:
 
- Khi đức vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay đức vua còn nước, tôi còn nghề bán thịt dê. Thế là đủ rồi, đâu dám mong thưởng gì hơn nữa.
 
Chiêu Vương cố ép, người bán hàng thịt dê lại cố từ.
 
- Đức vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết. Đức vua lấy lại được nước, không phải là do công của tôi, nên tôi không dám nhận phần thưởng.
 
Chiêu Vương bảo:
 
- Vậy thì để ta sẽ đến chơi nhà ngươi.
 
Người hàng thịt dê nói:
 
- Theo phép nước, người nào có công to thì mới được trọng thưởng, vua mới đến nhà. Nay tôi tự xét mình không đủ trí mưu giữ được nước, không đủ dũng cảm để làm cho giặc phải lui. Quân giặc vào nước, tôi phải lánh nạn chạy theo vua, như vậy đâu phải chủ ý theo vua. Nay vua bỏ phép nước đến nhà tôi, tôi e thiên hạ chê cười chăng?
 
Chiêu Vương nghe nói, ngoảnh lại bảo quan đại phu Tư Mã Tử Kỳ:
 
- Anh này tuy làm nghề ti tiện mà giải bày nghĩa lý rất cao. Nhà ngươi làm thế nào mời được anh ta ra nhận chức Tam Công cho ta.
 
Thấy vậy người bán hàng thịt dê nói:
 
- Tôi biết chức Tam Công là quý, quý hơn cửa hàng thịt dê, bổng lộc lại nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê, nhưng tôi đâu dám nhận để nhà vua mang tiếng gia ơn không phải nghĩa. Vậy xin cứ cho tôi được giữ nghề cũ.
 
Nói xong, người bán hàng thịt dê lui ngay.
 
7. Sự thật giải thoát
 
Đảng cộng sản vô thần khai sinh tháng 10 năm 1917, nhưng đã tự “thắt cổ” ngày 25 tháng 12 năm 1991, mới thọ được 74 tuổi, chưa tới tuổi hưu (75) đã chết một cách nhục nhã. Sự cố thê lương này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II tiên báo 15 tháng trước đó: Vào tháng 9 năm 1990, dịp Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Pháp, trong một bữa tiệc thân mật, ông André Frossard thuộc Hàn Lâm Viện Pháp đặt câu hỏi với Đức Giáo hoàng:
 
- Thưa ngài, nếu ngài chỉ muốn dùng một Lời Kinh Thánh để nói với thế giới hôm nay, thì ngài dùng câu nào?
 
Câu hỏi đó đặt ra thì ai cũng đoán trước thế nào Đức Giáo hoàng cũng lấy Lời Đức Giêsu dạy: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
 
Thế nhưng Đức Giáo hoàng nói:
 
- Tôi chỉ muốn nhắc lại với thế giới hôm nay Lời Đức Giêsu đã nói: “Các ngươi sẽ biết Sự Thật (Lời Chúa) và Sự Thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8, 32).
 
Ngờ đâu vào đúng ngày lễ Chúa Giáng Sinh (25-12-1991), Tổng Bí Thư của Đảng cộng sản quốc tế là ông Gorbachov tuyên bố từ chức và giải tán Đảng. Tức khắc cả khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Đúng như lời Đức Giáo hoàng đã nói: “Sự Thật sẽ giải phóng con người.”
 
Thật “hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15: Tung Hô Tin Mừng), như Lời đã lưu lại trong tâm hồn ông Gorbachov, xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu




THỨ NĂM


Lời Chúa: Ga 8, 51-59
 
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết." Người Do-thái lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết." Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?"
 
Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng."
 
Người Do-thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi."
 
Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.
 

TRUYỆN KỂ
 
1. Niềm tin và lý trí
 
Trong cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chàng Hải Âu Kỳ Diệu, tác giả kể về một chàng hải âu kiên cường đã thực hiện được ước mơ lướt cánh tung trời. Chàng bay tới những vùng mà các con chim khác trong bầy chưa bao giờ biết tới. Sau chuyến bay mở rộng chân trời đó, chàng hải âu trở lại với bầy, chàng kể cho bầy chim nghe về những gì mình đã tai nghe mắt thấy. Cả bầy chim từ già đến trẻ đều chế nhạo chàng, họ kết án chàng là con chim khoác lác.
 
Chàng vẫn không nản lòng, cứ tiếp tục nói về vùng trời rộng mở. Có một số chim nghe chàng nói, lòng chợt dậy lên khát vọng bay xa. Họ bắt đầu kiên trì luyện tập để thực hiện ước mơ mà chàng hải âu kỳ diệu đã gợi lên cho họ.
 
Khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỉ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Cũng như tình yêu, đức tin không dựa trên lý lẽ. Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để mặc chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được mép bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên mép bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là yêu mến và phó thác.
 
2. Xét đoán mù quáng.
 
Khi mới về xứ Ars chỉ vỏn vẹn 300 người, cha Vianney đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ nhiều xứ tuôn đến để nghe Ngài dạy giáo lý và để xưng tội với Ngài.
 
Các linh mục đồng nghiệp đều biết cha Vianney trước đây rất tầm thường và học hành rất dốt, cho nên vì ghen tương đã trình lên Đức cha địa phận rằng nhiều lần cha Vianney đã giải sai các nguyên tắc thần học luân lý.
 
Nghe thế, Đức cha cho gọi cha Vianney đến và giao cho cha một số trường hợp tội khó giải để cha giải trên giấy tờ rồi nộp lại cho Đức cha. Vài ngày sau, cha làm xong đem nộp và được các nhà chuyên môn khen là giải đáp đúng và khôn ngoan.
 
Các linh mục đồng nghiệp của cha Ars đã xét đoán theo tiêu chuẩn tự nhiên của lý trí, cộng thêm lòng ghen tỵ. Những xét đoán sai lầm đó càng làm cho các ngài mù quáng tinh thần nhiều hơn. Đó cũng là thái độ của những người Do Thái, không tin Chúa, không chấp nhận chân lý mạc khải như được kể lại trong Tin Mừng hôm nay.
 
3. Ơn cứu độ của tôi nhờ hy vọng vào Chúa
 
Trong tông huấn Thiên Chúa là Tình yêu, Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã viết: “Chúng ta được cứu độ là nhờ vào hy vọng." Thật vậy, sống mà không hy vọng thì thật bi đát, nhưng điều quan trọng là chúng ta hy vọng vào ai và vào cái gì mới là điều đáng nói!
 
Là người Kitô hữu, niềm hy vọng chúng ta đặt ở nơi Đức Giêsu và những lời giáo huấn của Ngài. Tại sao vậy? Thưa bởi vì nơi Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Ngài thông truyền sự sống ấy cho những ai tin và thuộc về Ngài.
 
4. Biết thực hành Lời Chúa.
 
Ngày nọ, Đức Giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị Giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị Giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.
 
Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp: “Xin  đặt tên là John Selwyn, vì chính ngài đã dạy cho tôi biết Đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài”
 
5. Định kiến và truyền giáo
 
Một du khách mới tới Trung Hoa về báo cáo rằng giới trí thức Trung Hoa tuyên bố: “Không, việc truyền giáo của quý vị không bám rễ vào đất nước chúng tôi được đâu, vì các nhà truyền giáo của quý vị mới đến chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo của chúng tôi bị sai lạc." Và một người Á Đông khác cũng nói: “Các ông muốn chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin và chấp nhận những gì mà các ông tin” Đi truyền giáo mà có định kiến thì thà ở nhà còn hơn.
 
6. Truyền giáo bằng gương sáng
 
Ngày nọ, Đức Giám Mục Jonh Selwyn thấy một người con trai người bản địa cư xử thô bạo với kẻ khác, Ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị Giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trận. Nhưng vị Giám mục không cho họ làm gì. Rồi Ngài quay lưng ra và lặng lẽ bỏ đi.
 
Nhiều năm sau, một vị truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp: “Xin đặt là John Selwyn, vì chính Ngài đã dậy cho tôi biết Đức Kitô là ai khi tôi đánh Ngài."
 
7. Ơn đức tin và thiện chí
 
Thời Giáo Hội sơ khai, người Rôma thường đem các nghi thức của Giáo Hội ra làm trò đùa, và dĩ nhiên có những người chuyên làm trò cho thiên hạ cười.
 
Một bữa tối nọ, hoàng đế Dioclétiano đến một quảng trường để tham dự những trò đùa phạm thánh này. Lúc đó có một tên hề nổi tiếng tên là Ghênesiô. Anh đã cùng với các bạn của mình chuẩn bị một nghi lễ rửa tội để trình diễn cho hoàng đế xem. Khi bắt đầu, Ghênesiô hô lớn:
 
- Hỡi các bạn, xin hãy đến giúp tôi. Tôi muốn trở thành Kitô hữu.
 
Tức khắc, một tên hề khác mặc phẩm phục linh mục bước ra, và tên thứ ba đem nước đến. Bắt chước công thức quen thuộc của Giáo Hội, họ hỏi Ghênesiô:
 
- Hỡi Ghênesiô, ngươi muốn xin gì ở chúng tôi ?
 
Ghênesiô bập bẹ nói:
 
- Thưa xin phép rửa.
 
Nhưng kìa, khi tên hề Ghênesiô chưa đọc dứt câu, thì bỗng như có sức mạnh vô hình nào đó uốn lưỡi anh, bắt anh phải đọc trọn cả một câu: “Thưa, tôi xin phép rửa để được lãnh nhận ơn của Đức Giêsu Kitô."
 
Tên hề đóng vai linh mục không chút nghi ngờ, bèn đổ nước trên đầu của Ghênesiô và đọc công thức của bí tích Rửa tội.
 
Hoàng đế Dioclétiano và cử tọa vỗ tay hoan hô màn kịch. Thế nhưng, tiếng vỗ tay chưa dứt thì Ghênesiô đã đứng lên ra hiệu cho mọi người thinh lặng, rồi trịnh trọng tuyên bố:
 
- Tâu hoàng đế và quí vị vừa xem tôi. Chúng ta đến đây để cười nhạo những người Kitô hữu bằng những nghi thức phạm thánh của chúng ta, nhưng xin quí vị biết cho rằng: nước vừa đổ trên đầu tôi, đã biến tôi thành một Kitô hữu thực sự. Giờ đây, tôi đã là một tín hữu Kitô, và tôi tin Đức Giêsu Kitô là “Con Thiên Chúa."
 
Khi Ghênesiô vừa dứt lời thì đám đông nhốn nháo lên. Tức giận, vị hoàng đế ra lệnh trói chân tay Ghênesiô lại cho đánh đòn và phân xẻo thân thể anh. Trong cơn đau đớn cùng cực, Ghênesiô không ngừng lập đi lập lại:
 
- Tôi là người Kitô hữu, tôi tin Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa độc nhất của chúng ta.
 
Để cho anh câm miệng, hoàng đế đã ra lệnh chém đầu anh.



THỨ SÁU


Lời Chúa: Ga 10, 31-42
 
Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"
 
Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."
 
Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha."
 
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả." Và có nhiều kẻ tin Người.
 

TRUYỆN KỂ
 
1. Sống theo Chúa.
 
Có người hỏi chị Lubich: “Làm sao chị có thể theo dõi hàng trăm ngàn người trên thế giới? Làm sao chị có thể hướng dẫn những người theo cùng một linh đạo?” Chị mỉm cười trả lời: “Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo Chúa từng giây phút và nếu tôi sống theo Chúa thì những người khác sẽ theo tôi."
 
Bí quyết sống của chi Lubich thật ra được gợi hứng từ nếp sống của chính Chúa Giêsu. Ngài đã không nói suông, nhưng đã hành động, đã thi ân cho những ai thành tâm, tìm đến với Ngài. Ngài đã sống điều Ngài giảng dạy và luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa. Ngài đã như nài nỉ những kẻ không tin Ngài rằng: “Nếu các người không thể tin những lời Ta nói thì ít ra hãy tin những việc Ta làm."
 
2. Sự thật không cần vỏ bọc đẹp tốt
 
Qua những người dân trong vùng đến làm phu, dựng nhà cho lính tráng và các cung nữ, tiếng đồn có tây dương đạo trưởng đến thuyết pháp được lan truyền ra. Dân chúng đến nghe giảng mỗi ngày một đông, và số người trở lại mỗi ngày một nhiều. Trong hai tháng trời chờ đợi ở An Vực, hai cha đã rửa tội được hơn 200 người.
 
Người thứ nhất được ơn trở lại là một sư cụ danh tiếng trong vùng. Cụ rất chăm học đạo, hàng ngày luôn ở bên cạnh các cha để nghe giảng giải các mầu nhiệm trong đạo. Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ Nôm, những kinh cha đọc cho, để những người tân tòng theo đó mà học.
 
Thấy thế, cụ liền xin cho cụ hân hạnh được làm công việc đó “vì trước kia, cụ đã làm thầy dạy người ta những sự lầm lạc, thì lúc này, cũng xin nhận việc đó để dạy lại người ta những điều chân thật."
 
Chưa đủ, nhận thấy gian nhà của hai cha ở chật chội, dân chúng đến nghe giảng phải chen chúc nhau, cụ liền dâng cho hai cha một khu đất bên cạnh, để hai cha làm một nhà thờ rộng rãi và xứng đáng hơn.
 
3. Đức tin cần tấm lòng đơn sơ
 
Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả năm sau mới nhập đạo. Trong một buổi phụng vụ, người da trắng hỏi:
 
- Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế? Người thổ dân đáp:
 
- Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hứa cho chúng ta chiếc áo mới. Bạn nhìn vào áo mình, tự nhủ: áo mình còn đẹp, để mai sau hãy lấy. Còn tôi, tôi nhìn vào tấm chăn cũ kĩ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn còn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu
 
4. Chúa là gì đối với chúng ta ?
 
Trả lời được câu hỏi này không phải là dễ.
 
Trong tập thơ “Cát và sóng”, một thi sĩ nọ đã viết một bài thơ về Chúa Giêsu với nội dung như sau:
 
Cứ mỗi trăm năm,
 
Chúa Giêsu của thành Nazareth lại gặp Chúa Giêsu của người Kitô hữu.
 
Hai bên đàm đạo với nhau thật lâu giờ.
 
Và cứ mỗi lần gặp gỡ như thế, Chúa Giêsu Nazareth lại từ giã Chúa Giêsu của người Kitô hữu bằng những lời thật buồn như thế này:
 
“Này bạn, tôi sợ rằng, chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý với nhau."
 
Chúa Giêsu, con người của lịch sử đã sinh ra cách đây hơn 2000 năm tại Nazareth. Con người đã từng sống và chết như một con người ấy, lại cũng chính là Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi: Làm sao Ngài có thể vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người được ?
 
Xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội và của thế giới, đã không thiếu những người thắc mắc như thế.
 
Thế nhưng, đọc lại Tân Ước, chúng ta thấy Chúa đã quả quyết rất rõ: Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là Con Người. Tiếng La tinh đã có một kiểu diễn tả rất hay về việc này: Homo-Deus.
 

5. Tình yêu của Chúa nâng ta lên
 
Nước Cộng hòa Trung Phi được Pháp trao trả độc lập vào ngày 13/8/1960. Đây là một nước nghèo, đất rộng người thưa, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là các mỏ, quặng kim cương, coban, sắt… với diện tích khoảng 662.984 km2. Từ khi được Pháp trao trả độc lập, Cộng hòa Trung Phi do Tổng thống D. Đacô lãnh đạo. Năm 1966, trung tá Jean Beldel Bokassa đứng đầu một binh đoàn, dẫn quân về lật đổ Tổng thống D. Đacô để nắm quyền lãnh đạo, tự phong đại tá rồi vọt lên… đại tướng chỉ trong vòng có mấy ngày và lên cầm quyền.
 
Trước khi làm Tổng thống, rồi Hoàng đế nước Trung Phi, Jean Beldel Bokassa đi lính cho Pháp. Trong chiến tranh Thế giới lần thứ II, Bokassa theo đội quân lê dương đi đánh thuê nhiều nước như Ma rốc, Algierie và vào năm 1953 có mặt ở miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ Bokassa mang cấp bậc trung sĩ nhất, đóng quân tại Chánh Hưng, Sài Gòn.
 
Thời gian ở Việt Nam, Bokassa có yêu và làm đám cưới với cô Nguyễn Thị Huệ. Việc lấy được một người lính lê dương làm chồng đã giúp bà Huệ có một cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, khi Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, phải ký hiệp định đình chiến ngày 20/7/1954, rồi rút quân đội về nước, thì Bokassa lúc này cũng phải theo đoàn quân thua trận của Pháp lên tàu về nước, để lại cái thai trong bụng bà Huệ, không biết là gái hay trai!
 
Sau khi chồng về nước, bà Huệ phải một thân một mình tự bươn chải, sống một cuộc sống nghèo khổ. Martine lớn lên cũng chỉ biết mặt bố mình qua một số bức ảnh kỷ niệm mà bà Huệ còn giữ lại. Vào thời điểm ngay trước khi có thông tin Tổng thống Bokassa đi tìm người con rơi ở Sài Gòn thì Martine đang làm… bốc vác cho nhà máy xi măng Hà Tiên, gần Thủ Đức. Những lúc rảnh thì lại đi làm… phu thợ hồ để kiếm thêm thu nhập!
 
Khi lên làm Hoàng đế Bokassa của nước Trung Phi, và bằng con đường ngoại giao ông nhờ tìm đứa con lạc loài, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, một người đàn ông có đạo đức, khiến cho mọi người xúc động, cảm kích. Lúc ấy, có rất nhiều bà dẫn con đến tòa Đại sứ Trung Phi nhận là vợ - con ông Bokassa. Nhưng nhờ khoa học người ta đã xác định ai là con thật của vị Hoàng đế này.
 
Đó là bà Huệ và cô con gái Martine ở Tân Thuận Đông. Thế là mẹ con bà từ kiếp sống bần cùng, xã hội không ai quan tâm, nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu và công chúa. Khi cô Maritne được đón sang Trung Phi, thời gian sau được người giàu có đến cầu hôn, trong đám cưới ấy, Việt Nam phải cử đại diện sang chúc mừng.
 
Chúng ta là phàm nhân tội lỗi lại được Chúa thương cho làm con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, được Cha trên trời là Vua vũ trụ muốn ngỏ lời với ta làm Hiền thê của Con Một Ngài.



THỨ BẢY


Lời Chúa: Ga 11, 45-56
 
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta." Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.
 
Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
 

TRUYỆN KỂ
 
1. Chết thay cho dân
 
Hồi Đệ nhị thế chiến, một trại tù của Đức Quốc xã có lệnh: “Các tù nhân có nhiệm vụ coi lẫn nhau. Nếu một tù nhân nào trốn trại, thì sẽ có 10 tù nhân khác thế mạng!”
 
Một buổi sáng kia, khi kiểm điểm các tù nhân, viên cai tù phát giác thiếu một người! Thế là tất cả các tù nhân hôm ấy phải đứng phơi nắng suốt ngày ngoài sân! Mãi đến chiều, người sĩ quan Đức có trách nhiệm nhà tù xuất hiện với bộ dạng giận dữ, tay chắp sau lưng, bước chân chậm rãi trên đôi giày bốt-đờ-xô nện trên nền đá nghe “cộp, cộp” đến lạnh người! Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng vào mặt từng người tù, thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ vào một người và buông lời cộc lốc: “Mày!” Cứ như thế ông đã chỉ đến người thứ 9, khi ông dừng lại người tù xấu số thứ 10, thì anh tù bật khóc nức nở kêu than: “Ôi em ơi, các con ơi!” Trong số tù nhân có Linh mục Maximiliano Kolbe liền giơ tay:
 
- Xin ông cho tôi được chết thay cho người này!
 
Viên sĩ quan quát:
 
- Con heo Ba Lan kia, mày có điên không?
 
Cha Maximiliano Kolbe ôn tồn đáp:
 
- Thưa không, tôi là Linh mục chỉ có một mình, anh này còn vợ con, cần được sống.
 
Trước sức mạnh của tình thương, viên sĩ quan đứng lặng người trong giây lát, lạnh lùng buông lời:
 
- Thuận.
 
Thế là cả 10 người “được chọn” bị đẩy vào hầm cho chết đói!Trong hầm, cha Maximiliano Kolbe luôn ca hát và cầu nguyện, cha đã cảm hóa được 9 người kia xin theo Đạo. Sau một tháng người ta mở cửa ngục ra xem, thấy cha Maximiliano Kolbe vẫn sống bình an, và vui vẻ. Thấy vậy tên cai ngục đã chích cho ngài mũi thuốc độc kết thúc cuộc đời…!
 
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 14-10-1982. Hôm đó có cả gia đình anh tù được cha Kolbe chết thay cũng có mặt.
 
Quả thực: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình!” (Ga 15,13).
 
Vì cha Maximiliano Kolbe giống Chúa Giêsu, đã làm ứng nghiệm Lời Thánh Kinh: “Con cháu của chúng sẽ được định cư mãi trên miền đất Hứa. Đavid, tôi tớ của Ta là mục tử nhân hậu, là ông hoàng lãnh đạo dân cho đến muôn đời” (Ed 37,24b-25); cha Kolbe đã nối dài và mở rộng Lời Kinh Thánh nói: “Thà một người chịu chết cho mọi người được sống, chứ đừng để mọi người bị tru diệt” (Ga 11,50).
 
2. Tình yêu quên mình
 
Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.
 
Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi: “Sao mà ông dại dột hi sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?"
 
Ông thều thào: “Cứ nhìn vào trong xe thì biết!"
 
Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ.
 
3. Chết để được sống
 
Ngày kia giáo trưởng Alihamet dõng dạc tuyên bố với các đệ tử của ông:
 
- Ta thấy đã đến lúc chúng ta lại phải lên đường. Ta không biết những gì sẽ xảy ra. Các ngươi hãy tuân giữ những điều ta đã truyền dạy. Và các ngươi hãy nhớ kỹ điều này: Trong bất cứ cảnh huống nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: “Tôi chết thay cho thầy tôi!"
 
Đám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một lệnh truyền điên rồ như thế. Tất cả đều rút lui. Chỉ có một người dám chấp nhận và quyết tâm đi theo thầy.
 
Hai thầy trò lên đường và không biết sẽ đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Bạo chúa này đã ra lệnh cho binh lính: “Các ngươi phải bắt tên du thủ du thực đầu tiên nào mà các ngươi gặp và điệu tới cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này."
 
Thế là, khi vừa đặt chân tới cổng thành, người đệ tử của vị giáo trưởng liền bị lính bắt và điệu tới trước mặt bạo chúa.
 
Lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu thì vị giáo trưởng mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn:
 
-Thưa ngài, xin hãy giết tôi. Vì chính tôi đã dụ dỗ người thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống cuộc đời lang thang như tôi.
 
Nói xong, ông giơ tay lên trời.
 
Vừa thấy cử chỉ ấy của thầy mình, người đệ tử liền hô lên:
 
- Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi.
 
Nghe thế, bạo chúa lấy làm lạ, ông mới hỏi các viên cố vấn:
 
- Chúng là ai mà lại sẵn sàng chết thay cho nhau như thế ?
 
Các cận vệ đều ngơ ngác nhìn nhau. Bấy giờ bạo chúa đòi điệu giáo trưởng đến và yêu cầu giải thích lý do.
 
Vị giáo trưởng bình thản trả lời:
 
- Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng, bất cứ ai bị giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Vì thế mà thầy trò chúng tôi đã hăm hở tới đây để được chết.
 
Nghe thế, bạo chúa mỉm cười và ra lệnh thả tự do cho hai người. Cũng lúc ấy, người đệ tử chợt hiểu rằng, ai dám hy sinh mạng sống vì người khác thì sẽ tìm lại được.
 
4. Tình yêu đòi hy sinh
 
Bác sĩ Duan Cortez viết một bức thư cho tờ báo y học Medimundo ở Nam Mỹ.
 
- Tôi không thể giải thích được hiện tượng này, tôi đã khám nghiệm và tuyên bố đứa bé đã chết, nhưng vài giờ sau em bé này đã sống lại và mẹ em đã chết, cứ như là bà ta đã hút căn bệnh ung thư ra khỏi xác chết của con gái qua cơ thể bà.
 
Bé Argelina sống ở thành phố Darila, Argelina, đã can đảm chấp nhận chịu đựng chứng bệnh ung thư bao tử hơn hai năm nay (trường hợp ung thư rất hiếm xảy ra cho người dưới 30 tuổi). Sau nhiều cuộc giải phẫu và nhiều cách điều trị với tất cả mọi cố gắng, Bác sĩ Cortez đã phải báo tin buồn cho bà Maria rằng: ông ta đã bó tay và bé Argelina đã chết!
 
Theo lời Bác sĩ Cortez, bà Maria đã hóa điên cuồng khi nghe tin. Bức thư viết tiếp:
 
“Bà không cho bất cứ ai đụng đến thi thể con gái, bà chỉ quỳ bên giường đứa bé đã chết và cầu nguyện. Chúng tôi nghe bà cầu nguyện xin Thượng Đế để cho bà chết thay cho con. Tôi nghĩ nên tránh đi một lát để mặc bà một mình với đứa bé đáng thương đó. Tôi bảo các y tá cùng ra khỏi căn phòng với tôi, khi trở lại tôi không tin vào mắt mình nữa: Argelina đang đứng cạnh giường, trông rất rực rỡ và khỏe mạnh. Bà mẹ đang gục đầu trên giường, hầu như không thể cử động! Bà thều thào nói với tôi:
 
- Thưa Bác sĩ, Thượng Đế đã đáp lại lời cầu nguyện của tôi.
 
Bác sĩ Cortez nửa kinh ngạc, nửa hoài nghi. Ông cho khám nghiệm bé Argelina và thấy rằng, cô bé hoàn toàn khỏe mạnh, không dấu vết nào của bệnh ung thư còn sót lại trong cơ thể. Một loạt những xét nghiệm tiếp theo, ông thấy bà Maria sắp chết vì chứng bệnh ung thư bao tử mà nó đã giết chết con gái bà. Các thân nhân của bà Maria cũng kinh hoảng, họ đến bên giường để trấn an bà, hứa sẽ nuôi nấng dạy dỗ bé gái nên người. Bà Maria chết sau đó vài giờ.
 
Bác sĩ Cortez nói:
 
- Tôi không thể giải thích hiện tượng này trên phương diện y học. Thực sự đây là một phép mầu, vì rõ ràng là bé Argelina đã chết. Có lẽ, tôi chưa hiểu hết sức mạnh của tình mẫu tử hoặc một thế lực siêu-tự-nhiên nào đó!
 
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu lời thánh Phanxicô: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời."




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn