LỜI CHÚA TUẦN 7 PHỤC SINH
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH - Năm A - Năm B - Năm C -
NGÀY THƯỜNG – Thứ Hai - Thứ Ba - Thứ Tư - Thứ Năm - Thứ Sáu - Thứ Bảy –
NGOẠI LỊCH – Lễ Thăng Thiên -
LỄ THĂNG THIÊN - Hãy đi giảng dạy muôn dân
Lời Chúa: Mt 28, 16-20
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.
Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".
TRUYỆN KỂ
1. Bài chia sẻ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II--Mỗi Ngày Một Tin Vui
Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:
"Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất".
Từ hai ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Đây là một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm.
Như những tông đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn trời?"
2. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”
Fritz Kreisler (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một cơ nghiệp đồ sộ nhờ các buổi hoà nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết của cải. Do đó, trong một chuyến lưu diễn, ông tìm được một cây vĩ cầm thanh tú nhưng không đủ tiền mua.
Đến khi ông kiếm đủ tiền và trở lại, thì cây đờn đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Kreisler tìm đến chủ mới của cây vĩ cầm để xin mua lại. Nhà sưu tầm không muốn bán vì theo ông, nó là một bảo vật quí giá. Kreisler buồn bã và sắp sửa ra về, bỗng nảy ra một ý: “Xin đàn một lần trước khi nó bị ký thác cho sự câm lặng”.Chủ nhân chấp thuận. Vị nhạc sĩ tài ba đã làm cho nhà sưu tầm thực sự súc động vì tiếng đàn du dương của mình, đến nỗi ông ấy phải kêu lên “Kreisler ơi! Tôi, tôi không có quyền giữ chiếc đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới để thiên hạ được thưởng thức âm thanh của nó”.
Lạy Chúa, con cũng không có quyền giữ cho mình tất cả hồng ân Người đã ban tặng cho con. Tất cả đã được đón nhận thì tất cả cũng phải được sẻ chia. (Epphata)
3. Sống bác ái
Một bà kia nhìn thấy một bé gái gầy nhom và ăn mặc rách rưới. Bà cảm thấy bất nhẫn và kêu trách Chúa:
- Sao Chúa chẳng làm gì cả để giúp cho đứa bé khốn khổ ấy?
- Ta đã làm rồi đấy thôi. Chúa đáp.
- Nhưng Chúa làm gì đâu nào?
- Ta đã tạo dựng nên con ở bên cạnh đứa bé ấy. (Mark Link, Vision 2000).
4. Ai muốn lên thiên đàng?
Một hôm, trong nguyện đường D.S, một vị giảng thuyết hỏi giáo dân:
- Những ai muốn lên thiên đàng hãy đứng lên.
Tất cả cử tọa đều nhất loạt đứng dậy, chỉ trừ một người: anh ta cứ ngồi yên hàng ghế bên cạnh. Vị giảng thuyết liền hỏi anh ta:
- Thế còn bạn, bạn muốn đi đâu?
Chàng uể oải trả lời:
- Chả đi đâu cả! Tôi muốn được lên Thiên đang ngay ở đây.
Những người muốn một đời sống dễ dàng thường quên mất sự kiện này là: để sống dễ dàng, họ đã ỷ lại nhờ vả kẻ khác làm công việc mà đáng lẽ chính họ phải thực hiện. Nói khác đi, họ muốn đi du lịch mà không mất tiền (J. Keller, báo Thẳng tiến, số 29, th 01/63).
5. Dùng lời nói để làm chứng cho Chúa:
June là một bé gái 5 tuổi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và rất lanh lợi. Cha mẹ em đều là nhà giáo có lòng đạo đức. Mẹ thường đem em đi theo mỗi khi bà có việc phải đi ra ngoài. Một hôm, hai mẹ con dắt nhau vào trong bưu điện thành phố. Đang lúc bà mẹ lo gửi thư bảo đảm cho một người thân, thì bé June chạy chơi loanh quanh gần đó quan sát người ta làm việc. Bấy giờ một ông lão ngồi gần đó thấy bé gái kháu khỉnh dễ thương, liền bắt chuyện làm quen như sau: “Này cháu bé. Cháu có mái tóc đẹp lắm! Mà tại sao mái tóc của cháu lại đẹp đến thế nhỉ?” Cô bé liền vui vẻ trả lời: “Thưa ông, mẹ cháu dạy rằng: Chính Thiên Chúa đã ban mọi sự tốt đẹp cho cháu và cháu phải biết tạ ơn Người nhiều lắm đó!” Nói xong em nhìn thẳng vào mặt ông lão, nhoẻn một nụ cười thật dễ thương và hỏi: “Thế ông đã được Chúa ban cho điều gì tốt đẹp chưa? Ông có đươc Chúa ban ơn cứu độ không?”. Ông lão kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ của cô bé. Ông ngẩn người suy nghĩ giây lát về tình trạng của mình rồi đáp: “Chưa đâu, cháu ạ”. Em bé liền nói: “Thế thì ông phải cầu xin Chúa ban ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông trở thành con của Chúa, và ông sẽ được Chúa biến đổi nên một người mới rất xinh đẹp đó!” Nói xong, bé vội chạy về phía mẹ đang vẫy gọi ở lối đi bên kia. Ít tuần sau, ông lão tìm đến một nhà thờ xin học giáo lý dự tòng. Về sau ông cho biết: chính câu nói đơn sơ của cô bé hôm ấy đã đánh động tâm hồn vốn chai lì của ông, và luôn ám ảnh khiến ông không thể quên được. Cuối cùng ông đã quyết định phải theo đạo để được trở nên con của Thiên Chúa và được biến đổi nên tốt đẹp như em đã nói.
Câu nói của một bé gái tuy đơn sơ nhưng đã có sức mạnh khiến một người già cứng lòng phải suy nghĩ và quay trở về với Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có dám biểu lộ đức tin trước mặt người khác không? Có dám nói về Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa để họ tin Chúa và đi theo làm môn đệ Người hay không?
6. Truyền giáo cách cụ thể
Trong tác phẩm “Hương rượu mới”, tác giả thuật lại về giờ phút cuối cùng của cha mình như sau: Bấy giờ cha tôi đang hấp hối trên giường bệnh. Trong khi tôi chỉ biết ngồi nhìn cha với tâm trạng chán nản thất vọng, thì một nữ tu Công giáo với dáng người nhỏ nhắn đã bước vào phòng. Chị đi vòng qua bên kia giường cha tôi đang nằm, cầm lấy tay ông đưa lên vỗ nhè nhẹ. Sau đó chị hỏi: “Bác có nghe cháu nói không?” Ông cụ gật đầu. Đoạn chị nói với ông: “Trước đây bác đã tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế chưa?” Ông cụ lắc đầu. Chị nữ tu liền nói: “Bây giờ bác có muốn tin Chúa không?” Ông cụ đáp: “Dạ có”. Thế là chị yêu cầu ông lặp lại theo mình: “Lạy Chúa Giêsu, con tin nhận Chúa là Đấng Cứu Thế của con. Xin Chúa ban cho con được làm môn đệ Chúa và được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa trên trời. Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận linh hồn con”. Ông cụ lặp lại theo từng câu và sau đó từ từ nhắm mắt qua đời
7. Hướng lòng về quê hương
Những du khách có dịp đi du ngoạn ở miền bắc nước Tô Cách Lan, thường gặp thấy những đống đá chồng chất lên nhau. Những đống đá này hàm chứa một ý nghĩa lịch sử cho dân chúng miền đó. Đây là kỷ niệm của những người dân đã di cư đi nơi khác làm ăn. Người ta kể lại rằng: vì thiếu công ăn việc làm, dân chúng miền này phải tìm đến những nước công nghiệp như Canada, Uc hay Mỹ để tìm kế sinh nhai. Khi ra đi, họ thường nhặt một hòn đá của làng mình và đem theo cho đến khi bóng xóm làng chỉ còn là một chấm mờ ở đàng sau, họ dừng lại, đặt hòn đá xuống như một kỷ niệm yêu thương cuối cùng để lại cho quê hương của họ. Rồi hằng năm, vào dịp lễ thánh An-rê, bổn mạng nước Tô Cách Lan, người dân Tô Cách Lan trên khắp thế giới thường họp nhau lại để tưởng nhớ tới quê hương mình đã cách xa, và cũng để nhớ đến họ hàng thân thuộc còn ở lại quê nhà.
Bất cứ một người dân di cư nào cũng đã gói ghém trong hành trang của mình ít nhiều tình yêu quê hương sâu đậm. Người ta tìm ra hai nguyên nhân chính yếu đã là những động lực thúc đẩy các cuộc ra đi này, đó là một đời sống nghèo nàn, cơ cực, đói khát, với những điều kiện quá khắc khổ, không công ăn việc làm, không bảo đảm tương lai. Và một hấp lực lôi cuốn từ đàng trước, đó là một đời sống no đủ, sung túc hơn, với những hứa hẹn của một tương lai tươi sáng, bảo đảm và vững chắc hơn.
Người Kitô hữu cũng có thể được ví như những người dân di cư đó. Và cuộc ra đi của chúng ta là một cuộc hành hương về nước trời. Chúng ta cũng có một động lực thúc đẩy từ cuộc sống trần gian đầy vất vả này, và một hấp lực lôi cuốn của một quê hương hạnh phúc.
8. ‘Xây Nhà Trên Đá’--Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
1- Theo khoa khảo cổ, năm 370, một nhà thờ đã được xây trên sườn núi Ô liu, nơi Chúa Giêsu lên trời, bên trong đền thờ có một tảng đá in dấu chân, người ta tin đó là dấu chân Chúa Giêsu khi lên trời.
Quân Hồi đã phá đổ tường hình bát giác xây chung quanh đền thờ đó. Năm 1100 nghĩa binh Thánh giá đã xây lại tường thành. Năm 1200 quân Hồi chiếm lại, biến thành đền thờ Hồi giáo cho đến ngày nay, nhưng vẫn cho tín hữu Kitô giáo đến kính viếng. Đó là di tích Chúa Giêsu lên trời còn lại trên mặt đất.
Một di tích khác có giá trị lịch sử chắc chắn hơn về biến cố Chúa lên trời được ghi lại trong 3 sách Tin mừng Matthêu, Marcô, Luca và nhất là sách Công vụ Tông đồ và thơ Thánh Phaolô. Ba sách Tin mừng đều nói: Chúa Giêsu lên trời trước sự có mặt của mười một tông đồ. Sách Công vụ nói: “Người lên trời trước mặt các ông”, chứ không nói rõ 11 tông đồ. Sau đó các ông về nhà ở Giêrusalem: “Tất cả đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy phụ nữ, Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu, với anh em Người”. Trong những ngày ấy, Phêrô đứng lên giữa các anh em khoảng 120 người, để chọn một người làm tông đồ thay thế Giuđa. Số 120 người này chắc chắn có mặt lúc Chúa lên trời.
Sau này Phaolô nói với Giáo đoàn Côrintô rằng: “Người đã hiện ra với ông Phêrô, rồi với nhóm mười hai, sau đó Người hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ” (I Cor. 15, 5-6).
Vậy khi Chúa lên trời có rất đông người chứng kiến, đó là lúc: “Người đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt”.
9. Quảng cáo
Một người đàn ông khi còn sống chuyên môn làm nghề quảng cáo, đến lúc chết ông ta xuống gặp Diêm Vương. Diêm Vương ân cần hỏi: “Muốn ở thiên đàng hay hỏa ngục”.
Người đàn ông ngập ngừng đáp: “Chưa thấy thiên đàng hay hỏa ngục như thế nào thì làm sao mà chọn”.
Diêm Vương bèn dẫn ông ta đến một nơi và chỉ cho thấy cảnh thiên đàng: đó là một nơi mát mẻ, yên lặng, người người đi đi lại lại, nói chuyện nhẹ nhàng, chơi cờ thanh thản…
Đoạn dẫn đến một nơi gọi là hỏa ngục thì thấy vui nhộn hơn, có những đám ăn nhậu với đủ thứ thức ăn và rượu ngon, có cả văn nghệ với điệu nhạc xập xình, có các cô đào trẻ đẹp múa hát…
Sau khi đã nhìn thấy hai nơi rồi, ông ta mau mắn trả lời: “Ở thiên đàng buồn quá, tôi thích chọn hỏa ngục vui hơn”.
Thế là Diêm Vương sai hai thằng quỉ ném ông ta vào hỏa ngục. Vừa đến nơi ông ta la hoảng lên vì nóng quá, chả có văn nghệ, chả có ăn nhậu gì cả, mà chỉ thấy toàn lũ quỉ đen, nham nhở đang hành hạ các tội nhân. Ông ta sững sờ quay lại hỏi Diêm Vương:
“Thế hỏa ngục lúc nãy Ngài cho tôi thấy nó ở đâu?”.
Diêm Vương khoái chí cười ha hả đáp: “Ngu ơi là ngu, quảng cáo mà con!”.
Đời là thế đấy! đúng là “sinh ư tử nghiệp” “sống sao thác vậy”.
Nói một cách rõ ràng hơn thì người đàn ông trong câu chuyện đã bị “gậy ông đập lưng ông” vì khi còn sống ông ta đã dùng mánh khóe, xảo thuật để quảng cáo đánh lừa người khác làm lợi cho mình. Đến khi chết đi, ông ta vẫn mang dòng máu tham lam, ham lợi nên đã bị Diêm Vương cao tay hơn dùng chính lối quảng cáo đánh lừa ông ta.
CNPS 7A - Lời |Chúa
TRUYỆN KỂ
1. truyện
CNPS 7B - Lời |Chúa
TRUYỆN KỂ
1. truyện
CNPS 7C - Lời |Chúa
TRUYỆN KỂ
1. truyện
THỨ HAI - Cùng hiệp thông với Chúa
Lời Chúa: Ga 16, 29-33
Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Đúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra."
Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian."
TRUYỆN KỂ
1. Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta thấy suốt 300 năm đầu, cha ông ta lớn lên trong thử thách. Một cuộc thử thách triền miên và kéo dài! Còn ngày nay, tuy rất ít hình khổ như gông cùm, đòn roi và cái chết được trưng ra để tra tấn các Kitô hữu. Tuy nhiên, người Kitô hữu hôm nay phải đối diện với một thử thách mới, một cuộc thử thách mang tính vĩ mô và sâu xa đánh vào tận lương tâm của con người. Phải chăng đây là những thử thách tinh vi và người Kitô hữu khi sống đúng những giá trị của Tin Mừng thì cũng không khác gì một cuộc tử đạo liên lỉ, dai dẳng và kéo dài!
Hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết rằng: các ông là những người đi theo Chúa, không có lý do gì các ông không bị bách hại như chính Ngài. Nhưng liền sau đó, Ngài khích lệ các ông: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16, 33).
2. Dũng cảm và tự tin
Henri Shepler là một tân binh. Viên hạ sĩ sai anh xuống làm việc tại nhà ăn. Anh không đi. Viên hạ sĩ cho là anh bướng và dọa sẽ báo cáo lên cấp trên.
- Được, hạ sĩ cứ việc báo cáo. Tôi đăng ký đi lính chứ không phải đi làm bồi bàn.
Buổi chiều, Shepler bị gọi lên bộ chỉ huy. Đôi chân run run, nhưng lòng anh bình thản, vì anh biết mình hành động đúng. Vị sĩ quan hỏi:
- Có phải sáng nay anh không tuân lệnh cấp trên?
- Đúng vậy, thưa ngài.
- Tại sao anh làm vậy?
- Đơn giản là vì tôi cho rằng công việc trao cho tôi là không đúng. Tôi đăng ký làm người lính chứ không phải làm bồi bàn.
Vị sĩ quan bật dậy, đến bắt tay anh và nói: “Shepler, anh đúng là hạng người chúng tôi cần. Tôi vui mừng khi thấy anh là con người dũng cảm và tự tin ở mình."
3. Can đảm tuyên xưng Chúa.
Trong thời kỳ cách mạng Pháp, có 16 nữ tu dòng Carmel bị kết án tử hình vì tội cuồng tín. Khi tòa tuyên án, một trong số 16 nữ tu rụt rè hỏi: “Thưa quan tòa, tội cuồng tín là gì”?
Vị thẩm phán đáp: “Là tội dại dột và cố chấp tin vào một tên tử tội đã bị kết án đóng đinh ở trên thập giá cách đây cả hơn nghìn năm." Nghe thế, vị nữ tu chắp tay ngước mắt lên trời và nói: “Ôi! Thật tuyệt diệu khi được chết vì Chúa Kitô."
Đến ngày xử án, 16 nữ tu được mang ra pháp trường trên chiếc xe ngựa chuyên dùng chở các tử tội, ai thấy xe ấy cũng sợ, ngoại trừ 16 nữ tu đơn sơ yếu đuối sắp bị hành quyết. Họ cất tiếng thánh thót hát lên những bài thánh ca quen thuộc, trước khi bị đem lên máy chém, từng người một quì trước mặt Mẹ Bề Trên để lặp lại lời khấn vâng lời, sau đó họ cất tiếng hát kinh “Veni Creator: Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến."
Với một chiếc đầu rơi, cường độ của âm thanh nhỏ dần, cuối cùng đến phiên Mẹ Bề Trên tên là Têrêsa Augustina, trước khi bị lưỡi dao rơi xuống kết thúc cuộc đới, người môn đệ của Augustinô ấy đã lặp lại lời của thánh nhân: “Tình yêu sẽ luôn chiến thắng, vì tình yêu có sức mạnh vô song."
4. Giữa thế gian, các con sẽ đau khổ. Nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian
Chúng ta hãy nghe một đoạn văn nói về một cuộc hành hình các Kitô hữu đầu tiên dưới thời bạo Chúa Néro năm 64 tại Rôma: “Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, ánh mắt của nó chiếu qua tấm che trần màu đỏ tía, khiến cho nhà hát ngập màu máu. Cát nhuộm màu lửa đỏ, và trong thứ ánh sáng ấy, nét kinh hoàng hiện lên khuôn mặt của khán giả cũng như bãi đấu trường mà lát nữa đây sẽ tràn ngập nỗi đau đớn của những con người bị hành hình và nỗi điên cuồng của những dã thú. Cửa hầm mở, đoàn người bị gói trong những tấm da thú được đẩy ra. Toàn nhà hát vang lên những tiếng rì rầm “Bọn Thiên Chúa giáo!… Bọn Thiên Chúa giáo!…”
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội VN chúng ta: cũng không có luật trừ. Suốt ba thế kỷ liền, kể từ năm 1553, cùng với Tin Mừng của Chúa đến Việt Nam thì Thánh Giá cũng đến theo.
Lịch sử Giáo Hội đã được khởi đầu với những cuộc bách hại. Và trải qua hơn 2000 năm số phận của người Kitô hữu cũng vẫn luôn là số phận bị nghi ngờ, bị thù ghét và có thể bị bách hại nữa. Tại sao? Lời Chúa Giêsu hôm nay là câu trả lời quý giá cho chúng ta.
5. Thầy chiến thắng
Thời Cách mạng Pháp (1789-1799) không biết bao nhiêu linh mục tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển. Napoléon 1 lên ngôi, ông sang Ý bắt luôn cả Đức giáo hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau vì Ngài đã phản đối việc ông ly dị với bà Josephine để cưới Marie Louis làm vợ. Một hôm, vì quá tức giận, Napoléon đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, quốc vụ khanh Tòa Thánh lúc đó:
- Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh.
Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:
- Thưa Ngài, chính chúng tôi đây là những kẻ ở bên trong Hội Thánh. Dù với bao nhiêu gương xấu, tội lỗi, chia rẽ, khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh suốt 19 thế kỷ qua, thì làm sao mà Ngài có thể phá tan Hội Thánh được.
Về sau Napoléon đã phải tuyên bố:
- Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại.
6. Tôi muốn nhập bọn
thời Cách mạng Pháp (1789-1799) không biết bao nhiêu linh mục tu sĩ phải lưu đày, xử giảo hoặc bị nhận chìm xuống lòng biển. Napoléon 1 lên ngôi, ông sang Ý bắt luôn cả Đức giáo hoàng Piô VII đem về cầm tù tại Fontainebleau vì Ngài đã phản đối việc ông ly dị với bà Josephine để cưới Marie Louis làm vợ. Một hôm, vì quá tức giận, Napoléon đã nói thẳng với Hồng Y Consalvi, quốc vụ khanh Tòa Thánh lúc đó:
- Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh.
Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:
- Thưa Ngài, chính chúng tôi đây là những kẻ ở bên trong Hội Thánh. Dù với bao nhiêu gương xấu, tội lỗi, chia rẽ, khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh suốt 19 thế kỷ qua, thì làm sao mà Ngài có thể phá tan Hội Thánh được.
Về sau Napoléon đã phải tuyên bố:
- Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại.
7. Chiến thắng của tình yêu
Ceasar đã ngạo nghễ tuyên bố trước Nguyên Lão Viện Rô-ma: “Veni, vidi, vici” (Ta đã đến, Ta đã thấy, và đã chiến thắng), để nói về chiến thắng thần tốc của ông tại Ponto (năm 47 tCN) trong công cuộc chinh phục các nước. Thế nhưng, ông chỉ triệt hạ được các thành trì, chứ không chinh phục được lòng người. Đức Giê-su cũng đã đến trần gian, đã nhìn thấy những nỗi khổ đau của con người và đã chiến thắng. Ngài chiến thắng thế gian, sự chết, quyền lực sự dữ. Khác với Ceasar, Ngài chinh phục lòng người, chinh phục không bằng phô trương sức mạnh, nhưng bằng cách tỏ tình yêu thương. Ngài chiến thắng cái ác bằng điều lành, thắng hận thù bằng tình thương, và thắng sự chết bằng sự sống lại.
Mời bạn nhớ lại đêm Canh thức Phục sinh, khi thắp ngọn nến của mình từ nến Phục sinh, bạn tuyên xưng niềm tin vào chiến thắng của Đức Giê-su. Bạn tuyên xưng tình thương thắng hận thù, chân lý thắng gian tà, sự sống mạnh hơn sự chết. THỨ BA - Ngưỡng cửa vào sự sống
Lời Chúa: Ga 17, 1-11a
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.
“Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.
“Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha."
TRUYỆN KỂ
1. Đức Kitô cầu nguyện
Tôi là một linh mục, dâng thánh lễ mỗi ngày. Trong lời nguyện cầu, tôi mang tất cả tâm tình của anh em phó thác cho Thiên Chúa. Tôi tạ ơn Ngài đã ban mọi ơn lành trong cuộc sống của con người, mà tôi là đại diện dâng lời tri ân. Tôi phó thác mọi cái khổ của người anh em tôi, những khắc khoải lo âu mà họ và tôi đang phải chiến đấu bôn ba mà chưa thấy mặt trời giữa đêm tối của cuộc sống của chính tâm hồn...
Trong cuộc sống, tôi yếu đuối, trong thánh lễ tôi dâng chính tôi và dâng mọi nỗi yếu hèn của kiếp nhân sinh xin Chúa chữa lành, thánh hóa. Tôi cảm thấy mình như là cầu nối giữa Thiên Chúa và tha nhân. Tôi đại diện nhân loại để hiến tế, để khẩn cầu... Trong chức vụ linh mục thừa tác, tôi được Thiên Chúa ủy quyền để ban phát cho anh em mình của bánh thần lương và giải thích lời Ngài...
2. Hãy cư xử như pho tượng để hiệp nhất.
Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, có câu chuyện như sau: có bảy vị ẩn tu nọ kéo nhau đến sống trong một ngôi đền bỏ hoang của người Ai Cập. Phía trước ngôi đền có một pho tượng. Đây là ngôi đền duy nhất còn sót lại sau khi đã bị tàn phá. Người cao niên nhất trong bảy anh em được bầu làm Bề trên của cộng đoàn. Để dạy anh em qui luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi sáng ông ra trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném vào đó. Chiều đến, ông lại ra trước pho tượng và xin lỗi vì hành động ném đá của ông. Cử chỉ khác thường của Bề trên này kéo dài một thời gian khá lâu.
Ngày nọ, không còn nén nổi tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy. Vị Bề trên trả lời bằng cách hỏi lại người đó như sau:
- Khi ta ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không?
Người kia trả lời:
- Không.
Vị Bề trên tiếp tục hỏi:
- Buổi chiều khi ta đến xin lỗi, pho tượng có để lộ xúc động nào không?
Người kia cũng trả lời:
- Không.
Vị Bề trên mới giải thích:
- Anh thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn, nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu thương nhau, chúng ta hãy sống như pho tượng này, đừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có người anh em xúc phạm đến ta, và cũng đừng có ai trong chúng ta tỏ ra hãnh diện khi có người đến xin lỗi mình.
3. Có ba cháu ở trong nhà
Trên một bãi biển…
Chú ơi! Chú ngồi ghế của cháu, cháu lấy rẻ thôi.
Anh thanh niên lên tiếng:
Nó còn bé, mới học lớp bốn. Chú đừng nghe nó.
Quay sang thằng bé, anh sừng sộ:
Này con nít mà bày đặt, mày muốn gì?
Chú ơi, chú đừng sợ, chú đừng sợ, có ba cháu ở trong nhà mà… Anh thanh niên nghe thấy thế liền bỏ đi.
Quả thật, danh của Cha đã bảo vệ thằng bé kia khi nó đặt trọn niềm tin vào Cha của nó.
Trong cuộc sống hằng ngày, cám dỗ bủa vây tứ phía, nhưng mấy khi tôi chạy đến cùng Cha?
Lạy Cha, xin cho chúng con biết chạy đến cùng với Cha mọi lúc trong cuộc sống.
4. Tình yêu làm cho nên một
Ngày xưa trong gia tộc nhà mèo, có một chú mèo con như lạc loài. Bố chú trắng, mẹ chú trắng, ông nội, ông ngoại chú trắng, bà nội, bà ngoại chú trắng, các anh, các chị, các cậu, các chú, các dì chú đều trắng cả. Chi có chú là đen tuyền. Vâng! Chỉ duy có một mình chú là đen tuyền.
Khi sinh ra đời, chú nằm giữa bốn em nhỏ của chú cứ như là hòn than nằm trong tuyết. Tất cả gia đình mèo trắng ngồi quanh cái ổ 05 chú mèo mới sinh. Ai cũng gãi tai... Bố mẹ chú cũng gãi tai và nói:
- Thằng bé này đáng lẽ trắng thì lại đen tuyền, thật chẳng giống ai! Trái với lẽ tự nhiên.
Mẹ chú liếm cho chú cả ngày, mà rồi chú vẫn đen như thế. Chú lớn lên cùng với lũ em. Cả nhà rất yêu chú, nhưng không sao quen với màu đen lông của chú được.
Về phần chú, càng lớn chú càng ngạc nhiên khi thấy mình chẳng giống ai cả. Điều này gây ra rất nhiều oái oăm. Nếu chú chơi ú tim trên nệm trắng, lũ nhóc tìm ra chú ngay. Nếu chú đuổi bắt trong hầm tối, lũ nhóc không sao tìm thấy chú được. Khi cả nhà uống sữa, vì chú đen nên cả nhà ai cũng tưởng chú uống nhiều hơn. Kể ra thế cũng khổ thật!
Một hôm, chú bỏ cuộc chơi, nằm cuộn tròn trong góc bếp, như một con mèo già. Mẹ chú lo lắng hỏi:
- Con không ốm đấy chứ?
Chú đáp:
- Không, mẹ ạ con đang nghỉ.
Tối hôm ấy, trong khi chú mèo đen tiếp tục suy nghĩ, thì bố mẹ chú mời tất cả: ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, các anh, các chị, các cậu, các chú, các dì, các bác... Cả gia đình cùng họp lại. Bố chú meo meo một bài diễn văn dài. Ông tuyên bố rằng, không thể để tình trạng này kéo dài mãi như vậy, vì mèo đen ngày càng thêm rầu rĩ. Ông đề ra một phương án để biến đổi tình thế. Cả họ nhà mèo đồng nhất trí. Bấy giờ, bố chú mèo liền lên tiếng:
- Nào, chúng ta đi.
Im lặng nối đuôi nhau, cả họ nhà mèo trắng bước đến cái bồ than, rồi lặng lẽ, nối đuôi nhau, rồi họ ra khỏi cái bồ. Thế là cả ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại, các anh, các chị, các cậu, các chú, các dì, các bác đều biến thành đen, đen như hòn than. Họ hàng mèo trắng đã biến thành mèo đen rồi tiến về phía bếp để tìm chú mèo nhỏ. Không ai thấy chú đâu cả, mà chỉ thấy một con mèo trắng, trắng toát từ râu đến đuôi. Mọi người kinh ngạc. Con mèo lạ kêu lên “meo meo." Mẹ mèo mừng rỡ:
- Con trai tôi đây mà!
Bố mèo reo lên:
- Cu cậu đã lăn mình vào bột!
Chú mèo âu yếm gọi
- Bố... ố! Mẹ!
Và một ông chú, vốn hay nói chữ, đùa vui:
- Đã thương yêu nhau thì đen hay trắng có sao đâu!
Cả họ nhà mèo cùng bật cười, thi nhau nhảy vồ nhau. Than và bột bay tứ tung mịt mù. Chẳng còn mèo đen, chẳng còn mèo trắng mà chì còn mèo xám thương nhau...
Vâng, nếu mỗi người chúng ta biết nghĩ đến nhau, biết làm cho cái tôi của mình nhỏ lại, biết bớt đi cái sĩ diện, biết làm vui lòng nhau, thực lòng yêu thương nhau thì cho dù chẳng đi tìm, sự hiệp nhất đoàn kết sẽ đến với chúng ta. Amen.
5. Đời tôi thuộc về Chúa
Edith Stein xuất thân trong một gia đình Do thái ở Phần Lan. Năm 24 tuổi, bà đậu tiến sĩ triết học, trở thành kitô hữu năm 30 tuổi, nữ tu năm 40 tuổi, và chết trong phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã năm 52 tuổi. Năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước cho bà. Edith Stein viết về cuộc đời của mình như sau: “Tôi tin rằng chẳng có gì là tình cờ khi nhìn trong ánh sáng Thiên Chúa. Tôi tin rằng cả cuộc đời tôi dành riêng cho chương trình của Thiên Chúa và có ý nghĩa hoàn toàn mạch lạc trong cái nhìn thấu suốt của Ngài.”
Tôi thấy hoặc cảm thấy cuộc đời tôi là một phần trong chương trình rộng lớn của Thiên Chúa như thế nào?
“Ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi” (Mt 10,30)
6. Để kết hiệp với Chúa
Ba nhà giảng thuyết đang thảo luận về cách tốt nhất phải áp dụng khi cầu nguyện. Người thứ nhất nói: “Tôi đã thử tất cả, và thấy rằng quỳ cầu nguyện vẫn là cách tốt nhất.” Người thứ hai nói: “Có thể điều đó đúng, nhưng hầu hết các nhà thần bí Đông Phương đều đề nghị ngồi xếp bằng trên sàn là cách tốt nhất.” Người thứ ba nói: “Cách tốt nhất khi cầu nguyện đối với tôi là ngước mắt lên trời.” Một người thợ điện làm việc gần đấy nghe được câu truyện liền nói: “Tư thế cầu nguyện tốt nhất đối với tôi là treo một chân trên cột điện thoại trong cơn sấm sét.”
Tôi có kinh nghiệm tư thế cầu nguyện tốt nhất không? Tôi có bao giờ cầu nguyện lớn tiếng trước hoặc sau khi suy niệm không? Tôi có bao giờ ngước mắt lên trời hoặc quỳ gối giây lát trước khi cầu nguyện không?
Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, Quỳ trước Tôn Nhan Chúa là Đấng dựng nên ta (Tv 94,6).
7. Chiêm ngắm Chúa cầu nguyện
Hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện gợi lại câu truyện trong cuộc đời Dorothy Day. Cô nói rằng trước khi hoán cải và làm việc giữa những người nghèo ở Nữu Ứơc, cô thường vui chơi thâu đêm trong các quán rượu. Thế rồi, trên đường về nhà khoảng 6 giờ sáng, cô đã dừng lại ở nhà thờ thánh Giuse trên đại lộ 6. Điều lôi cuốn cô ở nhà thờ ấy là hình ảnh người ta đang cầu nguyện trong Thánh lễ sáng. Cô viết: “Tôi khao khát niềm tin của họ, vì thế tôi thường bước vào và quỳ ở hàng ghế sau.”
Tôi có thể nhớ lại đã lần nào tôi bị xúc động bởi niềm tin của ai đó đang cầu nguyện không?
Nếu các bạn, những kitô hữu ở Ấn độ, ở Anh quốc, ở Hoa kỳ, sống đúng tinh thần Kinh Thánh, thì các bạn có thể chinh phục Ấn độ chỉ trong vòng năm năm. [Một tín đồ Ấn giáo nói với một nhà truyền giáo].
8. Biết Chúa hay không
Tính hài hước và vẻ quyến rũ của Mark Twain làm cho ông nổi tiếng, không những ở Mỹ, mà còn ở Châu Âu. Trong một cuộc hành trình đến Châu Âu, ông được mời ăn tối với một viên thị trưởng. Khi biết được lời mời, đứa con gái nhỏ của ông nói: “Cha ơi, cha biết các nhân vật lớn, ngoại trừ Thiên Chúa.” Cô bé muốn nói đến sự kiện cha cô không phải là người có đạo, ít là theo nghĩa đen của nó.
Một ví dụ cho tính hài hước không tính ngưỡng của Mark Twain là câu này trong sổ tay của ông: “Nếu Chúa Kitô có mặt nơi đây, thì có một điều Ngài không thể là, đó là làm một kitô hữu.”
Quan điểm của Mark Twain là gì? Nó có giá trị cho hôm nay ra sao?
Tôn giáo không phải là cách nhìn về một vấn đề nào đó, mà là cách nhìn về mọi sự. (Robert E.Segal)
9. Cầu nguyện nối kết
Trong mục: “Những ý để suy nghĩ” tạp chí Reader`s Digest đăng câu truyện xúc động của Cy Fey. Một người đàn ông đứng tuổi khóc nức nở khi đứng một mình trước tượng đài cựu chiến binh Mỹ ở Washington. Xúc động trước cảnh tượng này, một thanh niên tiến đến đặt tay trên vai ông và nói: “Trong số đó có con của ông phải không?” Người đàn ông đáp nhỏ: “Không phải chỉ có một, mà là tất cả họ.”
Đó cũng là tinh thần đã khiến Chúa Giêsu xúc động để cầu nguyện, không những cho các môn đệ, mà còn cho các tín hữu.
Lời cầu nguyện của tôi có bao giờ quan tâm đến hết mọi người hay chỉ những người tôi yêu thương?
Không có tình yêu và lòng nhân từ đối với kẻ khác, tình yêu dành cho Chúa Kitô chỉ là tưởng tượng (Thomas Merton). THỨ TƯ - Xin Cha gìn giữ họ
Lời Chúa: Ga 17, 11b-19
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.
“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý."
TRUYỆN KỂ
1. Xin Cha gìn giữ họ.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Có một câu truyện tưởng tượng như sau:
Khi Chúa Giêsu về Trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài:
- Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng?
Chúa Giêsu trả lời:
- Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên sứ Gabriel giật mình sửng sốt:
- Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không?
Chúa Giêsu đáp:
- Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.
Điều gì đã khiến Chúa Giêsu tin tưởng vào sự trung tín của các môn đệ, dù gặp gian truân thử thách? Chúng ta có thể tìm được câu giải đáp trong bài Tin mừng hôm nay.
2. Hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tháng Giêng năm 2003, tôi đến Rôma kinh thành muôn thuở để họp tại trụ sở Trung ương Dòng, dành những thời gian rảnh, chúng tôi viếng các Đền thờ Mẹ… Tại đền thánh Phêrô, chúng tôi kính viếng lăng mộ của ngài cùng với các Đấng kế vị. Bất ngờ dịp đó chúng tôi được chiêm ngưỡng xác Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, vị mục tử được gọi là Giáo hoàng nhân lành. Đức Gioan XXIII, được phong Chân phước ngày 3/09/2000. Xác được đặt ngay phía dưới một bàn thờ trong đền thờ Thánh Phêrô cho dân chúng kính viếng và cầu nguyện nhân dịp kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II, Công đồng chung do Ngài loan báo triệu tập. Thi hài ngài được đặt trong hòm kính, với khuôn mặt nguyên vẹn hồng hào như đang ngủ. Công đồng Vaticanô II được gọi là Công đồng Đại Kết vì hướng hiệp nhất của Giáo hội. Tôi nhớ về lời phát biểu của ngài về Đại kết: “Các anh em tín hữu Kitô khác đều là anh em với chúng ta họ chỉ hết là anh em khi họ hết học kinh Lạy Cha…." Đức Gioan XXIII, vị Giáo hoàng có những nỗ lực phi thường để đối thoại với các tín hữu Kitô để tìm con đường hiệp nhất. Tôi còn nhớ đọc một câu chuyện về Ngài khi trên giường bệnh và giờ hấp hối miệng ngài luôn khẩn nguyện: “Xin cho họ hiệp nhất."
3. Họ không từ bỏ Ta
Truyền thuyết kể lại rằng khi Chúa Giêsu trở về trời, sứ thần Gabriel hỏi Ngài xem mọi người đã nhận biết tình yêu Ngài dành cho họ chưa. Chúa Giêsu trả lời: “Chỉ một số ít thôi.” Sứ thần Gabriel choáng váng và hỏi: “Thế số còn lại sẽ nhận biết bằng cách nào?” Chúa Giêsu đáp: “Số ít kia sẽ nói cho họ biết.” Sứ thần nói: “Nhưng nếu họ từ bỏ Ngài, nếu họ gặp chống đối và nếu họ mất đi can đảm. Ngài không có kế hoạch dự phòng sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Không. Ta tin tưởng họ không từ bỏ Ta.”
Điều gì thuyết phục tôi rằng những người đi theo Chúa Giêsu sẽ không từ bỏ Ngài?
Tôi thường nài xin Chúa giúp tôi. Thế rồi tôi tự hỏi: tôi có thể giúp gì cho Ngài. (Hudson Taylor)
4. Ảnh hưởng của gương sáng.
Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau trong cuốn tự thuật mang tựa đề: “Từ ách nô lệ đi lên” của ông: “Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân."
Cách đây ít lâu một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại Công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều dèm pha, đay nghiến từ người chồng do việc bà trở lại đạo. Có lần cha xứ hỏi bà: “Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì”? Bà đáp: “Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn, khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn; khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng được chứng tỏ cho ông thấy khi con trở lại đạo, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn."
Một thời gian sau, ông xin trở lại đạo Công giáo, không phải vì lời giảng của cha xứ nhưng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.
5. “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.”
Khi đọc câu Lời Chúa này, tôi nhớ lại kinh nghiệm của một anh trong nhóm. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi đến một nhà hàng không được “trong ánh sáng” cho lắm. Mỗi người vào bàn, và mỗi người đều có một cô “phục vụ” bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né, vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. Sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi: “Tại sao cô phải là nghề này?” Cô gái thinh lặng một lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh lúng túng… Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ: “Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống bằng nghề này được.”
Lắm khi tôi xa lánh người xấu, những cái phàm tục, trong khi Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm “danh, lợi, thú.” Và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như lời Chúa Giêsu đòi hỏi.
6. Cho thì có phúc hơn nhận
Một bà mẹ bảo đứa con trai 7 tuổi đánh bóng giày của bà vào dịp Giáng Sinh. Bà vui mừng vì việc làm của đứa con đến độ bà cho nó 25 xu. Sau đó, khi mang đôi giày đã được đánh bóng vào, ngón chân bà đụng vào một cái gì đó. Tháo giày chân trái ra, bà thấy một đồng 25 xu được gói trong một mẫu giấy nhỏ có ghi: “Đây là 25 xu con trả lại mẹ, con đánh giày cho mẹ vì tình yêu. Richard.”
Tinh thần cho đi của Richard và lời Chúa Giêsu về việc cho đi mời gọi tôi tự hỏi: tôi có tinh thần cho đi thế nào trong đời sống?
Điều tốt nhất để cho kẻ thù là sự tha thứ, cho kẻ đối lập là sự khoan nhượng, cho bạn bè là trái tim, cho con cái là tấm gương sáng, cho chính mình là sự kính trọng, cho mọi người là lòng bác ái (Francis M.Balfour).
7. Bàn tay trắng
Cuốn tiểu thuyết “Quyền lực và vinh quang” của Graham Green nói về những bách hại tôn giáo ở Mêhicô. Một trong các nhân vật của cuốn tiểu thuyết là một vị linh mục cao niên. Sự căng thẳng thường xuyên vì bị cảnh sát săn đuổi đã để lại hậu quả trên ông. Ông quay sang rượu chè và không phục vụ dân chúng một cách đúng đắn. Rốt cuộc, ông bị bắt và bị kết án tử hình. “Buổi sáng ngày bị hành hình, ông thức dậy với nỗi đau khôn xiết. Nước mắt tràn trên khuôn mặt... Ông không sợ bị đọa đày... Ông chỉ cảm thấy vô cùng thất vọng vì phải trở về cùng Thiên Chúa với bàn tay trắng.” Ít ra, trong suy nghĩ của mình, ông đã thất bại. Điều đó thật khác xa với thái độ của Chúa Giêsu!
Tôi có thể tiến hành công việc hàng ngày Thiên Chúa trao phó cách tốt hơn thế nào?
Trung thành trong những điều nhỏ mọn là một điều lớn lao (Thánh Gioan Kim Khẩu).
8. Làm chứng cho sự thật
Truyện thánh Pacôm kể rằng, khi còn ngoại đạo, đã đăng lính trong đạo binh Rôma. Ngày kia, các binh sĩ trong đơn vị của ngài, đã kiệt sức vì đói và khát sau khi đi bộ qua sa mạc dưới cái nóng chết người, thất thểu vào thành Thebes (Tê-bes) ở Ai Cập. Thấy cảnh tượng đó, có nhiều người chạy lại bên họ, cho họ ăn uống, cùng chăm sóc họ chu đáo, tận tình. Pacôm ngạc nhiên hỏi những người tốt lành này là ai và được trả lời rằng: “Họ là các kitô hữu.” Ngài thốt lên: “Một tôn giáo dạy người ta cứu giúp những kẻ khốn khổ hoàn toàn xa lạ với mình là một tôn giáo chỉ có thể đến từ vị Chúa chân thật.” Sau biến cố này, Pacôm, trở lại đạo Công giáo và trở thành một vị sáng lập các đan viện, sống cộng đoàn bác ái huynh đệ. Philatô đã từng hỏi: “Sự Thật là gì?” nhưng không thể hiểu được, còn Pacôm tin nhận Thiên Chúa là Sự Thật nhờ những người kitô hữu ở Thebes đã làm chứng bằng hành động bác ái.
Người kitô hữu được “thánh hiến trong sự thật” nên sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật. Sự thật về Chúa Giêsu chỉ có thể được tỏ hiện qua cái chết tự hiến vì yêu thương trên thập giá: “Ông này quả thật là Con Thiên Chúa.” Noi gương Chúa Kitô, người kitô hữu không chỉ làm chứng nhân bằng việc tử đạo mà còn làm chứng cho sự thật bằng chứng từ bác ái nữa.
9. Không thuộc về thế gian
"Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô." Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.
Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ. Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.
Khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình. Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.
Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay. Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ. "Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian" (Ga 17,18).
10. Xin cho chúng nên một
Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.
Một viên tướng nước Tề cho bắt đến, hỏi: “Đứa bé nàng bế chạy là con ai? Còn đứa bé nàng bỏ liều là con ai?”
Người đàn bà thưa: “Đứa tôi bế là con anh cả tôi; đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ con tôi lại."
Viên tướng nước Tề nói: “Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?”
Người đàn bà nói: “Con tôi là ‘tình riêng’ con anh tôi là ‘nghĩa công’. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc ‘nghĩa’. Tôi không thể nào chịu tiếng vô ‘nghĩa’ mà vác mặt sống ở nước tôi được."
Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng: “Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều ‘nghĩa’ chẳng chịu đem tình riêng mà hại ‘nghĩa công’ huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu trong nước. Xin kéo quân về."
Vua Tề cho là phải.
Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong tước.
Câu chuyện cho ta thấy sức mạnh của một quốc gia được biểu lộ nơi những con người biết nghĩ tới người khác, biết hy sinh quyền lợi mình cho quyền lợi người khác. Hiển nhiên là giá trị của một cộng đồng, cũng được biểu lộ nơi những con người biết hành động như vậy.
11. Làm một giọt nước trong
Năm 1979, trên đường về nhà sau khi lãnh giải Nobel, Mẹ Têrêxa đã ghé qua Rôma. Rất nhiều ký giả bao vây để chụp hình và muốn phỏng vấn. Một ký giả táo bạo hỏi Mẹ:
- Năm nay Mẹ đã 70 tuổi. Khi Mẹ qua đời thế giới cũng vẫn như trước! Chẳng có gì thay đổi sau bao nhiêu cực nhọc?
- Anh thấy đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới. Tôi chỉ tìm cách làm một giọt nước trong, một giọt nước lóng lánh rạng ngời tình yêu Thiên Chúa. Anh cho là quá ít sao? Mẹ trả lời với một nụ cười thật tươi.
Anh ta lúng túng… các ký giả khác lặng thinh. Mẹ nói tiếp:
- Anh hãy cố gắng trở thành một giọt nước trong. Như thế sẽ có hai giọt nước trong. Anh lập gia đình chưa?
- Dạ rồi.
- Vậy anh cũng hãy nói với vợ như thế, và chúng ta sẽ là ba giọt nước trong. Anh có con chưa?
- Thưa Mẹ, ba đứa.
- Tốt lắm. Vậy anh cũng nên nói với các con, và như thế, tất cả chúng ta sẽ là sáu giọt nước trong.
Từ một đến hai, đến ba, rồi đến sáu giọt nước trong. Những giọt nước lóng lánh rạng ngời tình yêu Chúa. Đang dồn sức cho việc tông đồ, tại sao tôi lại không nghĩ đến một cuộc hiện xuống mới của Chúa Thánh Thần theo cách trình bày của Mẹ Têrêxa? Nhỏ bé thôi mà rất vĩ đại!
Giọt nước đầu tiên là tôi. Hãy là giọt nước lóng lánh rạng ngời tình yêu Chúa. THỨ NĂM - Sức mạnh của hiệp nhất
Lời Chúa: Ga 17, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con.
Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.
Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa."
TRUYỆN KỂ
1. Sức mạnh của hiệp nhất.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Có một câu truyện cổ như sau:
Trong một buổi hội họp của tất cả các muông thú rừng xanh, dòng giống nhà cọp đã dành được ngôi vị Chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn. Trước khi phóng mũi tên, bác thợ săn nói với cọp:
- Hỡi Chúa sơn lâm, hãy đón nhận điều mà con người gửi đến các muông thú.
Và mũi tên đã cắm phập vào lưng cọp. Quá đau đớn, cọp đã chạy trốn vào rừng rậm. Thấy cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi: tại sao? Cọp lắc đầu đáp:
- Chỉ một lời con người muốn nói với ta, mà đã làm ta đau đớn thế này, thì làm sao chúng ta có thể chống lại bọn họ.
Sói già an ủi cọp:
- Điều suy nghĩ của Chúa sơn lâm thực tế, tuy nhiên, Chúa sơn lâm lại quên một điều là nếu tất cả muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Như nhà sói chúng tôi đây tuy sức mạnh không bằng Chúa sơn lâm, nhưng cả một bày sói, với sức mạnh tổng hợp, chúng tôi có thể làm thịt người thợ săn.
2. Nên một trong tình yêu Chúa
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quý giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con. Nói xong, ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha xem." Ba người con vâng lời cha bẻ gãy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó, người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: “Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem." Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gãy được. Bấy giờ, người cha mới nói: “Nếu các con biết đoàn kết yêu thương nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gãy được các con. Ngược lại, nếu các con không đoàn kết yêu thương nhau mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gãy một cách dễ dàng, hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết."
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.
3. Hiệp nhất là dấu chứng cho sự hiện diện của Chúa
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã diễn tả rất sâu sắc về giá trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau: “Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô."
Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.
Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta.
4. Thích được biết đến
Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với dàn hợp xướng gồm cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát: “Tiếng sáo nào kì vậy?” Và phải tập lại từ đầu.
5. Lo cho dân
Hoàng đế Fransois Joseph là vua nước Hung gia lợi từ 1848-1916, một triều đại dài nhất trong lịch sử và cũng là một triều đại tiến bộ nhất. Hoàng đế là con người rất nghiêm khắc, nhưng lại trị vì đất nước rất khoan dung.
Khởi đầu triều đại của ông, bệnh dịch tả lan tràn khắp Châu Âu. Triều thần đề nghị với vua Fransois Joseph bỏ kinh đô Vienne nước Áo để sang Salzburg nước Hung Gia Lợi, cho tới khi tai họa qua đi. Vua Fransois Joseph liền hỏi:
- Ở Salzburg có đủ phòng nghỉ cho con cái ta không?
Quan đại thần thưa:
- Tâu đức vua, ở Salzburg chắc chắn có đủ phòng nghỉ cho tất cả hoàng gia.
Vua Fransois Joseph hỏi lại hai lần nữa:
- Có thực sự có phòng đủ cho con cái ta chớ?
Rồi giơ tay chỉ vào dân chúng đông đúc đang đứng ngoài sân mà nói với quan đại thần:
- Quan hãy nhìn đám dân chúng đông đúc kia. Họ là con cái của ta cả. Có người cha nào đang tâm bỏ con cái trong nguy hiểm sao? Không! Những người tại thủ đô Vienne này đã chia sẻ vui buồn với ta. Ta sẽ không bỏ họ trong giờ lo âu. Ta phải quan tâm đến họ, như là lo cho chính ta vậy.
Một ông vua trần thế mà còn biết thương và lo cho dân như thế, huống chi là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta. Làm sao Chúa co thể vui khi con cái của Ngài không được chung hưởng hạnh phúc Thiên đàng với Ngài.
6. Phục vụ cho quê hương
Hồi còn làm tổng thống Hoa Kỳ, ông Roosevelt đã có lần sang mãi tận Phi châu để nghỉ hè. Ông thích săn những con hươu cao cổ tại đó. Sau những ngày nghỉ hè thú vị, tổng thống lên đường trở về. Trong chuyến tàu đem tổng thống trở về, người ta cũng thấy có một nhà truyền giáo sau hơn bốn mươi năm phục vụ những người dân Phi châu cùng có mặt trên con tàu.
Khi tàu sắp cập bến, nhà truyền giáo thấy cảnh dân chúng đứng trên bờ cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ hân hoan chào đón tổng thống Roosevelt đi săn trở về bình an. Ông cảm thấy tủi thân vì hình như chẳng có ai để ý đến mình. Một thân một phận lủi thủi lên bờ. Tự thâm tâm ông như muốn trách Chúa:
- Đấy, Chúa thấy không, tổng thống đi nghỉ hè về thì được nhiều người ra đón rước như vậy. Còn con, con đã hy sinh chịu cực vì Chúa, phục vụ anh chị em nghèo khổ tại Phi Châu trong suốt bốn mươi năm qua. Thế mà bây giờ trở về đây, không ai thèm nghĩ đến con, thật là bất công và tủi cho thân phận con quá.
Nhưng ngay lúc đó, dường như có tiếng Chúa trả lời cho nhà truyền giáo:
- Này con, đừng vội thất vọng, con chưa trở về quê hương thật của con mà!
7. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,21).
Trong một buổi thuyết trình về đạo được tổ chức trên boong một du thuyền lớn, tiến sĩ A. Simpson giải thích với cử tọa về vấn đề này như sau: Ông lấy một cái chai quẳng vào lòng biển. Cái chai rơi vào đại dương và đang ở trong đại dương.
Nước biển chui vào chiếm hữu cái chai, nước biển càng vào, cái chai càng từ từ chìm sâu vào lòng đại dương. Ông kết luận:
- Cái chai ở trong đại đương và đại dương ở trong cái chai. Đó là hình ảnh xác thực nhất để chỉ mối tương giao giữa Chúa Giêsu và chúng ta là những môn đệ của Người.
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, trong bài ca thiêng liêng của ngài, ngài đã diễn tả về vấn đề này thật hay như sau: “Chúa Cha đã thực hiện điều Chúa Con cầu xin khi thông ban cho họ chính tình yêu thương Người hằng thông ban cho Chúa Con. Tuy vậy, Người không thông ban cho họ theo bản tính như khi Người thông ban cho Chúa Con, nhưng đã thông ban cho họ bằng cách lấy tình thương mà kết hợp họ với Người và thần hóa họ. Cũng thế, không nên hiểu rằng Chúa Con xin Chúa Cha cho họ nên một theo yếu tính và bản thể như Chúa Cha với Chúa Con là một, nhưng Người chỉ muốn xin cho họ nên một nhờ kết hợp với nhau trong tình thương, như Chúa Cha và Chúa Con vẫn là một trong Tình Thương duy nhất. Do đó, các linh hồn được thông phần với Thiên Chúa những điều tốt đẹp mà Chúa Cha và Chúa Con vẫn có theo bản tính. Vì vậy, nhờ được thông phần với Thiên Chúa, các linh hồn thực sự là những vị thần. Họ nên giống Thiên Chúa và được chung phần với Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được nên một với Chúa. Amen.
8. Chia rẽ thì thua
Ông Phaolô lợi dụng sự bất đồng Đức Tin giữa nhóm Biệt phái và phe Sađốc, để ông gây chia rẽ trong họ. Trước tòa án, ông nói: “Thưa quý vị đồng bào, tôi là Biệt phái, con của Biệt phái, tôi bị ra tòa vì mối hy vọng, tức là sự sống lại từ cõi chết." Ông vừa nói thế thì xô xát liền xảy ra giữa Biệt phái và Sađốc, và đám hội bị phân bè. Vì phe Sađốc quyết không tin có sống lại, không có Thiên thần hay ma quỷ gì cả, còn Biệt phái lại tin tất cả các điều ấy. Tiếng la lối ầm lên, có những Ký lục thuộc cánh Biệt phái chỗi dậy gây gổ bảo rằng: “Chúng tôi không thấy chút gì trái nơi đương sự. Biết đâu đã có vị linh thiêng hay Thiên thần phán bảo ông ấy? Cuộc xô xát đã đến độ trầm trọng, viên trưởng cơ sợ ông Phaolô bị xâu xé, thì sai binh đội xuống giựt ông khỏi đám họ mà dẫn về đồn."
Như thế, ông Phaolô vận dụng giáo lý về sự sống lại, có Thiên thần và có ma quỷ để gây chia rẽ giữa Biệt phái và Sađốc. Đó là cách ông Phaolô làm cho những người tin vào Giáo Lý của Đức Giêsu được hiệp nhất trong Chân Lý, đem lại cho họ sự sống hạnh phúc dồi dào muôn đời. Bởi vì bản chất Giáo Lý của Chúa là gây chia rẽ giữa tư tưởng của loài người với tư tưởng của Thiên Chúa, như Đức Giêsu nói: “Đừng tưởng Ta đến đem bình an trên mặt đất, Ta đến không phải để đem lại bình an mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình, và kẻ thù của người ta là những người nhà mình” (Mt 10, 34-36).
Do đó ta không được nói sự thật một nửa, vì đó là cách nói láo độc hại nhất. Ví dụ: “Hiệp nhất thì sống, chia rẽ là chết." Kìa Biệt phái và Sađốc khi còn hiệp nhất với nhau, mà không dựa trên Chân Lý của Chúa, không bởi Thánh Thần, nên sự hiệp nhất ấy gây ra cái chết cho ông Phaolô, không đem lại sự sống cho ai.
9. Nối kết với Thiên Chúa
Năm 1985, Steve Trotter trở thành người thứ bảy trong lịch sử đã sống sót khi nhảy ở độ cao 50 thước từ thác Niagara trong một chiếc thùng. Trotter nói anh có cảm tưởng như ở trên một thang máy không có dây gắn vào. Khi nghĩ về sự can đảm, chúng ta thường nghĩ đến can đảm thể lý. Một sự can đảm lớn hơn được Phaolô đề cập trong bài đọc hôm nay là sự can đảm luân lý.
Đó là sự can đảm mà các môn đệ Chúa Giêsu phải thể hiện hằng ngày trong thế giới hiện nay.
Làm cách nào tôi có thể xây dựng lại tòa nhà của sự can đảm khi nó suy sụp?
Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông bão, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa (Thánh Phanxicô Salêsiô).
10. Cùng sống, cùng chết
Có một câu truyện về một nhóm người bị đắm tàu trôi dạt trong chiếc thuyền cấp cứu hẹp và dài. Chiếc thuyền dài đến độ người phía trước nghĩ chính họ là người “trước hết” và người phía sau tưởng họ là người “sau cùng.” Một hôm, phía trước thuyền bị rò rỉ không thể nào kìm giữ được. Người đàn ông ngồi phía sau nói với người phụ nữ kế bên: “Cám ơn Chúa, thuyền bị rỉ phía trước, nếu nó rỉ phía sau, chắc chúng ta tận số.”
Câu truyện trên hàm chứa một bài học quan trọng cho tất cả chúng ta. Chúng ta quên rằng tất cả chúng ta cùng ở trên một chiếc thuyền. Một đe dọa nghiêm trọng nào xảy ra cho một phần thế giới cũng đe dọa nghiêm trọng đến những phần khác.
Tại sao tôi đồng ý hoặc không đồng ý với nhận định của John Kennedy: “Nếu một xã hội tự do không giúp được nhiều người nghèo, nó cũng chẳng cứu được một số ít người giàu?”
Chúng ta phải học chúng sống với nhau như anh em, hoặc cùng chết với nhau như những kẻ khờ dại (Martin Luther King).
11. Giá trị của lời nguyện
Alexis Carrel, người đoạt giải Nobel, viết: “Khi cầu nguyện, chúng ta liên kết chính mình với quyền lực tạo dựng vũ trụ. Chúng ta nài xin một phần quyền lực ấy được chia sẻ cho nhu cầu của chúng ta. Ngay lúc nài xin, những khiếm khuyết của chúng ta được lấp đầy, và chúng ta trở nên mạnh mẽ, tươi mới... Cầu nguyện chân thành là một lối sống. Cuộc sống đích thực chính là cuộc sống cầu nguyện.”
Việc cầu nguyện tác động thế nào lên cuộc đời tôi khi tôi thường xuyên cầu nguyện?
Cầu nguyện cũng giống như bật công tắc điện. Nó không tạo ra dòng điện, nhưng chỉ cung cấp một đường dẫn cho dòng điện chạy vào. (Max Handel) THỨ SÁU - Cơ hội thứ hai
Lời Chúa: Ga 21, 15-19
Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy."
Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy."
Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến." Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy."
TRUYỆN KỂ
1. Cơ hội thứ hai.
Trong một cuộc phỏng vấn, khi những người trung niên và lớn tuổi được hỏi về những năm tháng đã qua của cuộc đời mình, họ có hối tiếc gì không, và nếu có cơ hội thứ hai, họ sẽ quyết định như thế nào. Một số người cho biết, họ vẫn làm những gì họ đã chọn lựa. Ngược lại, một số đông cho biết họ đã chọn lựa sai ở một số thời điểm quyết định sự thành bại, và nếu bây giờ có cơ hội thứ hai, họ sẽ chọn lựa khác hẳn.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta chứng kiến việc Chúa Giêsu trao ban cho Phêrô cơ hội thứ hai.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần mà là nhiều lần. Điều quan trọng là chúng ta phải thành tâm nhìn nhận tội lỗi, xin ơn tha thứ và bắt đầu lại. Do đó mối hiểm nguy là do chúng ta tự định giới hạn cho lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa, mà không xin Ngài một cơ hội khác. Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai đã phản bội Thày trong cùng một ngày, nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại, còn Phêrô đã tận dụng cơ hội được ban cho và đã toàn thắng.
2. Có yêu thì mới chu toàn
Khi nói về tình yêu, nhạc sĩ Nguyễn Duy đã có một bài hát mang tên: “Xin định nghĩa tình yêu”, trong đó có đoạn:
“Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu [...]. Yêu: xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu."
Lời bài hát trên mang đậm chữ “yêu." Thật vậy, con người nếu không có tình yêu, hỏi rằng chúng ta có thể sống có ý nghĩa được chăng? Thưa không! Chỉ có tình yêu, con người mới làm cho cuộc đời này chan chứa niềm vui, dẫu vẫn còn đó khổ đau, bất hạnh, hiểu lầm...
3. Chăn dắt các chiên của Thầy
Trong thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, tức là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI sau này, giảng lễ gợi hứng từ Tin Mừng Ga 21,15-19, và tập trung vào lời Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).
Đức Hồng y Joseph Ratzinger, suy tư và khai triển tiếng gọi của Chúa Giêsu cho Phêrô “Hãy theo Thầy”, tiếng gọi này nhưng cũng xuyên suốt cuộc đời Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đấng kế vị Phêrô, từ khi lãnh tác vụ linh mục giữa thời chiến tranh, tiếp đến sứ vụ Giám mục trong thời kỳ bức màn sắt, cho đến khi lên ngôi Giáo hoàng như lời Chúa uỷ thác: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy."
4. Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô tới ba lần như vậy?
Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng: Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.
Có những tác giả khác cho rằng: Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phêrô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.
Một số người khác lại cho rằng: Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ”ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phêrô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác,
Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phêrô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.
Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phêrô: giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ: giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (Lm Phạm văn Phượng).
5. Hãy theo Thầy
Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:
- Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
- Không.
- Vậy anh hãy theo ta.
Đó cũng là câu Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).
6. “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó?
Người ấy trả lời: “Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa."
Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy nên ông xin được chết trên Thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Ông thực hiện đúng lời của Chúa: “Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).
7. Thầy biết con yêu mến Thầy
Alexander đại đế, khi còn nhỏ là một cậy bé thông minh. Một hôm cha cậu mua phải một con ngựa khó tính, không ai dạy nổi. Thế mà Alerxander thuần phục con ngựa ấy một cách dễ dàng. Có người hỏi cậu bí quyết khắc phục con ngựa ấy, cậu trả lời: “Chẳng có gì lạ. Tôi xét kỹ thấy con ngựa này rất sợ cái bóng của nó. Vì thế chỉ cần quay nó hướng về mặt trời để nó không còn thấy cái bóng của nó nữa.”
Ông Phêrô rất sợ cái bóng của mình, nhưng khi ông hướng về Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, sợ hãi như tan biến đi, nhường chỗ cho tín thác xâm chiếm cả tâm hồn ông.
Lạy Chúa, Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa biết con hơn con biết con và Chúa yêu con hơn con yêu con. Con tín thác đời con cho Chúa.
8. Điều kiện: Yêu
Trước khi Đức Giêsu trao quyền thủ lãnh cho, Ngài không đòi hỏi ông về kiến thức, cũng không đòi ông phải có tài năng, địa vị, hay giàu có, mà Ngài chỉ tra hỏi ông về tình yêu:
Trước nhất, ta phải phân biệt hai động từ yêu được dùng trong trình thuật này:
* Agapê: Là tình yêu của Thiên Chúa, yêu không tìm lợi nhuận nơi người đời, không phân biệt bạn hay thù, chấp nhận mất mạng vì phục vụ phàm nhân theo ý Cha trên trời.
* Philein: Yêu trong tình bạn, dựa trên công bằng giao hoán.
Ta thấy ba lần Chúa Giêsu hỏi và ông Phêrô trả lời:
- Con có Agapê Thầy không? Dạ, con Philein Thầy. Con hãy chăn chiên (Arnia).
- Con có Agapê Thầy không? Dạ, con Philein Thầy. Con hãy chăn cừu (Probata).
- Con Philein Thầy sao? Dạ, con Agapê Thầy. Con hãy chăn cừu (Probata).
Như vậy,
a- Chỉ khi nào thủ lãnh Phêrô trả lời Agapê, giống như Chúa Giêsu yêu loài người, thì mới đạt.
b- Ba lần Chúa Giêsu hỏi về tình yêu của ông Phêrô, Ngài muốn ông chuộc lại ba lần đã chối Thầy. Vì thế lần thứ nhất Chúa Giêsu hỏi ông: “Phêrô, con có yêu mến Thầy HƠN những người này không?” (Ga 21, 15: Tin Mừng).
9. Thấy Chúa yêu
Một buổi sáng, ông thầy dòng ra vườn cầu nguyện. Đứng trước hàng chôm chôm đầy trái, bên cạnh giàn bí với những quả thật lớn, thầy suy nghĩ: "Chẳng biết Chúa có mắt không. Sao trái chôm chôm bé tí thế kia lại mọc trên cành cây to, còn quả bí khổng lồ lại bám vào dây leo tí tẹo? Chẳng hợp lý chút nào." Đang miên man suy nghĩ, chợt một cơn gió thổi qua, một trái chôm chôm rơi ngay đỉnh đầu. Giật nẩy mình, như vừa tỉnh khỏi cơn mơ, thầy quỳ sụp xuống: «Ôi lạy Chúa, may Chúa có mắt, nếu để trái chôm chôm to bằng quả bí thì đầu con còn đâu!» Thế đấy, Thiên Chúa thấy và biết hết mọi sự. Ngài luôn có lý; và kế hoạch của Ngài luôn tốt đẹp cho chúng ta, vì Ngài YÊU THƯƠNG CHÚNG TA. Dĩ nhiên, Thiên Chúa cũng biết rõ tôi có yêu mến Ngài hay không. Vậy điều quan trọng là tấm lòng của tôi như thế nào đối với Thiên Chúa, cụ thể là đối với Đức Giêsu Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.
Mời Bạn: Cảm nhận tình yêu của Chúa Giêsu dành cho bạn. Người đã yêu thương bạn đến cùng đó. Và nhìn lại thái độ hững hờ, đôi khi bạc bẽo của mình trước tình Chúa. Ôi, tấm lòng của mình sao chật hẹp quá! Chúa Giêsu cũng đang hỏi bạn có yêu mến Người không. Hãy xin Chúa cho mình có thể thốt lên được với tất cả sự chân thành như Phêrô: «Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy.» THỨ BẢY - Làm chứng cho Chúa
Lời Chúa: Ga 21, 20-25
Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi "Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?" Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Còn người này thì sao?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy." Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: "Nó sẽ không chết", mà Người chỉ nói: "Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con."
Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.
TRUYỆN KỂ
1. Làm chứng cho Chúa.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc."
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin." Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau.
2. Về thánh Gioan
Thánh Gio-an lúc bảy mươi tuổi bắt đầu viết Tin mừng làm chứng về Đức Giêsu. Hôm nay, Ngài ký vào lời chứng này.
Ngôn từ cuốn Tin mừng này đôi khi khó hiểu, bí ẩn, sâu kín, mang lại kinh nghiệm dày dạn sâu lắng của đời sống Kitô giáo, đời sống phục sinh. Ngài truyền lại cho chúng ta kiến thức về Đức Kitô sau khi đã cầu nguyện, Suy niệm lâu dài mãi tới già.
Mấy tuần mùa phục sinh Ngài loan báo cho chúng ta Tin mừng về: sự tái sinh bởi Thánh Thần, chia sẻ bánh hằng sống, niềm hy vọng phục sinh, tiếp nhận mục tử tốt lành, ban Thánh Thần, thánh Gio-an giới thiệu chúng ta vào hiệp thông với Chúa Cha. Hơn nữa, ngài còn xác định về những đòi hỏi phải theo Đức Kitô: Sự cần thiết phải tin, nhận lãnh những dấu chỉ, đức tin vào lời chứng về Đức Kitô, trông cậy vào Đấng Thiên Chúa sai đến.
Đến lượt, chúng ta cần cảm nghiệm sâu sắc về đời sống của Đức Kitô. Nhờ thế, chúng ta là nhân chứng về những sự kiện cao cả của Thiên Chúa trong lịch sử lúc này. Lời chứng của chúng ta rất cần cho thế gian. Mỗi người trong chúng ta, tùy theo cách thức và đặc sủng của mình, phải loan báo Tin mừng đã sống thực trong đáy lòng con tim chúng ta.
Mỗi người chúng ta phải lớn tiếng rao giảng lời chứng của mình về Đức Kitô hàng ngày. Lời rao giảng Tin mừng trong phụng vụ được các tông đồ truyền lại cho chúng ta, giúp chúng ta làm sống lại lời Tin mừng đến tận các bàn giấy, các nhà máy, và các gia đình.
Chúng ta không nên đợi những người khác bắt đầu sống theo Đức Kitô, rồi chúng ta mới bắt đầu thi hành ý Người. Hãy nhờ chính lời của Người nói với Phê-rô: “Dù Thầy muốn cho người ấy cái gì, dù Thầy định cho những người khác thế nào, thì việc gì đến anh? Phần anh, anh hãy theo Tôi."
CG.
3. Cảm nghiệm và làm chứng
Trên các trang báo điện tử thời gian gần đây đăng tin:
Một nữ tu “cháy hết mình” trên sân khấu The Voice của Ý.
Nữ tu đó chính là Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia. Chị đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Khi sơ xuất hiện, các giám khảo và mọi người thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.
Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.
Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra là một trong 4 vị giám khảo đã hỏi sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này?
“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.
“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng."
Thánh Gioan hôm nay hiện lên trên trang Tin Mừng như một người chứng về tất cả những gì ngài đã viết trong Tin Mừng của mình về Đức Giêsu. Ngài đã trở nên chứng nhân cho tất cả những gì đã viết là bởi vì ngài đã được ở với Đức Giêsu, được nghe lời dạy, và cảm nghiệm được tình yêu đặc biệt mà Thầy đã dành cho mình. Như vậy, muốn hiểu phải yêu, và khi đã yêu thì phải làm chứng và lời chứng của người đó mới thật.
4. Được mời gọi trở nên chứng nhân
Ngày kia, Voltaire nói với một người bạn: “Để lập Kitô giáo, chỉ cần mười hai tên ngư phủ quê mùa, dốt nát. Tôi sẽ cho thế giới thấy rằng chỉ cần một người Pháp cũng đủ tiêu diệt tôn giáo đó."
Với ý đồ đó, ông phản bác cả Isaac Newton. Newton dựa vào sách Daniel 12,4 và Nahum 2,4 tiên đoán rằng: Một mai, con người có thể di chuyển với tốc độ kỳ diệu là 40 dặm trong một giờ. Voltaire bảo: “Hãy xem Kitô giáo điên rồ đã đầu độc một người thông thái như Newton đến cỡ nào! Ông không biết rằng một người chạy 40 dặm 1 giờ sẽ nghẹt thở, vỡ tim mà chết hay sao?"
25 năm sau khi Voltaire qua đời, căn nhà của ông được bán cho Hội Thánh Kinh Geneva và trở thành kho lưu trữ Thánh Kinh. Còn chiếc máy in của ông cũng được dùng để in Thánh Kinh!
5. Làm chứng cho Chúa.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa kỳ là Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày nọ, sau khi nghe anh than phiền, Tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: “Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc."
Tử đạo theo nguyên ngữ là “làm chứng cho đức tin." Có người dùng cái chết để làm chứng, có người dùng cả cuộc sống. Tuy nhiên, chết đau thương nhục nhã hoặc chết âm thầm từng ngày, cả hai đều có giá trị như nhau. Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, nghĩa là chấp nhận những thử thách bách hại và cái chết trên thập giá để làm chứng cho Chúa. Còn Gioan, vị Tông đồ được Chúa Giêsu yêu mến lại làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Gioan tuy không được phúc tử đạo như các Tông đồ khác, nhưng đã sống một thời gian rất dài, để củng cố niềm tin của các tín hữu tiên khởi, nhất là để Suy niệm và viết cuốn Tin Mừng thứ tư và ba lá thư... Tất cả đều là những cách thức làm chứng cho Đấng đã chết và sống lại là Chúa Giêsu Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
6. Hãy theo Thầy
Rôma bị bao vây nghiêm ngặt vào năm 1849. Garibaldi, nhà ái quốc vĩ đại người Ý đã đưa ra lời thách thức đến giới trẻ. Ông nói: “Tôi không có gì ban tặng các bạn, chỉ có đói khát, khó khăn và cái chết. Nhưng tôi kêu gọi tất cả những ai yêu mến tổ quốc hãy liên kết cùng tôi.” Sự đáp trả thật đáng kinh ngạc.
Chúa Giêsu cũng đưa ra lời thách thức này, đặc biệt với Phêrô, trong bài đọc hôm nay. Ngày hôm nay, Ngài cũng đưa ra lời thách thức tương tự đối với mỗi người chúng.
Chúa Giêsu sẽ nói gì với tôi, nếu tôi hỏi Ngài vì sao nên đón nhận lời thách thức của Ngài?
Dám làm những điều can đảm để dành chiến thắng huy hoàng, dù phải nếm mùi thất bại, còn hơn là bằng lòng với lối sống không hưởng thụ, không đau khổ, vì như thế là sống trong bóng hoàng hôn không biết đến mùi chiến thắng hay thất bại (Theodore Roosevelt).
7. Lời Chúa không bao giờ hết
Một chiếc xe tải nhẹ đậu ở lề đường. Một giọng nói từ buồng lái vang lên cho nhóm hướng đạo sinh ở phía sau: “Đến giờ cầu nguyện rồi. Chúng con hãy lần hạt, trong khi cha đọc sách nguyện.” Cha Joyce ngồi xuống bên đèn lái và bắt đầu đọc sách nguyện. Ngay lúc đó, một chiếc xe khác đến và người tài xế hỏi: “Có cần giúp đỡ gì không?” Cha Joyce đáp: “Không, chỉ đọc sách thôi mà!” Vị linh mục mỉm cười khi chiếc xe rời đi với câu nói tạm biệt của người tài xế: “Chắc là một quyển sách hay tuyệt nhỉ.”
Câu truyện hoặc bản văn nào trong cuốn sách hay tuyệt đó nói với tôi một cách đặc biệt? Tại sao?
Tôi biết Kinh thánh được linh hứng, vì Kinh thánh đã giúp tôi khám phá chiều sâu trong tôi hơn bất cứ cuốn sách nào khác. (Samuel Taylor Coleridge)