Chương 4. Tại sao chúng tôi tin
THIÊN CHÚA

Ở trường trung học, tôi chỉ quan tâm đến Chúa khi tôi gặp khó khăn trong bài kiểm tra toán và nghĩ rằng cầu nguyện thì chẳng có hại chi đâu; nhưng hầu hết thời gian tôi không nghĩ rằng đấng tạo thành trời đất lại quan tâm đến tôi. Thành thật mà nói, tôi không quan tâm nhiều đến ông ấy hay "nó". Tuy nhiên, thái độ của tôi bắt đầu thay đổi vào một buổi chiều thứ Năm trong lớp học tiếng Anh lớp mười của tôi.
Giáo viên của tôi đề nghị chấm điểm một trong những bài báo của tôi trong bữa trưa sau khi các bạn cùng lớp rời đi, nhưng vài phút sau, một nhóm học sinh mang bánh pizza đến - bánh pizza bơ, béo ngậy thơm ngon từ một nhà hàng địa phương. Hóa ra sinh viên là một phần của một nhóm thanh niên Công giáo từ một nhà thờ gần đó, và Giáo viên tiếng Anh của tôi là nhà tài trợ cho câu lạc bộ của họ. Tôi quyết định ở lại để ăn bánh pizza và lắng nghe cuộc trò chuyện của họ về tôn giáo.
Tôi tham dự thêm một vài buổi hội nữa, và tôi thấy quan niệm của tôi về Thiên Chúa quá yếu kém để giải thích vũ trụ. Các bạn trong câu lạc bộ đã giúp tôi trả lời câu hỏi này: “Ngay cả khi vũ trụ có một đấng sáng tạo, làm sao chúng ta biết đấng sáng tạo đó là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện mà các Kitô hữu tôn thờ?”
ĐIỂM ĐẶC TRƯNG CỦA ĐẤNG SÁNG TẠO
Một cách để xác minh đặc điểm nhận dạng của đấng sáng tạo là loại bỏ đi các lựa chọn không hợp lý. Giả như, một số người tin rằng vũ trụ tự tạo ra mình, hay Thiên Chúa là vũ trụ. Đó là thuyết phiếm thần (pantheism), xuất phát từ tiếng Hy Lạp: “tất cả” (pan) và “thần” (theos).
Nếu mà vũ trụ hình thành từ hư vô, thì phải cần đến một nguyên nhân ở bên ngoài nó để bắt đầu bước vào hiện hữu. Nói rằng vũ trụ “tự tạo ra mình” thì cũng như nói có một ai đó tự thụ thai hay nói rằng Mark Zuckerberg đã nhận được ý tưởng tạo Facebook từ một người đã gửi tin nhắn Facebook cho anh ta.
Nhưng bạn nhận được như thế nào từ đấng sáng tạo chẳng là gì cả, như bản thân vũ trụ, cho đến đấng sáng tạo– trong trường hợp này, là một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện? Một lối đi bởi suy tư là phải có một lời giải thích tối hậu về vạn vật.
Hãy tưởng tượng bạn và một người khác trông thấy một toa xe chở hàng di chuyển trên đường ray. Bạn hỏi người đó, "Cái gì đang kéo toa xe đó," và anh ta trả lời, "Một toa chở hàng khác." Bạn có đồng ý không? Thưa không, bởi vì câu trả lời đó đặt ra một câu hỏi khác: “Cái gì đang kéo toa xe đó?”
Lời giải thích của người đó không phải là lời cuối cùng giải quyết được vấn đề vì nó lại đề xuất một câu hỏi khác. Bây giờ, hãy tưởng tượng điều này cứ tiếp diễn mãi cho đến khi người đó nói, “Kìa, có vô số toa chở hàng mỗi toa kéo theo một toa khác.” Đây có thể là một lời giải thích vô tận, nhưng không phải là lời giải thích tối hậu. Bởi vì nó đặt ra câu hỏi “Tại sao đoàn tàu chuyển động?”
Các toa xe đứng yên trừ khi có một cái gì kéo chúng. Chẳng có gì lạ nếu bạn kết nối một, hai hay vô số toa xe với nhau, tất cả chúng sẽ làm một điều như nhau: giữ nguyên vị trí. Sự chuyển động của cả đoàn tàu vẫn chưa được giải thích cho đến khi một thực thể khác được đưa ra: đó là một toa tàu có thể tự di chuyển và kéo các toa khác, hay là một đầu máy xe lửa.
Một cách tương tự, sự hiện hữu của vũ trụ chúng ta không thể được giải thích bằng vô số vũ trụ khác đã hiện hữu trước Big Bang. Điều đó sẽ không giải thích về sự hiện hữu của bất kỳ vũ trụ nào thay vì không có gì cả. Thay vào đó, một loại thực thể khác phải được đưa ra: một nguyên nhân mang lại sự hiện hữu cho vạn vật nhưng không nhận sự hiện hữu từ vật nào. Vào thế kỷ thứ mười ba, Thánh Tôma Aquinas định nghĩa Thiên Chúa là ipsum esse, tiếng Latinh có nghĩa là “tự hữu."
Hỏi rằng, “Nếu Thiên Chúa tạo ra mọi thứ thì ai tạo ra Thiên Chúa?” thì cũng như hỏi, “Nếu đầu máy đang kéo đoàn tàu, vậy thì cái gì đang kéo đầu máy?” Không phải mọi toa tàu đều cần được kéo, vì có một số toa (như đầu máy) tự mình di chuyển và lý giải cho sự chuyển động của tất cả các toa khác. Tương tự như vậy, không phải mọi hữu thể đều phải có một nguyên nhân cho sự hiện hữu của mình bởi vì có một hữu thể (Thiên Chúa) là tự hữu và lý giải cho sự hiện hữu của tất cả vạn vật.
Nếu Chúa là hữu thể không có giới hạn hay tự hữu, điều đó có nghĩa Thiên Chúa là vô hạn. Điều đó không có nghĩa là Ngài có vô số tư tưởng hay là Ngài bao la rộng lớn đến vô tận. Thay vì thế, một sự gì là vô hạn nếu nó không có bất kỳ giới hạn nào. Thiên Chúa là chính sự hiện hữu hay tự hữu và vì thế mà không có chi giới hạn Ngài hay các thuộc tính của Ngài trong nhiều điều, bao gồm:
Duy nhất: Vì Thiên Chúa không có giới hạn, nên Ngài không thiếu thứ gì. Nếu có nhiều hơn một Chúa, thì hai chúa đó sẽ giới hạn lẫn nhau một cách nào đó. Cả hai sẽ không thực sự vô hạn và vì vậy cả hai sẽ là "các chúa" (hay các tạo vật hùng mạnh) hơn là “Chúa” (đấng sáng tạo toàn năng). Nếu Chúa là sự tự hiện hữu vô hạn, thì chỉ có thể có một Thiên Chúa mà thôi
Có mặt khắp nơi: Chúa không “có mặt” ở khắp mọi nơi bằng cách đồng nhất với mọi thứ trong vũ trụ (như trong thuyết phiếm thần). Thiên Chúa không được phân tán xuyên suốt trong vũ trụ như một loại khí vô hình. Thay vào đó, Chúa hiện diện trong vũ trụ bằng cách duy trì và tác động đến mọi thành phần của nó. Nói tóm lại, không có một nơi nào hay một lúc nào bao hàm Thiên Chúa. Đúng hơn, hết mọi không gian và thời gian đều hiện hữu vì Chúa là chính sự hiện hữu. Chúa thấy mọi sự hiện hữu trong một “hiện tại” vĩnh cửu, và vì vậy Ngài hiện diện trong đó nhưng không phải là một phần của nó theo nghĩa đen.
THIÊN CHÚA CÓ KHỜ DẠI NHƯ ZEUS KHÔNG?
Các vị như Zeus và Thor là những vị chúa có chữ “c” viết thường. Họ đến từ các vị thần khác, có thể chết, bị hạn chế về quyền lực, không biết một số điều, và thường vô luân. Chúng không vô hạn, không là hiện hữu hoàn hảo giải thích cho vạn vật, mà chúng ta gọi là “Chúa."
Ngay cả giới trí tuệ sống vào thời các vị thần này được đa số ưa thích cũng không tin vào các thần này. Trong cuốn Siêu hình học của mình, Aristotle, triết gia Hy Lạp cổ đại gọi các vị thần như Zeus là “thần thoại." Dù vậy, ông nói Thiên Chúa chân thật duy nhất, “là một hữu thể sống động, vĩnh cửu, toàn hảo, để sự sống và thời gian liên tục và vĩnh cửu thuộc về Chúa; vì đây là Thiên Chúa.”[1]
Toàn tri: Vì Thiên Chúa duy trì tất cả mọi sự hiện hữu, nên Ngài biết tất cả, nghĩa là Ngài biết hết mọi thực tại có thật và có khả năng có thật. Thiên Chúa không chỉ biết tất cả mọi sự có thật lúc này, mà cả mọi sự có thật trong quá khứ (như George Washington đã bước bao nhiêu bước trong đời) và mọi sự có thật trong tương lai (chẳng hạn như bạn có đọc xong trang này hay không).
Nhưng nếu Chúa biết tôi sẽ làm gì vào ngày mai, điều đó không có nghĩa là tôi không được tự do làm bất cứ điều gì khác sao? Không, bởi vì cái biết của Thiên Chúa về tương lai không định đoạt cho tương lai. Chúa không ở trong thời gian như bạn hay tôi. Ngài hiện hữu bên ngoài thời gian và nhìn thấy tất cả trong một khoảnh khắc vĩnh cửu. Cũng giống như tôi đang nhìn bạn trong hiện tại không ngăn cản bạn ngồi trên ghế, Chúa “nhìn” bạn trong tương lai từ vị trí ngoài thời gian của Ngài không ngăn cản bạn ngồi trên ghế hay làm bất cứ điều gì khác tại thời điểm đó.
Toàn năng: Là toàn năng, hay có sức mạnh tuyệt đối, nghĩa là Thiên Chúa có sức mạnh để làm được hết mọi điều hợp lý. Chúa làm được mọi sự, nhưng một số kết hợp của các từ là vô nghĩa và vì vậy chúng thậm chí không được coi là "việc" để Chúa làm. Đối với Chúa, việc làm ra một “vòng tròn vuông” hay “một tảng đá nặng đến nỗi Ngài không thể nhấc nó lên,” hay tự tiêu hủy bản thân, đều bao hàm một mâu thuẫn logic. Bởi đó mà những việc như thế không thuộc vào danh mục “hết mọi sự có thể làm được,” và vì vậy chúng không liên quan gì đến quyền năng vô hạn của Thiên Chúa.
Chúa làm được mọi sự, nhưng một số kết hợp của các từ là vô nghĩa và vì vậy chúng thậm chí không được coi là "việc" để Chúa làm.
Toàn thiện: Hãy nghĩ về hết mọi sự dữ trong cuộc sống: ung thư, những kẻ giết người hàng loạt, nhà hàng thức ăn nhanh không làm theo đơn đặt hàng của bạn. Tất cả những điều xấu này, từ nhỏ bé cho đến kinh khủng, có một điểm chung nào? Câu trả lời: tất cả chúng đều thiếu đi một chút sự thiện.
Ung thư là sự phát triển không kiểm soát của tế bào, vì thế cho nên thiếu tổ chức và sức khỏe. Những kẻ giết người hàng loạt là những người thiếu lòng đồng cảm và tình yêu thương, là hai điều có thể giữ cho họ khỏi phạm tội. Và một ổ bánh mì thịt mà không có thịt, ồ, đó chỉ là một ổ bánh mì. Vậy thì làm thế nào để lấy điều này mà chứng minh rằng Thiên Chúa là Đấng toàn thiện?
Bạn hay tôi, hay bất kỳ một tạo vật nào khác, sẽ luôn thiếu một thứ gì đó bởi vì chúng ta là hữu hạn. Còn Chúa thì không có giới hạn vì Chúa là vô hạn; do đó Ngài không thiếu thứ gì. Điều đó không có nghĩa là mọi điều tốt và điều xấu đều có ở trong Chúa bởi vì, như chúng ta đã biết, sự ác chỉ là sự vắng mặt của sự thiện. Bởi sự dữ là thiếu vắng sự thiện, và Thiên Chúa không thiếu gì cả, nên Chúa phải là toàn thiện.
Tất cả những điều hoàn hảo mà chúng ta thấy trên thế giới đều bắt nguồn từ Chúa. Chúa không chỉ có tình yêu, có vẻ đẹp, có sự thiện: Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là vẻ đẹp, và Thiên Chúa là sự thiện. Nhưng nếu Thiên Chúa là toàn thiện và toàn năng, thì tại sao lại có quá nhiều sự ác và đau khổ trên thế giới? Đó là câu hỏi quan trọng mà chúng ta sẽ xem đến sau đây.
CÓ PHẢI THIÊN CHÚA LÀ “NAM GIỚI” KHÔNG?
Người Công giáo gọi Thiên Chúa là ông ấy, nhưng điều đó không có nghĩa là họ nghĩ Chúa là một người phái nam theo nghĩa đen. Giáo hội Công giáo dạy: “Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài… Ngài không là nam mà cũng không là nữ. Thiên Chúa là tinh thần thuần khiết trong đó không có chỗ cho sự khác biệt giữa hai giới. Nhưng những 'sự hoàn hảo' tương ứng của người nam và người nữ phản ánh một điều gì đó về sự hoàn hảo vô biên của Chúa.”[2]
TẠI SAO CHÚNG TÔI TIN: THIÊN CHÚA
• Vạn vật cần đến một lời giải nghĩa tối hậu không cần được giải thích bằng một điều gì khác nữa, hay là điều mà chúng ta có thể gọi là "hữu thể" vô hạn hay “tự hữu."
• Lời giải nghĩa tối hậu này, hay Thiên Chúa, phải là vô hạn. Vì căn nguyên này không thiếu gì hết, nghĩa là một mình Thiên Chúa chứa đựng hết mọi kiến thức và mọi sức mạnh.
• Thiên Chúa phải toàn thiện vì dẫu cho Ngài không thiếu gì hết, sự dữ chỉ là sự thiếu vắng sự thiện.
[1] Aristotle, Siêu hình học, Quyển XII.